Theo thông tin khoa học giáo dục mầm non, sơ bộ khảo sát trên 200 cháu ở tuổi mầm non của các câu lạc bộ tư vấn nuôi dạy trẻ TPHCM (thuộc Hiệp hội UNESCO) trong 90% các cháu có khả năng nhận biết, tìm hiểu môi trường xung quanh và khả năng tính toán nhanh các phép tính trong phạm vi 10, có đến 60% trẻ không biết cách diễn đạt, nói năng nhát gừng câu cụt, ý nghèo... Khi vào lớp 1, môn khó nhất đối với cháu là môn tiếng Việt, 30%-40% trẻ diễn đạt không thoát ý. Rèn luyện ngôn ngữ cho trẻ từ gia đình Ở Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM, đa số trẻ vào khám ở khoa tâm lý tuy đã 6,7 tuổi mà khả năng nói rất kém hoặc nói ngọng đến nỗi chẳng ai hiểu cháu muốn nói gì. Có trường hợp khi khám bệnh cho một bé 5 tuổi bị chậm nói, bác sĩ mới phát hiện không phải vì bệnh lý mà do từ khi mới sinh đến lớn, suốt ngày cháu ở nhà với người bà câm điếc... Có không ít bậc cha mẹ chỉ biết lo làm ăn kiếm ra nhiều tiền còn con cái, cứ mặc kệ, không hề quan tâm đến việc dạy trẻ tập nói đã làm thiệt thòi khả năng học hành, giao tiếp về sau này của trẻ. Nếu người lớn có ý thức rèn luyện ngôn ngữ cho trẻ ngay từ lúc sơ sinh, trẻ sẽ trở nên lanh lợi và mau biết nói. Một trẻ mới 4 tuần tuổi đã biết hóng chuyện với mẹ bởi vì hằng ngày trẻ luôn được người lớn quan tâm chuyện trò với bé. Ngày nay khoa học đã chứng minh: Trẻ từ lúc còn trong bụng mẹ đã phân biệt được mọi âm thanh xung quanh như mỗi khi nghe tiếng còi tàu, trán thai nhi “nhíu” lại hoặc như thai nhi sẽ yên lặng khi người mẹ mở nhạc cổ điển và sẽ đạp mạnh vào bụng mẹ nếu bị nghe nhạc kích động như pop, rock... Ở trẻ sơ sinh tuy não bộ chưa hoàn chỉnh nhưng nó có khả năng xử lý ngôn ngữ trên cả hai bán cầu não. Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy mạnh dạn cho trẻ thường xuyên tiếp xúc với ngôn ngữ. Rèn luyện ngôn ngữ cho trẻ càng sớm càng giúp trẻ có cơ hội phát huy tốt về mặt ngôn ngữ. Chúng ta đã từng gặp những trẻ mới 14, 15 tháng tuổi, chưa biết đi nhưng đã nói sỏi những câu đến 3 từ như: “Chào mẹ ạ!” hoặc nhìn thấy mèo, cháu liền nói: “Con mèo đấy!”. Khi hỏi vì sao cháu thông minh thế thì được gia đình cho biết là do người mẹ luôn bắt cháu lặp đi lặp lại những câu đó. Nhà trường cần có chuyên đề ngôn ngữ ngay ở tuổi nhà trẻ Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Nga (giáo dục mầm non TPHCM): Sở dĩ hiện nay trẻ bị nhiều hạn chế về khả năng ngôn ngữ, có một nguyên nhân là vì số lượng trẻ trong một lớp quá đông, cô giáo không thể nào có điều kiện quan tâm, trò chuyện với từng trẻ. Mặt khác, trong chương trình chăm sóc giáo dục trẻ, nhiệm vụ phát triển ngôn ngữ cho trẻ còn chung chung, chưa cụ thể, chưa có chuyên đề ngôn ngữ. Ở mẫu giáo chưa có giờ học phát triển ngôn ngữ riêng biệt. Khi các giáo viên soạn bài để dạy trẻ, không chú ý đến yêu cầu ngôn ngữ của trẻ phải như thế nào mà thường chỉ chú trọng đến nhiệm vụ phát triển nhận thức ở trẻ nhiều hơn là ngôn ngữ. Một số giáo viên bằng lòng với câu trả lời không đầy đủ của trẻ. Ví dụ: “Cánh hoa hồng to hơn” hay “Bút chì màu đỏ dài hơn”. Trong khi, lẽ ra phải trả lời: “Cánh hoa hồng to hơn cánh hoa cúc” hay “Bút chì màu đỏ dài hơn bút chì màu xanh...”. Rõ ràng, việc dạy trẻ phát triển ngôn ngữ (nói đúng, nói chính xác, diễn đạt mạch lạc...) là trách nhiệm của người lớn. Bởi ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng trong phát triển trí tuệ cho trẻ, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi mầm non. Hà Dương (TGPN) |