Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phổ cập giáo dục mầm non ở các tỉnh trung du, miền núi phía bắc


Những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) các tỉnh vùng trung du, miền núi phía bắc có nhiều chuyển biến tích cực, mặc dù đây là một trong những vùng thuộc diện nghèo, khó khăn của cả nước, tỷ lệ người dân tộc thiểu số lại chiếm khá cao.Khó khăn lớn nhất của vùng là cơ sở vật chất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt của học sinh, nhất là đối với bậc học mầm non.


Cô giáo Hoàng Thị Hương hướng dẫn các cháu xếp hình tại trường mẫu giáo xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: TRẦN HẢI


Chúng tôi vượt hơn 40 km đường núi quanh co, gập ghềnh đến với Trường mầm non Phú Cường, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Lúc này trời mới tờ mờ sáng, mưa nặng hạt, chứng kiến các em học sinh đi học trong thời tiết giá rét với đôi chân lấm lem, tấm áo cũ không lành lặn, đường lầy lội, trơn trượt, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Hiệu trưởng Bùi Thị Huyên cho biết: Do là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, cho nên khó khăn lớn nhất của trường là cơ sở vật chất còn thiếu thốn, phần lớn các điểm lẻ của trường thiếu hoặc không có hệ thống các phòng chức năng, thiết bị dạy học, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt do vậy việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở đây là rất khó.


Tiếng xe máy nổ cùng tiếng người nói lớn làm gián đoạn cuộc trò chuyện của chúng tôi. Hỏi ra mới biết đó là anh Lò Văn Thao, người dân tộc Thái, phụ huynh học sinh đến trường để lấy thức ăn trưa đưa cho các em học sinh ở điểm trường lẻ. Anh Thao chia sẻ: Hằng ngày chúng tôi phân công nhau để đi đến điểm trường chính lấy thức ăn cho các con. Từ điểm trường lẻ đến đây gần 10 km, đường quanh co, nhiều "ổ trâu, ổ voi", rất khó đi. Mà hôm nay trời mưa to, đường đi có nhiều vũng lầy, trơn trượt. Nói rồi anh nhanh chóng chào chúng tôi, vội vàng bê thức ăn ra xe để kịp về trường đúng bữa ăn cho các em học sinh.


Theo báo cáo của Bộ GD và ÐT, trong 5 năm qua, mạng lưới trường, lớp mầm non tăng nhanh, năm học 2011 - 2012, toàn vùng có 2.895 trường mầm non, tăng 24,5% số trường so với năm 2006; bình quân hằng năm xây dựng mới 1.766 phòng học kiên cố. Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cao hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Năm học 2006 - 2007, toàn vùng có 112 trường đạt chuẩn, đến năm học 2011 - 2012 có 627 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (tăng 5,6 lần), chiếm gần 22% tổng số trường (bình quân cả nước là 20%). Các tỉnh có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao là Bắc Giang hơn 54%, Thái Nguyên 50,5%, Phú Thọ gần 33%. Tuy nhiên, mạng lưới trường, lớp mầm non chưa đáp ứng nhu cầu huy động trẻ đến trường, nhiều xã chưa có trường mầm non độc lập, còn chung cơ sở vật chất với trường tiểu học, trường chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số phòng học tạm, học nhờ vẫn còn nhiều, toàn vùng thiếu hơn 7.200 phòng học, vẫn còn hơn 5.500 phòng học tạm và 5.852 phòng học nhờ. Ðể thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới và thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo (PCGDMN) năm tuổi, vấn đề đầu tư đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất trường mầm non là thách thức đối với các tỉnh trung du và miền núi phía bắc.


Từ thực tế địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hà Thị Nga cho biết: Là tỉnh nghèo cho nên việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đồ dùng thiết bị cho học sinh đang là những rào cản lớn nhất. Hiện toàn tỉnh còn gần 1.500 phòng học tạm, mới có hơn 2.500 nhà công vụ cho giáo viên, con số này mới đạt hơn 20% so với nhu cầu. Vì vậy, tỉnh phải cân đối các nguồn lực bổ sung kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung biên chế giáo viên còn thiếu, nhân viên y tế cho các trường mầm non đạt chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương sớm đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi vào năm 2013.


Những năm qua, từ nguồn ngân sách Nhà nước, các chương trình, dự án phát triển giáo dục, chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo, nguồn Trái phiếu Chính phủ, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất trường học từng bước được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, phần lớn các tỉnh trung du, miền núi phía bắc còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thiết bị dạy học chưa đồng bộ, thiếu diện tích đất, thiếu công trình vệ sinh, nước sạch..., nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn. Hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học còn thấp, đội ngũ nhân viên chuyên trách về thiết bị cơ bản còn thiếu, phần lớn là giáo viên kiêm nhiệm. Ðược giao phụ trách công tác y tế học đường của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, anh Trịnh Minh Tuấn chia sẻ: Hầu hết cán bộ y tế học đường của huyện là giáo viên kiêm nhiệm, không có trình độ chuyên môn về công tác y tế, chỉ qua lớp tập huấn của Phòng GD và ÐT. Hơn nữa, nhiều trường chưa có phòng y tế hoặc có nhưng còn thiếu dụng cụ, thiết bị cơ bản phục vụ y tế trường học.


Bên cạnh đó, chất lượng dạy và học chưa đồng đều, chưa bảo đảm tính bền vững; học sinh chưa chuyên cần, nhất là đối với học sinh người dân tộc thiểu số, vẫn còn học sinh bỏ học; tỷ lệ học sinh yếu, kém của vùng dân tộc thiểu số còn cao so với mặt bằng chung cả nước. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương cho rằng: Sự nghiệp giáo dục ở vùng cao có nhiều tiến bộ khi mà lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số số lượng hằng năm tăng. Sự thật là nơi nào có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì sự nghiệp giáo dục hạn chế nhưng phải đặt ngược lại là đồng bào dân tộc thiểu số làm ảnh hưởng giáo dục hay tư duy giáo dục của ta ở vùng dân tộc thiểu số chưa tốt? Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với các bộ, ngành, địa phương trong phát triển giáo dục và đào tạo chưa thật đồng bộ; chưa xây dựng được một quy hoạch tổng thể, dài hạn về phát triển giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vùng trung du và miền núi phía bắc; chưa lồng ghép đồng bộ các chương trình, mục tiêu để huy động cao nhất nguồn lực cho phát triển. Một số chính sách ưu tiên phát triển giáo dục miền núi, vùng khó khăn đã được ban hành nhưng chậm được cụ thể hóa và thiếu nguồn lực thực hiện.


Ðể giải quyết bài toán trường lớp, cơ sở vật chất cho trường mầm non các tỉnh vùng trung du, miền núi phía bắc, không chỉ cần sự đầu tư kịp thời, đồng bộ của Nhà nước, mà còn cần sự quan tâm của toàn xã hội. Hơn thế nữa, cần ưu tiên xây dựng nhà lớp học mầm non ở các thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng trường mầm non ở các xã chưa có trường mầm non độc lập, từng bước xóa các phòng học tạm tranh, tre, nứa, lá. Mong rằng những khó khăn của bậc học mầm non các tỉnh vùng trung du, miền núi phía bắc sẽ sớm được cải thiện.


Ðể giáo dục và đào tạo phát triển, góp phần đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương, đề nghị các tỉnh trong vùng tiếp tục củng cố hệ thống giáo dục mầm non, nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị; nâng cao năng lực các trường phổ thông dân tộc nội trú, đẩy mạnh xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên. Mặt khác, các địa phương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học gắn với khu dân cư, phát huy năng lực mạng lưới các trường phổ thông, cải tiến công tác kiểm tra đánh giá cho sát với tình hình thực tiễn để tạo nguồn cho công tác giáo dục và đào tạo
(Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc)


Theo Báo Nhân Dân