Có nhiều nguyên nhân gây táo bón ở bé, trong đó có nguyên nhân từ thức ăn, mà lại là từ những đồ ăn mẹ không bao giờ ngờ tới.
1. Những nguyên nhân gây táo bón từ thức ăn
- Các mẹ vẫn nghĩ rằng cho bé ăn nhiều hoa quả thì sẽ tránh được hiện tượng táo bón. Nhưng trên thực tế có một số loại quả nếu mẹ cho bé ăn quá nhiều thì lại rất dễ gây táo bón ở trẻ như: chuối chín, táo. Ngoài ra, ngũ cốc, bánh mỳ, mỳ, khoai tây cũng góp phần gây táo bón nếu ăn quá nhiều.
- Nếu bạn cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và khi bước sang giai đoạn ăn dặm bé bị táo bón cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bởi vì dạ dày của bé đã quen xử lý sữa mẹ dễ tiêu và lỏng. Đến khi ăn dặm bé phải tập tiêu hóa những thức ăn phức tạp hơn nên cũng dễ bị táo bón.
- Bé ăn thiếu chất xơ hay tiêu thụ quá nhiều sản phẩm từ sữa (phômai, sữa công thức) cũng là một trong những nguyên nhân gây táo bón.
- Khi bé đổi từ bú mẹ sang bú bình hoặc đổi sữa công thức cũng rất dễ bị táo bón nếu mẹ chọn sữa không phù hợp.
Những bé bị táo bón thường rất sợ hãi khi đi tiêu. (Ảnh minh họa)
2. Làm thế nào để biết con bạn đang bị táo bón?
Có nhiều mẹ cứ thấy con không đi tiêu hàng ngày hoặc đi hơi khó khăn một chút là nghĩ ngay đến táo bón. Tuy nhiên theo bác sĩ Lowri Kew (người chuyên nghiên cứu về táo bón ở trẻ) cho biết: "Có những bé cách ngày mới đi tiêu hoặc rất khó chịu khi làm việc này, nhưng điều đó không có nghĩa là con bạn bị táo bón. Nếu bé nhà bạn ‘đi' từng viên như phân thỏ hay phân dê, cứng và có vẻ bị đau thì lúc này mẹ mới nên nghĩ đến táo bón".
Những biểu hiện của bé bị táo bón như sau:
- Khoảng cách giữa 2 lần đi tiêu dài (hơn 3 ngày).
- Phân rắn, nhỏ như phân dê hoặc quá to.
- Bé đi tiêu khó khăn, không tự "đi" được, đau, són phân, kêu khóc và rất sợ đi tiêu.
- Có thể kèm theo các triệu chứng như đau bụng (có thể thấy bé quấy khóc, ưỡn bụng lên), lên cân chậm, chán ăn, ăn uống kém, nôn; Bụng trướng, sờ có nhiều cục phân ở khung đại tràng (thường là bác sĩ mới phát hiện ra).
3. Các biện pháp khắc phục táo bón cho trẻ
- Với những bé mới tập ăn dặm, mẹ có thể cho bé uống 30-60ml nước ép quả pha loãng như nước ép mận (nho, táo) 2 lần/ngày. Nước ép táo và nho có chứa đường và pectin tự nhiên, giúp bé giảm táo bón.
- Nếu bé đã ăn dặm một thời gian dài mà vẫn bị táo bón, mẹ hãy thêm nhiều chất xơ vào chế độ ăn của bé để "đầu ra" được dễ dàng. Những thực phẩm có chứa nhiều chất xơ gồm: lê, đào, mận, mơ, đậu Hà Lan, rau bina.
Bác sĩ Lowri Kew cho biết, để nhận biết loại đồ ăn nào giàu chất xơ không khó, vì có thể quan sát bằng mắt. Các mẹ dễ dàng nhìn thấy sợi xơ trong một số thực phẩm, chẳng hạn những sợi xơ trong một múi cam. Các loại thực phẩm giàu chất xơ đều có "da" bao bên ngoài như các loại đậu đỗ, đậu Hà Lan, ngô...
Ngoài ra, cũng nên tránh cho bé chuối, sốt táo, hạn chế bột gạo vì chúng làm táo bón nặng hơn.
- Các mẹ đã từng nghe nói đến "chế độ ăn BRAT"? Đây là từ viết tắt của B - banana (chuối); R - rice (gạo); A - Apple-sauce (nước sốt táo) và T - Toast (bánh mỳ nướng). Hãy tránh cho bé ăn theo chế độ này nếu con bạn đang bị táo bón bởi vì đó là chế độ ăn dành cho bé bị tiêu chảy, nó có tác dụng làm rắn phân.
Cuối cùng, một nguyên tắc căn bản để tránh táo bón cho trẻ là mẹ hãy cho bé uống đủ nước, chú trọng đến chất xơ trong thực đơn của bé.
Ngoài những biện pháp trên, mẹ có thể áp dụng song song với những cách sau sẽ giúp quá trình điều trị táo bón hiệu quả hơn:
- Massage bụng cho bé: Nhẹ nhàng xoa bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ. Đặt tay của bạn ở rốn của con, tiếp đến xoa theo chuyển động tròn. Di chuyển tay mẹ từ trung tâm (rốn bé) ra ngoài.
- Động tác "đạp xe": Đặt bé nằm ngửa, nhẹ nhàng chuyển động hai chân của bé như đang đạp xe. Cách này có thể thay thế cho massage bụng nói trên. Nó cũng rất hiệu quả khi bé bị trướng bụng, đầy hơi.
- Tắm nước ấm: Các bác sĩ nhi khoa khuyên bạn nên cho bé đang bị táo bón đi tắm nước ấm. Tắm xong, bạn nên kết hợp với massage bụng cho con.
Theo TTVN