Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giữ bé an toàn vơi vật nuôi trong nhà


Nếu bạn có con nhỏ và nhà bạn có nuôi thú cưng như chó, mèo thì cần phải lưu ý rất nhiều điều để chăm sóc, bảo vệ bé. Vật nuôi sẽ giúp ích nhiều cho sự phát triển của con bạn, chúng cũng rất dễ thương, nhưng bạn cần dạy cho con biết rằng đó đều là những sinh vật sống và có thể làm bé bị đau.


Chú chó quậy phá
Chó thường hay cắn khi chúng sợ hãi tự vệ hoặc giận dữ tấn công; còn trẻ nhỏ thì lại có thể chưa ý thức được trò đùa của mình mà đùa giỡn quá trớn, gây nguy hiểm. Để bảo đảm an toàn, bạn cần để mắt canh chừng cũng như cần dạy cả hai "đứa":

- Ngay từ khi con chó còn nhỏ, bạn cần huấn luyện cho nó biết nghe lời chủ, không nhảy lên người khác và biết thực hiện một số mệnh lệnh đơn giản. Có như vậy bạn sẽ dễ dàng quản lý và kiểm soát chúng khi nô đùa với bọn trẻ;
- Sử dụng cửa ngăn để tránh chó lại gần phòng con nhỏ của bạn. Bạn nên làm một cái chuồng cho chú cún để cún ta vừa có nơi trú ngụ, vừa để bảo vệ trẻ tốt hơn;
- Dạy con nếu muốn âu yếm chú cún dễ thương, hãy vuốt ve lưng và hai bên sườn chúng thay vì sờ tay lên đầu; không chơi kéo co hay vật lộn với chó vì sự mạnh bạo và ồn ào này có thể khiến cả hai "đứa", mà đặc biệt là chó, bị mất kiểm soát, dẫn tới làm bị thương đến nhau;
- Dạy con tránh xa những chú chó khi có biểu hiện gầm gừ, nhe nanh hay đang dựng lông; không nên nhìn chằm chằm vào mắt chó vì điều này sẽ khiến chúng hiểu nhầm là đang bị khiêu chiến và chúng sẽ tấn công;
- Dạy con đứng im khi gặp những chú chó lạ, hai tay giữ im hai bên và kêu lớn lên để người lớn đến giúp, nếu con chạy thì chú chó sẽ nghĩ rằng bé đang đùa giỡn và tiếp tục đuổi theo.


Bạn nên hướng dẫn bé lưu ý hai trường hợp sau:
Khi bị chó tấn công
Đừng hét lên và bỏ chạy.
Hãy đứng im, hai tay ở hai bên, luôn cần tránh nhìn thẳng vào mắt chó.
Một khi con chó đã mất hứng thú với mình, hãy từ từ đi lui cho đến khi nó không còn nhìn thấy mình.


(Ảnh: Internet)


Nếu thấy chó vẫn hung hăng thì:
Nhanh chóng cúi xuống nhặt đá, dép hoặc tháo giày để phòng bị hoặc hù nó, động tác này có thể khiến con chó sợ mà bỏ chạy.
Nếu con chó nhảy xổ vào mình, hãy ném đá, dép, áo khoác, hoặc những gì có thể để chuyển sự chú ý của con chó về hướng khác.
Nếu bé bị ngã xuống đất, hãy cuộn tròn người lại, ép tay vào thân người, che mặt và hai tai. Bé cũng cần cố gắng nằm im, không hét hoặc lăn lộn.
- Trường hợp bé bị chó cắn, cần sơ cứu nhanh: rửa vết thương của bé bằng nước sạch và xà phòng, nên xả nước mạnh vào vết thương, sau đó sát trùng vết thương bằng dung dịch sát khuẩn, băng hờ vết thương bằng vải sạch và mềm, không nên băng kín; với những vết thương nặng cần đưa trẻ đến bệnh viện để chữa trị kịp thời. Tiêm ngừa cho bé;
- Để tránh các bệnh gây ra do vật ký sinh trên người chó, người lớn trong nhà cần phải làm những việc như dọn phân, tắm chó, thường xuyên dẫn chúng đi khám thú y định kỳ và chích ngừa.


Nàng mèo lém lỉnh
Mèo khác chó ở chỗ chúng sẽ bỏ đi chỗ khác nếu bị làm phiền; mèo hiếm khi đuổi theo người nhưng nếu bị đuổi hoặc dồn chúng vào một góc, mèo sẽ kích động và tấn công lại, gây nguy hiểm.
- Bé không nên bế mèo nhiều mà chỉ vuốt ve lưng hoặc sau tai mèo, không bao giờ làm phiền khi nó đang ngủ hoặc đang ăn;
- Hướng dẫn bé nhận ra biểu hiện khi mèo quất đuôi thật nhanh là lúc chúng đang chuẩn bị cào cắn, bé nên tránh đi thì hơn;
- Nếu bé bị mèo cào xước hay cắn, cần rửa vết thương bằng nước và xà phòng trong vòng 30 giây là ít nhất. Bạn nên theo dõi chỗ bị sưng và vết thâm trên da ở vùng bị cắn trong vòng hai tuần để xem bé có cần dùng kháng sinh không. Với vết thương nặng, gây tổn thương sâu bên trong da, bạn cần đưa bé đến bác sỹ để kiểm tra;
- Nếu mèo nhà bạn thường xuyên cào cấu người và đồ vật trong nhà, trong trường hợp cần thiết, hãy đưa chúng đến bác sỹ thú y để cắt gọn móng. Và cũng giống như với chó, bạn nên dọn dẹp, vệ sinh cho chúng thường xuyên, chích ngừa định kỳ.


Cá cảnh hiền lành
Các loại cá nhiệt đới là vật nuôi xinh đẹp với nhiều màu sắc và rất an toàn, chúng ít tốn kém trong khâu chăm sóc nhất, tuy nhiên vẫn có thể gây rắc rối.
- Nhắc nhở bé không cho tay vào bể nước vì trong đó có thể có khuẩn salmonella hoặc những khuẩn nguy hại khác;
- Các loại thức ăn và thuốc cho cá cũng như cho các vật nuôi khác, hãy để xa tầm tay trẻ nhỏ; nếu con bạn đã đủ lớn và có thể giao cho bé nhiệm vụ cho cá ăn, bạn nhắc bé không nên cho cá ăn quá nhiều;
- Bạn nên lưu ý về những bể cá, chậu cá thủy tinh, chúng có thể bể vỡ, hay những vết nứt xước gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Với chậu cá nhỏ, bạn nên để xa tầm với của các bé; với bể cá lớn, bạn cần đảm bảo độ vững chắc của nó và thiết kế xung quanh thật an toàn phòng trong trường hợp bé hoạt động gần đó.


Chim cảnh tinh nghịch
- Bạn nên chọn nuôi những loài chim bản địa nhỏ như họa mi, vành khuyên... nếu chúng có mổ thì cũng không đau lắm (chúng ít khi mổ ai, chỉ khi bị tấn công). Các loài chim này khá dễ chăm và cũng ít phát tán ký sinh hay vi khuẩn hơn các loại chim lớn ngoại lai;
- Đừng để bọn trẻ cầm chú chim nhỏ bé, vì bé có thể chưa kiểm soát được mà mạnh tay, gây tổn thương chúng; nếu bé muốn vuốt ve, chính bạn hãy là người giữ chú chim cảnh và để bé vuốt ve lưng nó;
- Lồng chim phải được người lớn vệ sinh hàng ngày, bạn nhớ đeo găng tay cao su để làm, sau đó rửa sạch găng tay và tay bạn;
- Dạy cho con không gõ lồng chim hay dính bất cứ thứ gì lên đó.


Theo WTT