Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bổ sung kẽm để phát triển chiều cao tối ưu cho trẻ


Một nguyên nhân cơ bản khiến trẻ chậm phát triển chiều cao hoặc phát triển chiều cao không tối ưu là do trẻ thiếu các yếu tố vi lượng, một trong số đó là kẽm.


Kẽm là nguyên tố khoáng vi lượng đứng hàng thứ 6 trong cơ thể con người, chỉ chiếm 150mg đến 250 mg tức là khoảng vài phần triệu trọng lượng cơ thể nhưng nó lại có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của con người Nói chung và trẻ em Nói riêng.


Lượng kẽm trong cơ thể phân bố là 50% trong cơ bắp - 20% trong xương - 30% còn lại trong não, võng mạc, tiền liệt tuyến. Chính vì 70% kẽm có trong cơ bắp và xương nên nó có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển về mặt thể chất của trẻ.


Đối với trẻ em, kẽm giúp cho sự sinh trưởng và phát triển Bình thường của trẻ trong giai đoạn mang thai, tuổi thơ và cả vị thành niên. Việc thiếu kẽm ở trẻ có thể dẫn chậm phát triển thể lực, chậm phát triển tâm thần, các bệnh về Da và niêm mạc, dễ bị nhiễm khuẩn, biếng ăn, suy dinh dưỡng... Không chỉ vậy, khi thiếu kẽm, cơ thể trẻ cũng sẽ kéo theo sự thiếu hụt hoặc rối loạn chuyển hóa của nhiều yếu tố, ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe.


Sự liên quan giữa kẽm và vấn đề phát triển chiều cao ở trẻ

Theo nghiên cứu của tác giả Castillo - Duran, việc bổ sung kẽm cho trẻ sinh ra nhẹ cân so với tuổi thai cho thấy có sự tăng trưởng tốt về chiều cao và cả cân nặng trong 6 tháng đầu đời. Hầu hết các công trình bổ sung kẽm cho các lứa tuổi lớn hơn bị chậm tăng trưởng hoặc suy dinh dưỡng đều có tác động làm phục hồi rõ rệt về cân nặng lẫn chiều cao.


Từ các nghiên cứu thực tiễn đó đã chứng minh rằng đối với sự phát triển của trẻ, kẽm đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng của hệ xương. Do vậy, trẻ cần được bổ sung kẽm một cách đầy đủ và hợp lý để có thể phát triển chiều cao tối ưu.


Nhu cầu kẽm hàng ngày ở trẻ

Theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu kẽm cần bổ sung hằng ngày cho các lứa tuổi như sau:
- Trẻ sơ sinh 0 - 6 tháng tuổi: 2 mg/ngày
- Trẻ sơ sinh 7 - 11 tháng tuổi: 3 mg/ngày
- Trẻ em 1 - 3 tuổi: 3 mg/ngày
- Trẻ em 4 - 8 tuổi: 5 mg/ngày
- Trẻ em 9 - 13 tuổi: 8 mg/ngày
- Nam 14 tuổi trở lên: 11 mg/ngày
- Nữ 14 - 18 tuổi: 9 mg/ngày
- Nữ 19 tuổi trở lên: 8 mg/ngày
- Phụ nữ mang thai từ 18 tuổi trở lên: 11 - 12 mg/ngày
- Phụ nữ đang cho con bú từ 18 tuổi trở lên: 12 - 13 mg/ngày


Kẽm được đưa vào cơ thể chủ yếu qua đường tiêu hóa, được hấp thụ phần lớn ở ruột non. Vì vậy, ở những trẻ có bệnh về đường tiêu hóa thường bị thiếu kẽm.


Kẽm được thải ra ngoài với một lượng lớn qua dịch ruột, dịch tụy (2-5mg), còn lại qua nước tiểu (0,5-0,8mg) và mồ hôi (0,5mg). Chính vì cơ chế hấp thu như vậy nên nếu chế độ ăn cho trẻ không đảm bảo, trẻ rất dễ bị thiếu kẽm gây ảnh hưởng đến sựu phát triển cho trẻ.


Biểu hiện thiếu kẽm ở trẻ
Các dấu hiệu lâm sàng như trẻ chậm phát triển thể lực, chậm phát triển tâm thần, các bệnh về Da và niêm mạc, dễ bị nhiễm khuẩn, giảm trí nhớ, suy dinh dưỡng, vv... chính là biểu hiện của việc trẻ bị thiếu kẽm.


Khi đó, cha mẹ có thể bổ sung kẽm cho trẻ trong dược phẩm hoặc thực phẩm dinh dưỡng. Đặc biệt, cần cho trẻ ăn uống đủ chất, ăn các thức ăn có nhiều kẽm như sò, củ cải, thịt, gan, trứng, sữa, cá, tôm, rau củ quả có màu vàng và xanh đậm.


Ngoài công dụng phát triển chiều cao, bổ sung thức ăn giàu kẽm không chỉ dễ tiêu và hấp thụ mà còn tăng cường sự thèm ăn của trẻ.

 

Theo dinhduong