Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chọn thực phẩm cho bé ăn dặm


Chọn thực phẩm an toàn cho bé trong thời kỳ ăn dặm là lời khuyên được nhiều bác sĩ đưa ra bởi chế độ ăn của trẻ ở giai đoạn này ảnh hưởng đến tình trạng thấp bé, nhẹ cân ở trẻ về sau. Những kiến thức dinh dưỡng khoa học được xem là định hướng tốt cho các bà mẹ trong hành trình nuôi con - nhất là trong giai đoạn đầu ở trẻ.


Khi bé được 4 tháng tuổi, nhiều bà mẹ đã tiến hành cho bé ăn dặm. Tuy nhiên, các bác sĩ đưa ra lời khuyên thời điểm tốt nhất nên bắt đầu ăn dặm ở trẻ là khi trẻ được 6 tháng tuổi bởi lúc này trẻ có khả năng tiêu hóa, hấp thu tốt hơn. Mặt khác, 6 tháng cũng là lúc trẻ thích khám phá nhiều mùi vị.


1. Các loại thực phẩm cho bé ăn dặm
Có hai loại thực phẩm được sử dụng cho bé ăn dặm: thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm tự chế biến.


- Thực phẩm ăn dặm chế biến sẵn: là thức ăn đã được làm chín, không cần nấu mà chỉ cần hòa tan trong nước. Có nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, trong đó có 2 dạng chính là bột và sệt. Dạng sệt không được ưa chuộng nhiều bằng dạng bột. Ngoài ra còn có cách phân loại theo mùi vị - mặn và ngọt. Ưu điểm của thức ăn dặm chế biến sẵn là tiện lợi, không mất nhiều thời gian, giúp bé dễ nhai nuốt, tiêu hóa tốt và tạo cảm giác ngon miệng, nhiều mùi vị để bé dễ thay đổi...


- Thực phẩm tự chế biến: Dù thức ăn dặm cho bé được chế biến sẵn có nhiều tiện lợi nhưng so với thức ăn mẹ tự làm cho bé, thực phẩm tự chế biến sẽ tươi ngon hơn, chi phí cũng thấp hơn. Một số món ăn dặm mẹ có thể chế biến cho bé như: khoai tây nghiền, khoai lang nghiền, cà rốt nghiền, bột gạo nghiền với bí đỏ, bột bí xanh - đậu hũ... Với thức ăn dặm tự chế biến, phần đông các mẹ đều nấu từ bột gạo sau đó kết hợp cùng rau củ. Các bác sĩ dinh dưỡng cũng khuyên nên cho bé tập ăn với các loại rau lá xanh trước khi tập ăn các loại rau củ quả có màu khác, vì rau lá xanh thường ít ngọt hơn. (Các bé nếu được tập ăn ngọt ngay từ đầu sẽ ít hứng thú với các món không hoặc ít ngọt hơn.)


2. Thành phần dinh dưỡng, năng lượng

Thực phẩm dù chế biến sẵn hay tự chế biến cũng cần đảm bảo như sau:

- Phải đủ 4 nhóm: đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể trẻ.

- Cần phải bổ sung đầy đủ đạm để đáp ứng sự phát triển nhanh của trẻ nhưng cũng không cung cấp quá nhiều vì bài tiết của thận trẻ còn non nớt. Sắt: có nhu cầu cao trong lứa tuổi ăn dặm, nếu không cung cấp đủ sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí óc và thể chất sau này.

- Mặt khác, mẹ cũng cần hiểu rõ đậm độ nhiệt lượng và độ đặc. Tăng độ đặc của bột, trẻ sẽ rất khó ăn, khó nuốt còn nếu độ đặc của bột vừa phải thì hàm lượng năng lượng thấp, trong khi dung tích dạ dày của trẻ còn nhỏ, có giới hạn nên khó đáp ứng đủ năng lượng.

 

3. Kinh nghiệm chọn thực phẩm chế biến sẵn an toàn
- Nên chọn mua những thực phẩm có nhãn hiệu quen thuộc, uy tín.

- Nên chọn mua thực phẩm chế biến sẵn tại các siêu thị, cửa hàng, những tiệm tạp hóa bảo quản sản phẩm tốt, nơi đặt sản phẩm khô ráo, sạch sẽ, không mua thực phẩm ở các nơi bày bán chung với các sản phẩm khác loại như xà phòng, bột giặt, mỹ phẩm, hóa chất. Nên chọn những sản phẩm có bao bì mới và còn nguyên vặn, không bị rách, có in các hướng dẫn rõ ràng; không bám bụi, mốc ẩm...

- Đọc kỹ thông tin trên nhãn bao bì, chọn những thực phẩm ghi bằng tiếng Việt với các hướng dẫn cách sử dụng cụ thể, rõ ràng.

- Không một lúc mua thực phẩm quá nhiều vì để lâu có thể hết hạn sử dụng. Các sản phẩm nhất thiết phải còn trong hạn sử dụng. Thông thường, hạn sử dụng của thực phẩm ăn dặm cho bé sẽ là 3 tháng kể từ ngày sản xuất.

- Nên chọn loại không chứa phụ gia thực phẩm, không chứa chất bảo quản, hương tổng hợp, màu tổng hợp, không thêm muối...


4. Những chú ý khi cho trẻ ăn dặm
Khi bắt đầu tập cho bé ăn dặm, các bác sĩ khuyên nên cho trẻ ăn từ từ một loại thực phẩm (chỉ là bột gạo) sau đó đến hai loại (bột gạo và chất đạm), tiếp đến là thêm dầu, cuối cùng mới thêm rau... Khi thay đổi (thêm thức ăn hoặc thức ăn mới, hoặc tăng số lượng), mẹ cần chú ý theo dõi sức khỏe cơ thể trẻ như: trẻ có bỏ ăn, ói hay tiêu chảy... Lúc này, mẹ có thể tạm ngưng thực phẩm đang dùng rồi tập lại hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ.

Một chút ý nữa là khi bé ăn dặm cần cho ăn trong tư thế ngồi để tránh sặc thức ăn vào đường thở. Cha mẹ cũng nên duy trì đúng cữ ăn, giờ ăn để bé quen nếp và cũng đừng quên tạo không khí vui vẻ khi ăn thay vì bắt ép, la ó, quát tháo con.

Thực phẩm ăn dặm cần không có vi sinh vật gây bệnh; không chứa bất kỳ chất độc, chất gây hại hoặc chất có nguồn gốc vi sinh vật có nguy cơ gây hại cho sức khỏe; không chứa phụ gia thực phẩm, chất bảo quan, hương tổng hợp, màu tổng hợp, không thêm muối...

Với thực phẩm tự chế biến, mẹ cần lựa chọn cẩn thận các loại rau củ. Hiện nay, một số gia đình tự trồng rau để đảm bảo rau sạch, mẹ cũng có thể chọn cách này để có rau tự trồng cho bé ăn dặm.


Theo CNMS