Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cung - cầu nhân lực ngành sư phạm: Chưa gắn kết


Việc quy hoạch nhân lực sư phạm có vai trò quan trọng trong phát triển ngành giáo dục. Tuy nhiên, đến nay, việc này vẫn chưa được thực hiện, dẫn tới đào tạo một đằng, nhu cầu một nẻo, rất khó khăn cho công tác tuyển dụng.


Việc tuyển giáo viên mầm non gặp nhiều khó khăn do nguồn đào tạo ít.


Nguồn cung chưa đáp ứng yêu cầu
Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh, năm học 2012-2013 thành phố dự kiến tuyển dụng hơn 3.400 giáo viên, nhưng thực tế chỉ tuyển được 2.147 giáo viên. Số giáo viên tiểu học cũng chỉ tuyển được 39,3% so với dự kiến, giáo viên THCS tuyển được 54%, giáo viên mầm non tuyển được 77%.


Bậc học mầm non là một trong những bậc học thường xuyên trong tình trạng thiếu giáo viên. Phó Phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh) Trương Thị Việt Liên cho biết, thành phố còn thiếu khoảng 1.250 giáo viên mầm non. Nơi thiếu nhiều nhất là Hóc Môn (333 giáo viên), Bình Chánh (207 giáo viên), Tân Phú (205 giáo viên), Bình Tân (189 giáo viên), quận 11 (137 giáo viên),...


Nhu cầu giáo viên mầm non lớn nhưng nguồn đào tạo rất ít. Tại Trường cao đẳng Sư phạm T.Ư TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ sinh viên của thành phố học ngành mầm non rất thấp. Hiệu trưởng Trường CÐ Sư phạm T.Ư TP Hồ Chí Minh Lê Văn Tiến cho biết: "Trường là nơi đào tạo giáo viên mầm non tại TP Hồ Chí Minh. Mỗi năm, chúng tôi đào tạo khoảng 450 sinh viên ngành giáo dục mầm non, nhưng số sinh viên của TP Hồ Chí Minh rất ít, năm 2010 chỉ chiếm 15% tổng sinh viên của ngành, năm 2011 là 19,8% và năm 2012 là 25%".


Việc tuyển dụng giáo viên đang gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu tuyển giáo viên, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục những năm tới là rất lớn. Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh dự kiến, năm 2015, thành phố cần thêm 66.566 giáo viên, cán bộ, nhân viên giáo dục so với năm 2012 và năm 2020 cần thêm 36.491 người so với năm 2015.


Một trong những băn khoăn hiện nay là chất lượng sinh viên mới ra trường còn nhiều hạn chế. Theo Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh Phạm Quang Ái, hiện nay vẫn còn một số không ít giáo viên hạn chế năng lực sư phạm. Nhiều giáo viên trẻ mới tốt nghiệp không phải chuyên ngành sư phạm mà chỉ theo học bổ sung lớp nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn đã đứng lớp, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của học sinh.


Bên cạnh đó, kỹ năng mềm của giáo viên mới ra trường còn yếu. Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh Nguyễn Kim Hồng lý giải, trong suốt quá trình học, chỉ dành 8 - 10 tín chỉ cho các môn tâm lý và giáo dục. Quá trình đào tạo quá ít khiến các sinh viên khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu về các kỹ năng. Trong khi đó, ở hầu hết các nước tiên tiến, sinh viên tốt nghiệp đại học được đào tạo tiếp từ 1,5 đến hai năm mới đi làm.


Cần liên kết chặt chẽ

Hiện nay, giữa đào tạo và sử dụng giáo viên chưa có sự gắn kết do chúng ta chưa có quy hoạch cho nhân lực ngành sư phạm. Thiếu trao đổi thông tin dẫn tới các trường cứ đào tạo, nơi tiếp nhận không có phản hồi và cung - cầu bị lệch nhau. Phó hiệu trưởng Trường đại học Sài Gòn Nguyễn Khắc Hùng cho biết, hiện nguồn cung không bảo đảm về lượng, nhưng nhu cầu giáo viên các địa phương ra sao các đơn vị đào tạo không biết. Ngay dự báo được Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh đưa ra cũng không rõ ràng, chi tiết, cần có sự nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng về nhu cầu giáo viên để các đơn vị đào tạo nắm được.


Qua tìm hiểu, giữa nơi đào tạo và sử dụng còn chưa có tiếng nói chung để nâng cao chất lượng đào tạo. Một số trường đại học, cao đẳng đã thực hiện đánh giá đầu ra sinh viên, nhưng rất ít đơn vị sử dụng giáo viên phản hồi. Cùng với đó, việc thực tập của sinh viên vẫn chưa có cơ chế phối hợp. Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh Ðỗ Văn Dũng băn khoăn: "Những năm sinh viên đến thực tập, nhà trường rất quan tâm hiệu quả của các đợt thực tập". Trong khi đó, ông Lê Văn Tiến thẳng thắn nhìn nhận, các trường thực hành sư phạm hiện nay mới chỉ dừng lại ở chức năng giáo dục, chưa thực hiện chức năng thực hành và nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Ðể giúp sinh viên có kỹ năng thực hành tốt, cần phối hợp cho sinh viên thực tập tại các trường với thời gian dài hơn.


Trên thực tế, để đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho ngành giáo dục, các đơn vị đào tạo cần đổi mới các chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo ngành sư phạm tại TP Hồ Chí Minh cần có trao đổi thông tin với thành phố, cũng như các tỉnh, thành phố khu vực phía nam. Mới đây, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị hiệu trưởng các trường có đào tạo ngành sư phạm tại thành phố. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Thanh cho biết: "Hoạt động này mở đầu trao đổi thông tin giữa thành phố và các đơn vị đào tạo tại thành phố. Thời gian tới, sẽ thành lập một Hội đồng hiệu trưởng các trường có đào tạo chuyên ngành sư phạm để có thể trao đổi, phối hợp chặt chẽ hơn trong đào tạo và sử dụng. Ðây là cơ sở để quy hoạch nhân lực ngành sư phạm".


Theo Báo Nhân Dân