Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhựa độc hại: Sát thủ vô hình cho trẻ em!


Ông Huỳnh Sáu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Chất dẻo TPHCM, cho biết cũng giống như sản xuất hàng nhựa gia dụng, nguyên liệu nhựa sản xuất đồ chơi trẻ em thường dùng nhựa PE, PP, PS... Cơ quan chức năng cũng đã có những quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng nguyên liệu, hàm lượng, phụ gia kể cả nguyên liệu màu để sản xuất đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên, vấn đề quản lý hiện nay gần như bị thả nổi, mạnh ai nấy làm không tuân thủ các quy định của Nhà nước nên rất đáng lo ngại. Nhiều cơ sở nhỏ sản xuất theo dạng thủ công tận dụng phế liệu, xử lý không triệt để, đưa vào các chất độn, phụ gia rẻ tiền, không đúng kỹ thuật, thậm chí cả những chất không được sử dụng để sản xuất dẫn đến sản phẩm không an toàn. Thạc sĩ Huỳnh Đại Phú, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu polyme, Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng nếu trong khâu sản xuất không bảo đảm kỹ thuật sẽ tạo ra nhiều thành phần hóa học gây độc cho người sử dụng. Tiến sĩ Lê Huy Bá (chuyên ngành độc học môi trường) còn cho biết thêm, sản phẩm sản xuất từ nhựa tái sinh dễ bị oxy hóa cao, ăn mòn theo dung môi và axít; có khả năng phóng thích chất độc từ gốc clo rất cao do cấu trúc phân tử kém, không bền vững. Các nhà chuyên môn cảnh báo về việc sử dụng màu sắc lòe loẹt trên sản phẩm đồ chơi, nhất là các loại đồ chơi rẻ tiền rất dễ gây độc cho trẻ khi tiếp xúc, đặc biệt là khi ngậm vào miệng. Nhiều loại màu có thành phần kim loại nặng rất cao, khi bị thôi dễ xâm nhập vào cơ thể gây nhiều chứng bệnh về ung thư. Những sản phẩm sản xuất từ cao su, kể cả các loại bóng bay dù bản thân cao su là ít gây độc nhưng trong quá trình sản xuất người ta pha trộn thêm các chất lưu huỳnh, chất xúc tác nhằm tăng cường thêm độ dai, chắc cho sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cho người sử dụng. L.GIANG(HNM)