Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Béo phì ở trẻ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm


Theo điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM, tỷ lệ béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi từ năm 1999 đến ngay không ngừng tăng qua các năm. Nếu năm 1999, chỉ khoảng 2,2% trẻ béo phì thì nay đã lên gần 11%, tăng hơn 5 lần.


Béo phì là nguyên nhân dẫn tới nhiều căn bệnh nguy hiểm ở trẻ em.


Trẻ béo phì thường dễ dẫn đến tự ti, ít tham gia các hoạt động tập thể dễ dấn tới trầm cảm. Bên cạnh đó, trẻ béo phì thường dễ gặp nhiều biến chứng hoặc khó khăn trong quá trình điều trị bệnh.


Trường hợp một em bé học lớp 5 nhưng cân nặng gần 40kg, theo các bác sĩ do thể trạng tốt nên khi bé bị sốt xuất huyết, các dấu hiệu bệnh thể hiện ra ngoài chậm, gia đình không nhận biết được. Do đó, bé nhập viện rất muộn, khi đã rơi tình trạng sốc nặng.


Nếu trước đây, gia đình còn băn khoăn trong việc giảm khẩu phần ăn cho bé thì sau khi chứng kiến những khó khăn trong đợt điều trị, gia đình phải quyết tâm giảm cân cho cháu.


Những trẻ béo phì dễ gặp biến chứng khi điều trị sốt xuất huyết, do trẻ có dinh dưỡng tốt, biểu hiện của bệnh thể hiện rất ít. Khi phát hiện ra thì đã đến giai đoạn bệnh đã chuyển nặng, có khi tổn thương đa cơ quan, rối loạn đông máu, phải lọc máu và truyền nước nhiều ngày.


Cùng với đó, trong quá trình điều trị cho trẻ béo phì, bác sĩ cũng gặp nhiều khó khăn khi tính liều lượng truyền nước cho các bệnh nhân, do liều lượng truyền quy định độ tuổi và cân nặng của các bé béo phì thường chênh nhau khá nhiều.


Chứng béo phì có thể khiến trẻ em mắc bệnh tim mạch giai đoạn đầu khi mới 7 tuổi. Ngoài ra các em còn có khả năng mắc bệnh tiểu đường cao hơn trong những năm sau này của cuộc đời.


Tình trạng thừa cân ở trẻ em cũng làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch. Điều trị bệnh cho trẻ béo phì luôn gây lo lắng cho các bác sĩ.


Tỷ lệ trẻ béo phì đang có xu hướng tăng, trong đó TP. HCM có tỷ lệ cao hơn bình quân cả nước. Theo các bác sĩ dinh dưỡng, chỉ khoảng 10% trẻ béo phì có nguyên nhân từ các bệnh khác như nội tiết, di truyền, thần kinh, thuốc...


Chủ yếu trẻ béo phì là do mất cân bằng năng lượng, tức năng lượng đưa vào cơ thể nhiều hơn năng lượng tiêu hao trong thời gian dài. Nhất là khi các hoạt động tiêu hao năng lượng lại bị hạn chế do trẻ có thói quen tham gia các hoạt động tĩnh như chơi game, xem ti vi, máy tính, đọc truyện...


Trẻ thừa cân khi bé sẽ dẫn đến béo phì khi lớn, ngoài việc trẻ béo phì dễ tự ti, có thể dẫn đến bị trầm cảm do bị trêu chọc, kỳ thị, ảnh hưởng không tốt đến học tập, sinh hoạt.


Ngoài ra, béo phì khiến trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tĩnh không lây khi lớn, tổn thương khớp xương do sức nặng của cơ thể hoặc khó khăn trong khi điều trị bệnh. Vì vậy phụ huynh phải thật kiên trì và quyết tâm trong cuộc chiến chống béo phì cho con.


Các gia đình có con mắc hội chứng béo phì cần phải lưu ý chế độ ăn uống và sinh hoạt như sau:


- Khẩu phần ăn của trẻ cần cân đối nên phối hợp nhiều loại thức ăn, tránh ăn một loại thực phẩm nào đó.


- Nếu uống sữa nên uống không đường.


- Hạn chế các món rán, xào, nên làm các món luộc, hấp, kho.


- Tuyệt đối không bỏ bữa, không để trẻ quá đói, vì nếu bị quá đói, trẻ ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích lũy nhanh hơn.


- Nên ăn nhiều rau xanh, quả ít ngọt.


- Giảm bớt gạo thay bằng khoai, ngô hay những thức ăn cơ bản giàu chất xơ .


- Cho trẻ tập thể dục thường xuyên, khuyến khích trẻ tập thể dục là niềm vui, giảm căng thẳng, chứ không chỉ là giúp giảm cân.


Theo VTV