Bạn luôn yêu cầu con mình phải đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn khi ngồi trên xe, nhưng còn khi bé ngồi trên chiếc xe đẩy ở siêu thị thì sao? Bạn luôn nắm tay con khi sang đường nhưng có bao nhiêu lần bạn nắm tay con khi bước lên thang cuốn trong khu mua sắm?
Nghĩ về an toàn cho con, ta thường nghĩ đến những sự cố to tát, hiển nhiên như tai nạn giao thông, tai nạn với những món đồ chơi hỏng hóc, té ngã ở sân chơi... nhưng trong những chuyến mua sắm bình thường, nhiều bậc phụ huynh lại lơ là (trong khi trẻ lại rất bị thu hút) với những mối nguy tiềm tàng có thể gây chấn thương nghiêm trọng. Hãy cùng chúng tôi chú ý hơn để có thể giữ an toàn khi cùng con đi mua sắm nhé!
Các kệ trưng bày hàng hóa
Bạn cứ nghĩ chỉ những kệ hàng xếp cao ngất ngưởng thấy trong các nhà kho mới là mối nguy. Nhưng cả những kệ hàng trung bình, thậm chí nhỏ, trong các cửa hàng cũng có thể. Có những kệ trưng bày thật ra chỉ là những trụ rỗng với một tấm kính gác lên, hoàn toàn có thể bị trượt xuống nếu có lực tì mạnh.
(Ảnh: Internet)
Làm sao để giữ an toàn? Tốt nhất bạn đừng để con nghịch, tì, leo trèo đeo bám vào các kệ hàng. Đồng thời, bạn cũng đừng khuyến khích con "khám phá". Việc chạy lăng quăng hay bò lồm cồm dưới những tấm rèm hay giá quần áo có thể rất vui với bọn trẻ, nhưng bé có thể vô tình bị va, bị vướng và kéo toàn bộ những thứ bên trên rơi xuống người mình. Bạn cũng đừng để bé với lấy bất cứ thứ gì ở trên bàn hay ở trên chỗ cao quá tầm mắt của bé.
Thang cuốn
Nhiều trẻ nhỏ thường bị bối rối và sợ thang cuốn, và chúng có lý do để sợ như vậy: tại Mỹ có đến khoảng 2.000 trẻ em - chủ yếu dưới 5 tuổi - bị tai nạn tại thang cuốn mỗi năm. Hầu hết các tai nạn này đều do ngã, ngoài ra cũng có những trường hợp bé bị kẹt tay, chân hay quần áo vào chiếc thang đang chuyển động. Các vết thương gây ra từ tai nạn này thường là trầy xước, bầm tím người, nhưng cũng có những hậu quả năng hơn, buộc phải cắt bỏ chi.
Làm sao để giữ an toàn? Nắm chặt tay con và hướng dẫn con lên, xuống thang cuốn; quan sát và nhắc nhở con đứng im, hướng về phía trước để tránh bị kẹt tay hay chân vào các khe chuyển động của thang cuốn. Đừng để con ngồi trên bậc thang cuốn vì như thế rất dễ gây tai nạn. Bạn nên kiểm tra lại quần áo, giây dày hay cất gọn những thứ đồ luộm thuộm để không có bất cứ vật dụng nào của con dẽ bị kẹt vào thang cuốn. Trong trường hợp chẳng may con gặp tai nạn với thang cuốn, bạn cần tri hô lớn, nhờ người gần nhất báo với bảo vệ của tòa nhà để kịp dừng thang lại và có biện pháp ứng cứu kịp thời.
Thang máy
Có khá nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn ở thang máy do bị kẹp phải tay, chân khi cửa thang máy đóng. Thường cửa thang máy sẽ tự động mở ra nếu chế độ cảm biến phát hiện có vật thể lạ chắn ở cửa, nhưng đôi khi tay hay chân của một đứa trẻ lại quá nhỏ để chúng dừng lại.
Làm sao để an toàn? Đảm bảo rằng cửa tháng máy phải được mở hoàn toàn để bạn và bé cùng bước vào và ngược lại, đừng dùng tay hay bất cứ vật dụng nào khác để cản cửa thang máy vì bạn không thể biết được chế độ hoạt động mắt cảm biến của thang máy ấy hoạt động có tốt hay không. Bạn không được để con đứng dựa lưng vào cửa thang máy, và tốt nhất hãy bế con trên tay để đảm bảo an toàn khi đi thang máy.
Xe đẩy hàng siêu thị
Bạn có biết tại Mỹ, xe đẩy hàng siêu thị có liên quan đến 21.000 trường hợp trẻ em bị tai nạn, chấn thương chủ yếu ở đầu và cổ không? Việc để con đẩy xe hàng kế bên tưởng như là an toàn cho bé và tiện lợi cho mẹ, nhưng bạn cần lưu ý thêm vài điều để bé tránh gặp tai nạn. Chiều cao và trọng lượng của xe đẩy được thiết kế cho người trưởng thành, thế nên khi di chuyển một mình trẻ sẽ gặp khó khăn như mất đà vấp té, trơn trượt... Cũng như với vị trí đặt các bé còn nhỏ ngồi trong xe đẩy hàng, bé hiếu động sẽ nhún nhảy, nhoài người dễ bị té ra khỏi xe hay gặp nhiều sự cố khác nếu không được ngồi đúng vị trí.
Làm sao để an toàn? Cần đặt bé ngồi ngay ngắn ở đúng vị trí cho trẻ em trong xe đẩy hàng, nên có dây cài an toàn. Hạn chế để bé ngồi ở phía trước đầu xe, như thế sẽ dễ mất trọng lượng và xe dễ bị lật, đổ. Bé chỉ nên đẩy xe hàng khi có sự trợ giúp của người lớn để có thể làm chủ được tốc độ, phương hướng đi.Hãy để các con luôn trong tầm nhìn và cả tầm với của bạn để có thể hỗ trợ bé ngay lúc cần thiết nhất.
Nếu con bạn là "kẻ thích lang thang"
Thì thật khó lòng mà kìm chân các nhóc tì lại khi trong siêu thị, chợ có vô vàn các gian hàng thú vị, màu sắc sặc sỡ khác nhau. Nếu mẹ chỉ chăm chú mua đồ ở những gian hàng quen thuộc, bé sẽ dễ nhàm chán và tìm cách chạy chơi ở những khu vực hay ho hơn, và bị lạc.
Làm sao để giữ an toàn? Bạn buộc lòng phải luôn giữ con bên mình, hoặc cho con đến gian hàng mà bé thích nhưng phải nằm trong tầm nhìn của bạn. Bằng không, hãy đề phòng việc con chạy lung tung lạc mẹ bằng cách nhắc nhở bé về họ tên và số di động của bố mẹ. Bạn có thể ghi sẵn thông tin của bé và người thân để tiện liên lạc, bỏ vào ba lô hay túi áo, quần của con phòng trường hợp bé chạy lạc.
Bạn cần căn dặn con trước khi đi mua sắm, cũng như đi chơi với mẹ, rằng phải luôn nắm lấy tay mẹ, ở khu vực có thể nhìn thấy mẹ gần nhất; hoặc cần làm gì khi lạc mất người thân ở chốn đông người; không được đi theo hay nhận bất cứ gì từ người lạ... Và bạn cũng đừng quá hoảng sợ khi lạc bé, cần bình tĩnh và đến thông báo với ban quản lý khu vực để sự trợ giúp kịp thời.
Và tốt hơn, bạn nên đi với một người lớn khác để có thể chủ động trong việc quan sát và giữ an toàn cho các con hơn khi đi mua sắm, nhất là trong mùa mua sắm nhộn nhịp chuẩn bị lễ Tết này.
Theo WTT