Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

'Bệnh' bé dễ mắc vì ăn dặm sớm


Cảnh báo: Cho bé ăn dặm sớm tai hại khôn lường.

Con trai mới được 3 tháng 10 ngày tuổi nhưng 'mắc bệnh' lười bú mẹ, chị Quỳnh (khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) nghe lời mẹ chồng thử nấu bột và bón cho bé ăn. Nào ngờ, cu cậu ăn 'thun thút'. Thế là, dù đã ngâm cứu sách vở rất kỹ và dặn lòng ‘Con được 4 tháng mới cho ăn dặm' nhưng chị vẫn ‘phá luật'.

Kết quả, một tuần sau khi được mẹ bổ sung dinh dưỡng, bé không thể đi tiêu được. "Tôi cho cháu ăn khoai tây, cà rốt, cải xanh được xay rất nhuyễn và chế biến rất kỹ nhưng không hiểu sao lại như vậy", chị Quỳnh nói

Vì nhiều lý do, không ít người mẹ cho con ăn bột sớm, thường từ 3,5 - trước 4 tháng tuổi. Có người còn nhầm tưởng rằng, ăn bột sớm sẽ khiến bé mau lớn, cứng cáp, bụ bẫm. Một số mẹ không chọn mua bột ăn dặm bán sẵn mà tự dùng nước cháo, nước cơm cho con tập ăn với suy nghĩ chúng bổ dưỡng, lỏng nên dễ tiêu hóa. Chính vì những hiểu lầm tai hại này, nhiều phụ huynh đã cho bé ăn bổ sung sớm hơn so với 'chuẩn' dẫn tới việc bé dễ mắc một số 'bệnh' sau:


Ăn dặm sớm, bé dễ mắc một số 'bệnh' như rối loạn tiêu hóa, béo phì, suy dinh dưỡng... (Ảnh minh họa).

1. Rối loạn tiêu hóa

Đa phần cha mẹ đều muốn con ăn ngoan, chóng lớn vì thế, sợ con thiếu chất nên cho con ăn dặm sớm (thường là khi bé chưa được 4 tháng tuổi) mà không hiểu rằng hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn chỉnh để tiếp nhận và tiêu hóa thức ăn. Do vậy, rất nhiều bé bị rối loạn tiêu hóa vì ăn bổ sung không đúng thời-điểm-vàng.

2. Suy dinh dưỡng

Cơ thể bé còn non yếu, chưa có khả năng tiêu hoá và hấp thu tốt các chất dinh dưỡng nên ăn dặm sớm dễ gây ra nguy cơ suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, một số trẻ quen với thức ăn mới sẽ có xu hướng không thích bú mẹ trong khi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối quan trọng trong giai đoạn này. Việc bị ép ăn dặm sớm cũng có thể khiến trẻ biếng ăn nên suy dinh dưỡng.

3. Dễ dị ứng

Làm quen sớm với các thực phẩm mới lạ sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng thức ăn, nhất là ở những bé có cơ địa nhạy cảm.

Ngoài dị ứng thực phẩm, mẹ hãy nhớ rằng, các loại thực phẩm có thể gây ra một số phản ứng tiêu cực khác như: đau bụng, khó tiêu... Do đó, khi cho bé làm quen với một loại thực phẩm mới, mẹ nên chờ đợi 4 ngày, nghĩa là nếu cho bé ăn một món mới vào thứ 2 thì nên chờ đến thứ 5 để cho bé làm quen với 1 món mới khác.

Trong 4 ngày, mẹ sẽ thấy chính xác phản ứng của bé với đồ ăn mới. Nếu bé có phản ứng tiêu cực sẽ dễ dàng xác định nguyên nhân và phòng tránh cho bé kịp thời.

4. Béo phì

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn dặm sớm có thể khiến bé dễ bị béo phì. Khi còn nhỏ, bé có thể bày tỏ thái độ không muốn ti mẹ bằng cách ngừng bú hoặc ngủ thiếp đi. Nhưng để bé biết quay đầu từ chối thức ăn thì phải đợi đến 4 - 5 tháng tuổi. Dưới 4 tháng tuổi, bạn thường không biết dấu hiệu bé có muốn ăn nữa hay không.

Do đó, nhiều người mẹ thấy việc cho bé ăn dặm trước 4 tháng tuổi là khá nhàn, vì bé ít quay ngang - quay dọc. Chuyện này dẫn tới việc lạm dụng bột ăn dặm cho con, khiến bé dễ thừa cân về sau.

Thời điểm nên cho trẻ ăn dặm

Các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo, chỉ nên bắt đầu cho bé ăn dặm khi bé được 4-6 tháng tuổi. Tốt nhất, nên hỏi trực tiếp bác sĩ về thời điểm ăn dặm của con. Một số bé sinh non được khuyên nên bắt đầu ăn dặm muộn hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện Dinh dưỡng khuyên, khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, phụ huynh nên cho bé ăn bột, sau đó là các loại thịt, cá, rau xanh xay nhuyễn trộn với vài giọt dầu thực vật.

"Không nên cho trẻ ăn quá nhiều trong một lần mà tăng dần từ 50, 80 ml đến 100 ml dung dịch thức ăn dặm trong mỗi lần ăn", bà Lâm nói.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên, khi cho trẻ ăn dặm, phụ huynh nên theo dõi các phản ứng của bé để phòng hiện tượng dị ứng thức ăn; theo dõi phân để biết bé có bị rối loạn tiêu hóa hay không, từ đó cân chỉnh lại các thành phần dinh dưỡng phù hợp.

Khi thấy trẻ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, cần đưa bé đến bệnh viện để được chữa trị và tư vấn. Không nên liên tục đổi sữa vì có thể làm trẻ bị rối loạn tiêu hóa nặng hơn.

Theo Eva