Những gợi ý dưới đây giúp bé mầm non yêu thích tập viết. Đừng gây áp lực
Để bé thích nguệch ngoạc, bạn hãy chuẩn bị cho bé cái bút, tờ giấy, viên phấn, những cục tẩy... nhưng chỉ xem mọi thứ như một hoạt động vui chơi. Bé tuổi mẫu giáo mới bắt đầu hiểu ý nghĩa của từ ngữ nhưng tất nhiên, bé vẫn chưa biết viết. Đa dạng dụng cụ học tập Hãy đa dạng những dụng cụ học tập để kích thích bé tập tô chữ hay viết nguệch ngoạc như bút màu, bút chì, bút bi hay phấn hoặc màu các loại. Hãy chọn cho bé những chiếc bút có thân to như bút màu, bút chì gỗ thay vì bút có thân nhỏ như bút bi, bút chì kim. Thậm chí cả đất sét cũng có thể làm công cụ để bé học viết, chẳng hạn bạn dạy bé nặn đất thành những hình chữ cái đơn giản. Hãy để những dụng cụ này ở những chỗ bé lấy được dễ dàng. Viết trên nhiều bề mặt Ban đầu, viết trên giấy trắng có thể là quá khó với bé. Một cái bảng trắng to, một tấm bìa trắng cứng có thể khiến bé hào hứng tô vẽ lên đó. Ngoài ra, bạn có thể mua cho bé bảng viết đính kèm bút, bảng viết bằng phấn trắng... kèm dụng cụ tẩy xóa dễ dàng. Nếu bạn sợ bé gây lộn xộn, bạn nên thiết lập riêng một góc ngồi có bàn, ghế và những dụng cụ viết được chuẩn bị sẵn cho bé. Làm mẫu Để bé thấy mẹ viết những việc hàng ngày như viết thư, viết danh sách mua hàng siêu thị hoặc trả lời email... Các bé thường thích là bản sao của mẹ, nếu mẹ thích viết thì bé sẽ có nhiều khả năng cũng yêu hoạt động này. Dùng máy tính Tùy độ tuổi, bạn có thể dạy bé gõ chữ trên bàn phím máy tính. Hãy để bé được tự do gõ chữ vì ở tuổi chưa đi học, bé vẫn chưa có khái niệm rõ ràng về chữ viết. Kỹ năng với bàn phím sẽ giúp bé rèn sự khéo léo của đôi tay, cần thiết cho quá trình học viết sau này. Động viên bé Cha mẹ nên bày tỏ sự quan tâm khi bé viết hay vẽ, cho dù chữ nghĩa của bé chưa ra hình thù gì. Động viên như: "Con đang viết tên mình à?" sẽ có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ nói: "Con viết giỏi đấy". Hãy nhớ khích lệ quá trình bé học viết hơn là chú trọng tới kết quả... Theo Mevabe
|