'Ngại nhất là những ngày sau tết, mưa phùn rét cóng mà vẫn phải băng đèo, lội suối đến tận nhà gọi học trò đi lớp. Tết xong, thầy cô mất nhiều thời gian mới ổn định nổi lớp học', thầy giáo Giàng Seo Sing kể.
Thầy giáo mầm non kể chuyện tết
Trường mẫu giáo Thào Chư Phìn, Cimacai, Lào Cai, nằm cheo leo trên lưng chừng núi, lớp học với gần 20 bé từ 3 đến 5 tuổi do thầy giáo Giàng Seo Sing, người sinh ra và lớn lên trên bản này "cai quản". Cũng như nhiều thầy cô ở vùng cao, thầy giáo Sing vẫn miệt mài với từng bữa ăn, giấc ngủ của đàn con thơ. Chỉ khi cây đào trổ hoa bên sườn núi, họ mới biết mùa xuân đã về.
Hơn 10 năm gắn bó với lớp học mầm non, thầy Sing chỉ nhớ về Tết với cái lạnh thấu đến tận xương và buồn vì thiếu tiếng cười nói của học trò, những ngày đầu năm mới lặn lội hàng giờ đến nhà "gọi" trẻ ra lớp học.
Khi nghe hỏi về cái tết vùng cao, thầy Sing thật thà bảo: "Chưa đến tết mà, giờ còn phải lo cho lớp học, bận lắm. Tết của người dân tộc không phức tạp như ở miền xuôi nhưng cũng có gà, lợn, rượu, xôi và cả bánh chưng nữa. Thầy giáo vùng cao, tết cũng được nhận quà, được nhiều người hỏi thăm. Buồn nhất là núi cao, đường xa, những ngày mưa phùn gió rét không phải lên lớp thì chỉ ngủ thôi".
Nhớ lại những cái tết đã qua,thầy giáo Sing bảo: "Ngại nhất là những ngày sau tết, mưa phùn rét cóng mà vẫn phải băng đèo, lội suối đến tận nhà gọi học trò đến lớp. Không đến tận nhà gọi thì chẳng học sinh nào muốn đi học đâu. Năm nào cũng vậy, ăn tết xong thầy cô phải mất nhiều thời gian mới ổn định được lớp học".
"Làm giáo viên vùng cao khổ lắm, nhưng nhiều thầy giáo miền xuôi vẫn 'cõng' chữ lên non. Mình là người của bản làng, mình vui vì được làm việc ở ngay nơi mình đã được sinh ra. Tết về được xum vầy bên gia đình là nhất rồi, tiền tết nhiều hay ít thì có quan trọng gì đâu", thầy giáo Sing nói.
Thưởng tết là "xa xỉ"
10 năm làm cô giáo mầm non ở một tỉnh thuộc miền trung du, ngoài giờ lên lớp cô Hà tranh thủ cấy lúa, trồng rau, nuôi gà... Mỗi năm Tết đến chỉ có gói quà và 200.000 đồng mừng tuổi, nhưng hương vị ngày tết vẫn tràn đầy trong nhà cô. Năm nay, kinh tế khó khăn, chăn nuôi cũng không được vì nhiều dịch bệnh, nhiều giáo viên nông thôn dự đoán "tết này sẽ khó khăn hơn mọi năm".
Cô giáo Hà, trường mầm non Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc kể: "Ở trường mẫu giáo nông thôn này, giáo viên không bao giờ trông chờ tiền thưởng cuối năm của ngành giáo dục để lo tết. Nhà trường có hơn 100 học sinh, thu tiền ăn, tiền học mỗi tháng còn khó, không có chuyện thu các khoản xã hội hóa giáo dục như trường học ở các thành phố. Không có tháng lương 13, nhưng Tết đến vẫn phải đầy đủ bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành...".
"15 năm phụ trách trường mầm non, từ lúc mới chỉ có hơn chục học trò, giờ sĩ số đã lên tới trên 100 trẻ, cuối năm luôn là thời điểm phải lo lắng nhiều nhất. Thời tiết khắc nghiệt, học sinh ốm đau nghỉ học... Nỗi lo lớn nhất là duy trì sĩ số học sinh, lo cơm đủ no cho học trò và đừng xảy sự cố gì nơi lớp học. Với giáo viên mầm non ở nông thôn, chuyện thưởng tết là điều xa xỉ", cô Trần Thị Minh, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Đ.H, Phú Thọ nói.
Cô giáo Thanh, 28 tuổi giáo viên trường mầm non Mai Hoa, Hà Nội lại chia sẻ trong ngậm ngùi: "Trước khi chuyển về Hà Nội, tôi có 3 năm làm giáo viên mầm non ở Phú Thọ. Cùng làm một nghề, nhưng giáo viên ở nông thôn vất vả hơn ở thành phố nhiều vì vừa phải dạy học, vừa phải lao động thì mới đủ sống. Nhưng dù là ở nông thôn hay thành phố, chuyện thưởng tết của giáo viên mầm non vẫn là một giấc mơ mà thôi. Tết đến chỉ hơn ngày thường ở gói quà tết và chút tiền mừng tuổi, gọi đó là thưởng tết cho giáo viên đỡ tủi thân".
Theo Xzone/TTTĐ