Xác định Phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương giai đoạn 2010-2015 mà ngành GD-ĐT tỉnh là nòng cốt; hiện nay tỉnh Gia Lai đang tập trung hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) cho GDMN, đáp ứng yêu cầu huy động và giữ vững số trẻ đến lớp;
Tăng cường chỉ đạo, tập trung tháo gỡ trở ngại cho một số vùng khó khăn trong thực hiện PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Ưu tiên quỹ đất đầu tư xây dựng trường MN; xây dựng đủ phòng học, phòng chức năng, công trình vệ sinh, đồ chơi và các công trình phụ trợ khác đáp ứng yêu cầu phổ cập... Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai Phạm Ngọc Thạch thì trước mắt, công tác này đang gặp một số khó khăn, trở ngại cần tháo gỡ để địa phương này hoàn thành Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015.
Lớp học 5 tuổi của trường MN xã Đông, 1/6 xã được huyện K'Bang đưa vào kế hoạch hoàn thành phổ cập trong năm 2012. Ảnh, gdtd.vn
Thiếu phòng học đạt chuẩn và đồ dùng, đồ chơi
Theo GĐ Phạm Ngọc Thạch, trên địa bàn tỉnh có những vùng thuận lợi và khó khăn khác nhau trong việc PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Do vậy Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các huyện căn cứ vào điều kiện thực tế trên địa bàn để xây dựng lộ trình thực hiện xã hội hóa Kế hoạch PCGDMN cho trẻ 5 tuổi đến năm 2015.
Kết quả là sau 2 năm triển khai Đề án, thành phố Pleiku đã hoàn thành các điều kiện để công nhận đạt chuẩn trong năm 2012; đến cuối năm 2013 thị xã An Khê phấn đấu được công nhận đạt chuẩn, một số huyện khác có lộ trình đến năm 2014, các huyện khó khăn phấn đấu PCGDMN cho trẻ 5 tuổi trong năm 2015.
Ông Thạch khẳng định, hiện khó khăn lớn nhất trong việc triển khai thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi tại Gia Lai là xây dựng CSVC trường, lớp học, mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các trường MN đáp ứng yêu cầu phổ cập.
Tính đến nay trên địa bàn Gia Lai có 244 trường MN, trong đó có 1.384 phòng học cho trẻ 5 tuổi. CSVC, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi của các trường MN còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do vậy năm 2012, cả tỉnh cần xây dựng thêm 526 phòng học, 471 phòng chức năng, 1.98 bộ thiết bị tối thiểu, 637 bộ thiết bị phần mềm tin học, 303 bộ đồ chơi ngoài trời cho các lớp MN 5 tuổi.
Bên cạnh đó hiện nay Gia Lai còn khoảng 50 trường học, cơ sở GDMN công lập còn học nhờ, mượn và còn nhiều nhà lớp học không theo quy chuẩn nào, khó đáp ứng theo tiêu chuẩn của tiêu chí phổ cập theo quy định của Đề án. Hiện trạng thiếu CSVC này là phổ biến cả tỉnh chứ không riêng ở vùng miền nào của Gia Lai.
Là trường ở khu vực thị trấn nhưng cô Phạm Thị Lân, hiệu phó trường MN Họa Mi, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ cho biết: trường có 12 nhóm lớp, vẫn còn 10 phòng học cấp 4 bán kiên cố, không đủ diện tích xây dựng và các quy định khác về phòng học theo Điều lệ trường mầm non để đảm bảo tiêu chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, trường chỉ có 2 phòng học được xây mới theo Đề án kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2008-2012 là đủ về diện tích xây dựng. Do thiếu phòng học nên trong 4 lớp MN 5 tuổi, có 1 lớp chưa đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày. Hiện toàn trường chưa có điều kiện dạy bán trú, và cũng chưa tổ chức nấu ăn bán trú vì chưa có bếp.
Một điểm trường của trường MN Sơn ca, xã Tân An huyện Đăk Pơ được kiên cố hóa khang trang. Ảnh, gdtd.vn
Trên địa bàn Gia Lai, các đơn vị hành chính cấp xã ở các huyện khó khăn như ChưPrông thì trường lớp học lại càng thiếu thốn hơn. Tại xã Iapia của ChưPrông có 15 thôn, làng thì trường MG Họa Mi của xã chỉ có 7 lớp mẫu giáo; 8 thôn, làng khác còn trắng lớp học MN. Nhà trường khắc phục bằng cách mượn các nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, làng để tổ chức các lớp học cho trẻ. Chính vì phải học nhờ mượn nên các điểm trường này không đủ diện tích cho cô và trò tổ chức các hoạt động dạy và học trên lớp;
Cô Dương Thị Nở, cán bộ phụ trách chuyên môn MN, phòng GD-ĐT huyện Chư Păh cho biết: CSVC dành cho lớp học 5 tuổi toàn huyện cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu dạy và học, chỉ thiếu ở một số điểm trường lẻ thuộc các xã vùng sâu, vùng xa. Tuy vậy, đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học vẫn thiếu rất nhiều theo quy định về Đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho GDMN. Do kinh phí mua sắm đồ chơi, thiết bị dạy học cao nên ngân sách huyện không thể đáp ứng được.
Chư Păh là huyện khó khăn, tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ cao, tỉ lệ hộ nghèo cao nên công tác xã hội hóa để triển khai thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi rất khó khăn. Do còn nhiều khó khăn nên Chư Păh phấn đấu hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi theo đúng lộ trình trong năm 2015. Trong năm 2013, huyện phấn đấu có 8 đơn vị xã có điều kiện thuận lợi hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi.
Khó huy động trẻ đến trường
Khó khăn tiếp theo mà Giám đốc Phạm Ngọc Thạch đề cập đến là do nhận thức của nhân dân, đặc biệt là người dân các dân tộc thiểu số tại chỗ chưa cao; tập quán của người dân tộc thiểu số tại địa phương nhiều đời nay là bố mẹ lên nương rẫy địu con đi theo. Do vậy việc huy động trẻ đến lớp để thực hiện mục tiêu PCGDMN cho trẻ 5 tuổi gặp nhiều khó khăn.
Trường MG Họa Mi xã Iapia có địa bàn tuyển sinh rộng, dân cư thưa thớt nên để huy động được trẻ ra lớp rất khó khăn. Để khắc phục, ngay từ đầu năm, nhà trường phải phân công chuyên môn cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng giáo viên trong trường. Các cô giáo người dân tộc thiểu số ở bản địa thì phân công tuyển sinh ở các điểm trường lẻ. Các GV này có lợi thế đến tận từng nhà dân, dùng ngôn ngữ thổ ngữ bản địa để vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường.
Lớp tập huấn nghiệp vụ PCGDMN cho trẻ 5 tuổi được Sở GD-ĐT tổ chức cho các giáo viên và cán bộ cốt cán trong tỉnh. Ảnh, gdtd.vn
Theo hiệu trưởng trường MG Họa Mi Triệu Thị Hằng, để làm tốt công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, GV phải có sự nhiệt tình. Vì học sinh ở xa trường, có khi trong mùa lên rẫy, trẻ được bố mẹ đưa theo ở luôn trên rẫy trong rừng nên GV phải nhiệt tình và kiên trì vận động phụ huynh đưa trẻ đến lớp.
Trẻ đến lớp rồi nhà trường phải tổ chức nấu ăn bán trú, dạy 2 buổi/ngày để phụ huynh yên tâm lao động sản xuất. Tuy nhiên tại trường MG Họa Mi do điều kiện CSVC cùng các điều kiện khác còn khó khăn nên chưa thể tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh. Mặc dù người dân rất có nhu cầu gửi trẻ bán trú.
Cô Hằng chia sẻ: Mấy năm trước khi triển khai Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi thì sĩ số học sinh ra lớp đạt bình quân khoảng trên 90%. Từ khi có chính sách hỗ trợ học tập và tiền ăn trưa cho trẻ 5 tuổi là người dân tộc thiểu số và trẻ 5 tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn thì phụ huynh năng đưa con đến lớp hơn trước đây; tỉ lệ huy động đạt cao, gần 100%.
Chính sách đã thuận lợi như vậy nên là một hiệu trưởng, mong muốn lớn nhất của cô Hằng là CSVC của nhà trường được đầu tư xây dựng đủ số lớp học ở các thôn, làng để nhà trường chủ động trong công tác dạy và học là: tổ chức dạy 2 buổi/ngày và tổ chức nấu ăn bán trú để thu hút trẻ đến lớp và phụ huynh yên tâm hơn khi gửi trẻ tại trường. Được như vậy mới mong hoàn thành mục tiêu PCGDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn.
Theo ông Thạch, trong thời gian qua, nếu Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho GV giai đoạn 2008-2012 đủ vốn để thực hiện xây dựng hết số phòng học và nhà công vụ trong danh mục đầu tư đã được phê duyệt của Gia Lai thì Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi sẽ bớt đi khó khăn rất nhiều về CSVC trường, lớp học.
Để lộ trình thực hiện Đề án PCGDMN 5 của Gia Lai diễn ra thuận lợi, Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai Phạm Ngọc Thạch đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho GV giai đoạn tiếp theo nhằm hỗ trợ cho các tỉnh còn nhiều khó khăn như Gia Lai trong việc triển khai, thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi...
"Nếu khó khăn lớn nhất là CSVC được Trung ương hỗ trợ tháo gỡ, còn lại những khó khăn, trở ngại khác xuất phát từ địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhân dân và toàn xã hội tập trung vào cuộc cùng ngành giáo dục sẽ dần tìm cách tháo gỡ để và kế hoạch đặt ra của Gia Lai phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi được triển khai thực hiện đúng lộ trình". Ông Thạch nhấn mạnh.
Theo GD&TĐ