Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đào tạo chắp vá


Qua khảo sát điều tra trên 60 giáo viên (GV) tại một số trường mầm non địa bàn huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định của cô Trần Thị Kim Liên, Khoa Giáo dục (GDMN), ĐH Sư phạm Hà Nội cho thấy: 100% GV tốt nghiệp hệ tại chức, trong đó 30% đạt trung bình, 55% khá và 15% giỏi. Không chỉ riêng huyện Nam Trực mà tình hình chung của cả nước cho thấy trình độ của GVMN thường rất thấp, đào tạo chắp vá.

GVMN là một nghề đặc thù - Cần nâng cao chất lượng đội ngũ để nâng chất lượng giáo dục

 

Thiếu kỹ năng... và niềm đam mê
Theo TS. Hồ Lam Hồng, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm, nhu cầu GVMN hiện nay rất nhiều, nhất là tại TP.HCM. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ này hiện nay đang rất thấp. Bà Hồng cho rằng GVMN là một nghề đặc biệt, cần những người thực sự giỏi. Bởi trẻ càng nhỏ càng khó dạy. Nhưng thực tế đầu vào của các khoa GDMN tại các trường đều rất thấp, "chuột chạy cùng sào mới vào MN". Chính vì vậy, việc đào tạo lại GVMN là một công việc vô cùng khó khăn và vất vả. Xu hướng hiện nay của Việt Nam và thế giới là tiếp cận cái mới, nhưng tất cả những cái đó khi còn ngồi trên ghế giảng đường, các GVMN chưa từng "vấp" qua. Đứng ở phía nhà tuyển dụng, bà Nguyễn Hiền Tâm, Hiệu trưởng Trường MN Đống Đa (Hà Nội) cũng cho biết, điều cần nhất ở GVMN hiện nay là khả năng sư phạm, khả năng tiếp nhận thông tin mới và truyền tải tới học sinh. Là người sử dụng "sản phẩm" của các khoa MN, bà Tâm cho biết GVMN đang thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề mang tính tình cảm và thiếu kỹ năng sống. "Chỉ có yêu nghề thì GVMN mới không để xảy ra tình trạng bạo hành học sinh hay phạt trẻ quá tay", bà Tâm nhấn mạnh.


Trong số hơn 60 GVMN được hỏi ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, có 26,67% GV say sưa, tâm huyết với nghề, 36,67% GV thể hiện thái độ bình thường, chấp nhận theo nghề và 36,67% GV muốn có sự thay đổi nghề nghiệp. Như vậy, đa phần các GV được hỏi có thái độ bình thường và muốn thay đổi công việc. Các GV cũng cho biết sự vất vả của công việc, thời gian làm việc nhiều với chế độ đãi ngộ thấp mà trách nhiệm lại cao. Bà Phạm Thị Yến (ĐH Quảng Bình) cũng cho biết bên cạnh những GVMN hết lòng yêu mến trẻ, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo thì đã có không ít GV biểu hiện định hướng giá trị đạo đức lệch lạc như chưa yên tâm với nghề, chưa thực sự yêu nghề, ngại khó, sống thực dụng chạy theo đồng tiền, danh vị... Điều đó đã thể hiện nhiều ở việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số GVMN khi tuổi đời còn rất trẻ.


Đào tạo chắp vá

Những yếu kém của đội ngũ GVMN về mặt chuyên môn cũng như về đạo đức nghề nghiệp có nhiều nguyên nhân được chỉ ra. Theo TS. Trịnh Thị Xim, Trưởng khoa GDMN Trường CĐ Sư phạm Trung ương, GVMN hiện nay chịu quá nhiều áp lực trong khi lương lại thấp, xã hội lại không coi trọng. Đồng quan điểm này, TS. Hồ Lam Hồng cũng cho rằng vị thế của GVMN ngay trong ngành GD cũng rất thấp. Cộng với đó là thái độ của phụ huynh học sinh. Trong khi đó, những tiêu chí đánh giá đòi hỏi GV rất ngặt nghèo. Ở các trường công, lớp học lại rất đông, công việc của GVMN không phải là 8 tiếng mà là 10 tiếng, thậm chí là 12 tiếng ở trường. Trong lần Bộ GD-ĐT tổ chức gặp mặt, biểu dương các nhà giáo tiêu biểu vùng hải đảo, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có GVMN đã thành thật tâm sự: "Tôi phấn đấu cả năm chỉ để được thưởng Tết 100.000 đồng".


Đó là về chính sách đãi ngộ. Còn các trường đào tạo không phải là không có lỗi đối với chất lượng GVMN hiện nay. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thì một thời gian dài, đội ngũ GVMN được đào tạo một cách chắp vá. Chương trình đào tạo cũng chưa thật chuẩn. Theo bà Lã Thị Bắc Lý (Khoa GDMN Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thì hiện nay, ĐH đã chuyển sang đào tạo tín chỉ nhưng chương trình vẫn chưa được điều chỉnh cho phù hợp và thống nhất. Cũng theo bà Lý, do nhu cầu tuyển dụng GVMN lớn nên trong thời gian qua, đặc biệt là các trường ĐH địa phương, các trường ĐH dân lập được thành lập một cách ồ ạt, vì vậy việc tuyển chọn giảng viên không được tinh lọc. Việc thành lập khoa GDMN và đào tạo GVMN cũng mang tính chất "ăn xổi ở thì". Thậm chí có trường, khoa GDMN mới chỉ thành lập bộ khung ban chủ nhiệm mà đã ồ ạt tuyển sinh chính quy rồi mời GV hợp đồng về dạy hoặc lấy GV từ các khoa khác sang dạy. Một số sinh viên tốt nghiệp khoa GDMN được tuyển dụng làm cán bộ giảng dạy nhưng lại không được bồi dưỡng thêm, vì thế các kiến thức cơ bản rất thiếu và yếu.


Bà Phạm Thị Yến còn cho rằng ngành GDMN của các trường tăng chỉ tiêu đào tạo không ngừng và còn tổ chức liên kết với các trung tâm, các trường khác để đào tạo ngành này với nhiều hình thức như liên thông, liên kết, tại chức, từ xa... từ trung cấp lên ĐH. Và tỷ lệ nghịch với vấn đề này đó chính là chất lượng đội ngũ GVMN đang có chiều hướng đi xuống.


Để nâng cao chất lượng đội ngũ GVMN, TS. Hồ Lam Hồng đề nghị có thể kéo dài thời gian đào tạo của ngành này lên 5 năm để bổ sung một cách tỉ mỉ các kỹ năng cần thiết cho GVMN. Về chính sách cho GVMN, PGS.TS Nguyễn Thị Thúy Hồng, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT cho biết: Bộ đang nghiên cứu để đưa ra những chính sách đãi ngộ tốt hơn cho GV, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đối tượng GVMN. Những vấn đề như thời gian làm việc của GVMN, tính đặc thù nghề nghiệp của bậc học này cũng sẽ được tính đến để có những quy định cụ thể với mức lương hợp lý, giúp GV yên tâm bám trụ với nghề.


Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thì một thời gian dài, đội ngũ GVMN được đào tạo một cách chắp vá. Chương trình đào tạo cũng chưa thật chuẩn.


Theo Báo Giáo Dục