Chức năng của trường mầm non là nuôi và dạy trẻ. Dạy là công việc của giáo viên; còn nuôi (trong đó quan trọng nhất là ăn uống) - phần lớn công việc này là nhiệm vụ của cô nuôi (nhân viên cấp dưỡng). Thế nhưng chế độ cho các cô nuôi còn quá bất cập: lương thấp gần như không đủ để đảm bảo cuộc sống tối thiểu; đa số làm việc dưới hình thức hợp đồng lao động theo mùa vụ (hoặc hợp đồng lao động dưới một năm), lại không được đóng bảo hiểm xã hội... Chính vì vậy mà đội ngũ cô nuôi ở các trường mầm non không yên tâm với công việc mà mình đang làm.
Vai trò, trách nhiệm của cô nuôi trong mỗi trường học là không nhỏ. Ảnh: Minh Tân
Trường Mầm non Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu, Nghệ An) là một trong ba trường mầm non của Nghệ An đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (tính đến thời điểm 25/11/2012) hiện có 14 nhóm, lớp với 480 cháu (52 cháu ở độ tuổi nhà trẻ và 428 cháu độ tuổi mẫu giáo), tất cả đều bán trú. Theo quy định tại Thông tư số 71/2007/TTLT-BGDĐT - BNV ngày 28/11/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập (cứ 35 cháu nhà trẻ hoặc 50 cháu mẫu giáo thì được thuê một cô nuôi), nhà trường đã hợp đồng mùa vụ với 07 người làm nhiệm vụ cô nuôi (đúng ra là phải có 10 cô nuôi).
Bà Đặng Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đội ngũ cô nuôi dễ biến động. Có thời điểm hai, ba cô xin nghỉ, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phải xắn tay áo "lăn" vào bếp "chữa cháy". Thực tế cũng có người đến xin làm, nhưng khi nói đến mức lương 1,3 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng một tháng, họ thường nói khéo để rút lui.
Hiện tại, ngoài tiền lương, nhà trường đã cố gắng hỗ trợ mỗi cô 5.000 đồng/ngày tiền ăn trưa, còn rau và gạo các cô tự mang đến để đỡ đi phần chi phí. Nhưng xem ra cũng chẳng thấm vào đâu so với công sức lao động của các cô. Được biết 7 cô nuôi của Trường Mầm non Diễn Kỷ đều là những người có nghiệp vụ chuyên môn nấu ăn, có người có trình độ cao đẳng.
Tuy là làm công việc thường xuyên, nhưng họ lại chỉ được ký hợp đồng mùa vụ, ngoài mức lương không thể nào thấp hơn như đã nói ở trên, các cô không hề có thêm bất cứ một chế độ nào khác, lại không được đóng bất cứ một loại bảo hiểm nào.
Cô nuôi Ngô Thị Thu Hiền (tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thương mại Du lịch Nghệ An) chia sẻ: "Với mức lương như hiện nay, thực sự không thể đảm bảo cuộc sống của bản thân. Mỗi tháng 1,3 triệu đồng, trừ xăng xe, trừ tiền ăn trưa ở trường, rồi tiền thăm hỏi,... thì chưa đủ để chi tiền ăn sáng. Sắp tới, khi lập gia đình, chắc em phải tìm việc khác để làm thôi". Không riêng gì cô Hiền mà nhiều cô nuôi ở các trường mầm non đều luôn trong tình trạng "chân trong, chân ngoài".
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Phòng GD&ĐT Diễn Châu cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 200 cô nuôi, tất cả đều là làm việc theo hợp đồng mùa vụ, không được đóng các loại bảo hiểm bắt buộc, mức lương thấp nhất là 1,05 đồng/tháng, cao nhất là 1,5 triệu đồng/tháng, phần lớn là 1,2 triệu đồng/tháng đến 1,3 triệu đồng/tháng.
Trường MN Nghi Hải (thị xã Cửa Lò) - nơi cô nuôi Lê Thị Hà đã làm việc 6 năm nay
Không chỉ vất vả, nặng nhọc, các cô nuôi ở trường mầm non còn luôn bị áp lực với việc phải bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm. Cô nuôi Lê Thị Hà ở Trường Mầm non Nghi Hải (thị xã Cửa Lò) cho biết: "Công việc của cô nuôi ở trường mầm non không hề đơn giản. Ngoài việc không được phép để xảy ra mất an toàn thực phẩm, bọn em phải tính toán làm sao từng bữa ăn phải cung cấp đủ chất, đủ năng lượng cho từng cháu, ở từng lứa tuổi khác nhau. Trong mỗi bữa ăn, phải có đủ bốn nhóm thực phẩm. Thậm chí còn phải tính đến màu, mùi của thực phẩm trong từng bữa ăn để kích thích các cháu ăn ngon miệng".
Làm nhiệm vụ cô nuôi đã 6 năm nay, nhưng mức lương mà cô Lê Thị Hà nhận được cũng chỉ có 2 triệu đồng/tháng (trừ tiền đóng bảo hiểm, tiền ăn trưa tại trường, cô chỉ còn được nhận 1,4 triệu đồng/tháng). Một ngày làm việc của cô bắt đầu từ 7 giờ và kết thúc thường là 17 giờ. 7 giờ, cô Hà cùng các cô nuôi khác nhận thực phẩm rồi sơ chế. Khoảng 9 giờ bắt đầu nấu và phải nấu xong trước 10 giờ 30. Trường có 408 cháu (24 cháu trong độ tuổi nhà trẻ, 384 cháu trong độ tuổi mẫu giáo), đáng ra phải có 8 cô nuôi, nhưng thực tế chỉ có 6 cô, vì thế đã vất vả, các cô lại càng vất vả hơn. Các cháu còn bé, nhiều cháu ăn chậm, bữa ăn vì thế thường bị kéo dài. Mà các cháu có ăn xong, các cô có thu dọn xong mới có thể ngồi vào ăn trưa được, nên nhiều hôm gần 13 giờ các cô mới bưng được bát cơm đưa lên miệng. Xong bữa trưa, cô Hà lại cùng các cô nuôi bắt tay lo bữa ăn phụ cho các cháu (bữa ăn này thường diễn ra vào lúc 14 giờ 30 - sau khi các cháu ngủ trưa dậy). Các cháu ăn bữa phụ xong, cô Hà và các cô nuôi lại lo rửa bát, vệ sinh bếp núc,... đến khi ngơi tay cũng đã 17 giờ.
Bà Võ Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghi Hải cho biết: Để bớt đi phần nào khó khăn cho các cô nuôi, nhà trường đã thực hiện chế độ đóng bảo hiểm cho các cô; động viên các cô bằng những món quà nhỏ trong các ngày lễ, Tết. Thế nhưng cũng rất khó để giữ chân các cô lâu dài, rất khó làm cho các cô toàn tâm, toàn ý với công việc nuôi dưỡng các cháu. Vì thực tế đồng lương của các cô quá thấp, không đủ để nuôi bản thân các cô, trong khi nhiều cô đã có con cái.
Quần quật mười tiếng một ngày không hề ngơi tay, đổi lại, cô nuôi ở các trường mầm non trên địa bàn Nghệ An chỉ nhận được mức lương từ 1,05 triệu đồng/tháng đến 2 triệu đồng/tháng; chỉ có một số rất ít cô được nhận mức lương trên 2 triệu đồng/tháng đến 2,5 triệu đồng/tháng (nếu cô nào may mắn đươc đóng các loại bảo hiểm xã hội thì tiền đóng bảo hiểm đã bao gồm trong số đó). Với mức lương quá thấp này, rõ ràng các cô không thể nào an tâm để tận tình chăm sóc sức khoẻ các cháu.
Vai trò, vị trí của cô nuôi trong các trường mầm non hết sức quan trọng. Để giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của các cháu, bảo đảm cho sức khoẻ của các thế hệ tương lai của đất nước, không thể thiếu khói óc và bàn tay của các cô nuôi. Xin xã hội, các bậc cha mẹ các cháu; đặc biệt là các nhà quản lý, các nhà làm chính sách đừng đánh đồng cô nuôi trong các trường mầm non với nhân viên cấp dưỡng của các cơ quan, đơn vị khác.
Để các cô nuôi trong trường mầm non mang hết tâm sức của mình phục vụ các cháu, thiết nghĩ đã đến lúc Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành các chính sách thoả đáng đối với các cô. Nên chăng, không thể đưa các cô vào biên chế, Nhà nước giao cho các địa phương hợp đồng lao động không thời hạn, hoặc ít ra là hợp đồng lao động có thời hạn từ một đến ba năm, chấm dứt loại hợp đồng theo mùa vụ hoặc thời hạn dưới một năm đối với các cô; đồng thời thực hiện trả lương theo ngạch bậc, nâng lương theo thời hạn, đóng bảo hiểm xã hội đối với các cô và các cô phải được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội khác.
Theo GD&TĐ