Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chỗ dựa cho con


Tôi làm bạn với con trai từ nhỏ tới lớn, nhưng thú thật, lúc con tới tuổi dậy thì tôi cũng bối rối, không biết phải làm sao để trò chuyện với con về vấn đề giới tính.


Con trai vẫn còn con nít, cái gì cũng tò mò và hồn nhiên hỏi "tới bến" nên tôi ngại ngần, sợ dạy con một mà nó hỏi tới mười thì mình... ngậm hột thị. Kiến thức về tình dục và sức khỏe sinh sản thì hầu như bà mẹ nào cũng biết, nhưng để giải thích cho đứa con đang tuổi dở dở ương ương hiểu rõ là chuyện không dễ. Tôi chỉ dạy con theo kiểu... cỡi ngựa xem hoa như: cách kiềm chế bản thân, giữ gìn vệ sinh, ăn uống ra sao để cơ thể phát triển tốt và... hết.


Tôi biết con đang rất bối rối và tò mò nhưng cũng đành để cho nó... tự bơi. Đôi lúc lo lắng quá tôi lại tự an ủi: "Mấy vụ này chắc... nhà trường có dạy. Mình quản lý chặt thì chắc không xảy ra hậu quả gì". Tôi biết có nhiều bà mẹ cũng bối rối và chủ quan giống như mình. Để rồi cứ nghĩ cha mẹ nghiêm khắc với con, quản lý giờ giấc chặt chẽ thì nó không dám hó hé. Đến lúc con gái mang bầu, con trai hại đời con gái người ta, mẹ lại giậm chân kêu trời: "Tui đưa nó đi học hàng ngày, không thấy nó bồ bịch với ai, sao vầy nè trời!".


Khi con lỡ lầm, dư luận xã hội lên án gia đình thiếu quan tâm, không biết dạy con. Điều này chưa hẳn đã đúng, họ có dạy đó chứ, nhưng cách dạy con của gia đình Việt rất gia trưởng: cấm đi chơi, cấm có bồ... Ít ai dạy con cách xử lý những tình huống như: không đi với bạn tới những nơi dễ dẫn đến những hành vi quá đà, phải biết kiềm chế bản thân khi lỡ rơi vào hoàn cảnh "lửa tới bên lưng", quan hệ tình dục thế nào là an toàn... Nhiều bà mẹ phản đối: "Tôi cấm tuốt. Dạy con mấy thứ đó hả, khác gì mình cho phép nó, nó càng tò mò muốn thử". Các bà mẹ quên rằng, mẹ không dạy thì con cũng tò mò muốn thử; và khi đã thử, con sẽ hoảng loạn không biết làm sao khi hậu quả xảy ra. Câu chuyện bé gái vứt con ngoài bãi rác là một ví dụ.


Việc cha mẹ bảo bọc con từ A tới Z khiến con thiếu kỹ năng, thiếu bản lĩnh cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều hệ lụy. Từng có chuyện một nữ sinh theo đám bạn trai đi vào vùng hoang vắng, bị cả đám uy hiếp, la khản giọng cũng không ai nghe. Nhiều bé gái quen bạn trai qua mạng, tin vào những lời mật ngọt nên yêu đến... chết. Không ít bà mẹ thường đổ thừa: con tôi hư là tại... bị người ta dụ. Nếu mẹ dạy con cách ứng phó trong mọi tình huống, cách suy xét thật giả, đúng sai, con sẽ biết chọn con đường nên đi và chẳng ai có thể "dụ" được.


Tôi làm cuộc phỏng vấn bỏ túi với đám bạn của con: "Khi có chuyện các con sẽ hỏi ai, nhờ ai giúp đỡ?". Đa số các cháu trả lời: "Hỏi bạn bè, nhờ bạn bè giúp". Thật đáng lo, đứa này cũng mù tịt như đứa kia, làm sao có cách giúp bạn. Đối với các cháu, gia đình không phải là chỗ dựa lúc "dầu sôi lửa bỏng", vì cha mẹ chỉ biết cấm đoán, la rầy. Nhà trường và thầy cô thì trẻ càng không dám giãi bày, vì lơ mơ là bị "ổng bả" đưa ra trước toàn trường, để các bạn khác rút kinh nghiệm.


Theo tôi, gia đình trước hết phải là chỗ dựa cho con, dẫn dắt con đi con đường đúng, là nơi con tìm về khi va vấp, thất bại.


Theo PN