Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tập thể dục trong thời kỳ mang thai


Cho tới nay vẫn có nhiều phụ nữ đang mang thai hầu như không dám tập thể dục, chỉ chú trọng tăng cường dinh dưỡng và cố gắng hoạt động thật ít với mối lo ngại sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. 

Tuy nhiên, trên thực tế nếu tập luyện đúng cách sẽ mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho bản thân người mẹ mà cả đứa trẻ bên trong.

Trước tiên, tập luyện đúng cách trong thời kỳ mang thai sẽ không chỉ giúp người mẹ cảm thấy thoải mái hơn nhờ chất endorphin (một hợp chất tự nhiên trong não) được kích thích và giải phóng mà còn có thể giảm thiểu hiện tượng đau lưng cũng như mang lại một dáng vẻ tự nhiên hơn cho người phụ nữ do các cơ ở lưng và đùi được vận động.

Hơn nữa, tập luyện còn có tác dụng ngăn ngừa hiện tượng táo bón cho người mẹ do các cử động trong ruột tăng lên. Khi tập luyện còn kích thích hoạt dịch bôi trơn trong các khớp xương nhờ đó mà hiện tượng bị chệch hoặc rách khớp (vốn rất dễ xảy ra ở phụ nữ mang thai) được hạn chế tối đa.

Không chỉ có vậy, đến thời điểm sinh nở, nếu người phụ nữ trước đó luôn tập luyện đều đặn thì tim và các cơ sẽ ở trong trạng thái khoẻ mạnh, tạo điều kiện rất thuận lợi cho quá trình sinh đẻ.

Tập luyện đúng cách còn mang lại nhiều lợi ích khác cho phụ nữ mang thai như giúp tăng cân ở mức vừa phải hay duy trì được nước da hồng hào do máu được vận chuyển nhiều hơn tới các mạch máu dưới da.

Để có được các bài tập hiệu quả và đúng cách, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc những người có chuyên môn để họ đưa ra chương trình tập luyện phù hợp nhất.

Ngoài ra, nếu trước khi có thai bạn vẫn luôn tập luyện đều đặn thì hãy cứ tiếp tục như vậy với một số thay đổi nhỏ cho phù hợp, không nên ngừng hẳn. Còn nếu trước đó bạn không phải là người thường xuyên tập luyện thì cũng đừng quá vội vàng. Hãy bắt đầu một cách từ từ để thể lực được cải thiện dần dần.

Có rất nhiều bài tập cũng như lựa chọn khác nhau cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Đó có thể là nhảy, bơi, tập yoga, thể dục nhịp điệu, đi xe đạp....Tuy nhiên cách tập luyện phổ biến nhất có lẽ là đi bộ. Nếu là người mới bắt đầu thì chỉ nên đi khoảng 3 lần/ tuần với khoảng cách vừa phải. Sau đó mỗi tuần lại tăng thêm thời gian khoảng 2 phút đồng thời cũng tăng tốc độ lên một chút. Điều cần phải chú ý là dù bạn chỉ mới bắt đầu hay đã đi bộ nhiều lần thì vẫn phải đi chậm ở khoảng 5 phút đầu (để khởi động) và 5 phút cuối.

Một điều quan trọng khác cần chú ý, đó là dù bạn chọn cách tập luyện nào thì cũng hãy luôn "lắng nghe" cơ thể mình. Nhiều phụ nữ thường bị chóng mặt trong thời kỳ đầu mang thai và khi thai nhi phát triển lại dẫn đến sự thay đổi tâm của trọng lực, gây mất thăng bằng, đặc biệt là 3 tháng cuối.

 Theo VTV