Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cùng con khôn lớn


Hôm qua con gái tôi nhờ mẹ hướng dẫn làm bài tập về dạng toán phân số thập phân. Bị con hỏi bất ngờ, tôi có phần lúng túng, đành "chữa cháy" với con rằng "để mẹ xem lại nội dung dạng toán này, mẹ học lớp 5 cách đây ... mấy mươi năm, giờ mẹ chưa thể giúp con ngay được".


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Thế là hai mẹ con tôi cùng xem lại sách giáo khoa để tham khảo. Con gái tôi lật số trang giúp mẹ, trong khi đó tôi loay hoay tìm hiểu về phân số thập phân. Sau khi đã nắm rõ dạng toán, tôi đề nghị con định nghĩa về phân số thập phân, và phân tích cho con hiểu tất cả những gì liên quan đến nội dung cần tìm hiểu. Cuối cùng, con gái tôi đã hiểu và làm đúng phần bài tập. Con nhoẻn miệng cười tỏ vẻ biết ơn mẹ, và lao nhanh về phòng.


Đang học lớp 5, con gái tôi có học lực khá, rất nhạy cảm, mau giận hờn những khi gặp điều không vừa ý. Có lần vì thiếu kiềm chế khi con bị điểm kém, tôi đã đánh con. Khi nguôi giận, tôi mới bắt đầu giảng bài cho con. Lúc đó, con gái tôi vẫn còn giận mẹ, cháu mất tập trung, nên tôi "nhồi" cỡ nào cháu cũng không hiểu. Biết tính con, sau này khi kiểm tra bài vở, hoặc cùng con làm bài tập, nếu không hài lòng về con, tôi không còn la mắng hay dùng hình phạt với con nữa, mà chỉ lựa lời khuyên bảo, giúp con hiểu bài một cách tường tận. Sau đó, tôi để con tự làm bài tập, cho đến khi con không tìm ra câu trả lời, tôi mới trợ giúp.


Tôi muốn con hiểu rằng, việc học rất quan trọng với con. Nó có thể quyết định tương lai, số phận của con sau này. Tôi luôn suy nghĩ về phương pháp dạy con tối ưu nhất. Tôi nghĩ, gần gũi và hiểu con cái là việc đầu tiên bố mẹ nên làm. Vấn đề là gần gũi như thế nào để con cảm thấy bố mẹ là người con có thể tin cậy và chia sẻ một cách thoải mái nhất, mà vẫn giữ một khoảng cách nhất định để con tôn trọng, gửi gắm.


Bằng tình yêu của người mẹ dành cho con, tôi học cách lắng nghe những giãi bày, những suy nghĩ của con về chuyện ở lớp, ở trường. Chẳng hạn, con than phiền việc bạn Minh thường xuyên xem bài, nên con phải khom người che chắn bài làm của mình, mỏi cả lưng. Tôi hiểu, không chỉ là việc chia sẻ, mà con muốn mẹ hiến kế. Tôi không bao giờ áp đặt con theo ý mình, rằng con phải làm thế này, thế nọ, mà khuyên con một cách tôn trọng, ví dụ "nếu mẹ là con, mẹ sẽ thường xuyên nhắc nhở bạn Minh học bài. Nếu bạn tái diễn nhiều lần, mẹ sẽ thưa cô giáo". Trẻ con rất nhạy cảm, những biểu hiện của người lớn luôn ảnh hưởng tới trẻ. Trẻ sẽ vui trước một góp ý chân thành, ngược lại sẽ thất vọng trước sự hời hợt, cáu bẳn của người lớn.


Với mọi đứa trẻ, trường học là ngôi nhà thứ hai để các bé học tập, vui chơi và trải nghiệm. Những lúc ở trường, bố mẹ không thể đồng hành để xem con cái giải quyết sự trải nghiệm ấy như thế nào. Việc gần gũi con cái, thăm hỏi và đặt vấn đề để con giải quyết tình huống là rất cần thiết.


Theo PN