Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ 5 tuổi có được vào lớp 1?


Thông tin trẻ có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể sẽ được vào lớp 1 trước 6 tuổi được nhiều phụ huynh quan tâm
Dự thảo sửa đổi điều lệ trường tiểu học trong đó có nội dung trẻ có thể học trước 6 tuổi được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến rộng rãi ngay trước ngày khai giảng năm học mới đã khiến nhiều phụ huynh vui mừng.
"Con tôi rất thông minh..."
Chị Ngọc Thảo, có con gái 4 tuổi đang học tại một trường mầm non quốc tế, cho hay có thể chị sẽ cho cô con gái vào học lớp 1 ngay từ năm học tới. Chị Thảo cho biết bé Ngô mới 4 tuổi nhưng đã biết đọc, biết làm toán cộng trừ - những phép tính mà nhiều em lớp 1 có thể còn chưa làm được. "Nếu Bộ GD-ĐT đồng ý thì tôi sẽ cho bé đi học sớm.

Bé Ngô rất thông minh, nhanh nhẹn nên tôi nghĩ bé có thể tiếp thu được đầy đủ kiến thức như các bạn khác"- chị Ngọc Thảo nói. Không phải chỉ riêng trường hợp con chị Ngọc Thảo, nhiều phụ huynh khác cũng cho rằng "con tôi rất thông minh" và muốn con mình được học vượt tuổi.

Phải cân nhắc khi cho con em mình học trước tuổi.
Trong ảnh: Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận 10 - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH


Trước nhu cầu chính đáng của các phụ huynh, TS - nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, cho biết ông hoàn toàn ủng hộ việc trẻ có thể học trước, vượt cấp nếu có thể lực và trí tuệ vượt trội. Theo TS Lâm, trẻ trong lứa tuổi từ mầm non đến tiểu học có nhiều mức phát triển rất khác nhau và không đồng đều.

Nhiều trường hợp trẻ có những năng lực vượt trội, nếu cứ theo học đúng lứa tuổi thì rất lãng phí, không phát huy hết khả năng của các em và tệ hơn là dẫn đến thui chột tài năng. "Thế hệ chúng tôi có không ít học sinh đi học tiểu học trước 6 tuổi và đều đáp ứng tốt yêu cầu bậc học. Thực tế hiện nay vẫn có không ít học sinh lớp 11 đi thi Olympic quốc tế dành cho học sinh lớp 12 và vẫn giành giải đấy thôi" - ông Lâm nói.
Chưa có chương trình riêng
Tuy nhiên, không ít chuyên gia lại lo ngại việc học trước tuổi sẽ khiến trẻ không theo kịp nhiều môn học khác bởi yêu cầu phải có học lực ngang bằng với trẻ hơn tuổi ở tất cả các môn học. Bà Đỗ Kim Loan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Hòa, quận Cầu Giấy - Hà Nội, cho hay thông thường trẻ chỉ có năng khiếu vượt trội ở một lĩnh vực, ví dụ như toán hay ngoại ngữ. Thế nhưng, hệ thống giáo dục hiện nay vẫn yêu cầu phải đánh giá học sinh đồng đều ở tất cả các môn học. Chính vì thế, những học sinh học trước tuổi, học vượt lớp dễ bị hổng những kiến thức ở những môn được gọi là môn phụ khi nhảy lớp, học trước.
TS Nguyễn Tùng Lâm cũng thừa nhận các trường học ở Việt Nam hiện nay khó có thể có một chương trình riêng cho những học sinh có năng khiếu vượt trội ở một lĩnh vực nào đó. "Ở các nước tiên tiến, học sinh vượt trội được tạo điều kiện để học đúng trình độ của mình với các lớp cao hơn ở lĩnh vực mình vượt trội. Các môn còn lại, các em vẫn học cùng với bạn bè cùng lứa tuổi.

Điều này mới thực sự phát huy tài năng của học sinh thay vì bắt học sinh đó phải đáp ứng tất cả các môn học"- TS Lâm phân tích. Một chuyên gia cảnh báo các phụ huynh cũng phải hết sức cân nhắc, đánh giá đúng năng lực của con mình khi quyết định cho con học sớm, vượt cấp. "Không ít phụ huynh muốn con mình hơn con người khác dù thực tế con mình có vượt trội nhưng chưa đến mức để học sớm, học vượt. Quá tải sẽ dẫn đến sang chấn tâm lý cho trẻ, đây là một tình trạng rất nguy hiểm"- hiệu trưởng một trường tiểu học nhấn mạnh.

Trẻ cần được chơi
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT, khẳng định quan điểm của Bộ GD-ĐT là trẻ phải đủ 6 tuổi mới được vào lớp 1. "Chúng tôi nhiều lần giải thích với phụ huynh là trẻ em 5 tuổi học mầm non, 6 tuổi vào lớp 1, nguyên tắc đó cố gắng giữ vì trẻ cần được chơi, cần được phát triển, không học sớm, không học nhiều"- ông Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng luật cũng có điều kiện mở với học sinh có phát triển hơn về thể chất, tinh thần có thể học sớm hơn, học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Trong trường hợp này, cha mẹ hoặc người đỡ đầu cần có đơn đề nghị với nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm đại diện của ban giám hiệu và ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội. Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định có đồng ý cho học vượt lớp hay không.
Theo nld.com.vn