Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Xử trí với dị vật trong mắt bé


Nếu có thứ gì rơi vào mắt bé, bạn nên tránh để bé dụi mắt, nhằm ngăn cản dị vật vào sâu hơn hoặc làm rách mắt. Nếu sau một vài giây chớp mắt, bé vẫn còn khó chịu, bạn nên rửa sạch tay và cẩn thận xác định xem có thứ gì trong mắt bé bằng cách nhẹ nhàng kéo mí mắt dưới của bé xuống, rồi kéo mí mắt trên của bé lên.

Nếu dị vật bị găm sâu vào mắt bé, bạn đừng cố lấy nó mà cần ngay lập tức đưa bé tới bác sĩ.

Nếu bạn có thể nhìn thấy dị vật trôi xung quanh, nhẹ nhàng lấy nó bằng đầu tăm bông hoặc rìa khăn xô mềm, sạch. Nếu không hiệu quả, hãy nhúng tăm bông vào nước ấm rồi tiếp tục nhẹ nhàng lấy dị vật. Nếu vẫn không được, bạn nên đưa con vào bồn tắm, bế ngửa bé ra, từ từ đổ nước ấm từ cốc vào góc mắt của bé.

Nếu không thể lấy dị vật

Hãy đưa bé tới bác sĩ càng nhanh càng tốt. Lúc này, nên tránh để bé dụi mắt. Cũng đừng băng mắt lại vì áp lực sẽ làm rách các màng mắt, rất nguy hiểm.

Xử trí khi hóa chất rơi vào mắt bé

Nếu bé bị dính hóa chất vào mắt (nước lau nhà, thuốc xịt côn trùng, sơn…) thì bạn nên nhanh chóng rửa mắt bé với nước ấm. Không đổ bất kỳ dung dịch nào vào mắt bé, trừ nước ấm, sạch. Hóa chất sẽ bị rửa trôi ra ngoài càng nhanh thì nguy cơ tổn thương cho mắt càng ít.

Trường hợp nặng, bạn cần đưa con tới bác sĩ.

Phòng tai nạn mắt cho bé

90% các tai nạn về mắt có thể phòng tránh được. Các nguyên nhân thường gặp về tai nạn mắt ở bé bao gồm ngã vào vật cứng, nhọn, chơi với đồ chơi không an toàn, chơi với đồ vật nhọn như cái dĩa, bút hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại.

Bởi thế cha mẹ nên đảm bảo môi trường vui chơi cho bé được an toàn. Dẹp bỏ những mối nguy có thể gây tai nạn cho bé.

Theo Mevabe