Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dự thảo Thông tư ban hành quy định về học phí chất lượng giáo dục cao: Tiền có thực sự mang lại chất lượng?


Dự thảo Thông tư ban hành Quy định về học phí chất lượng giáo dục cao trong các trường mầm non, phổ thông công lập vừa được Bộ GD- ĐT đưa ra lấy ý kiến đang gây không ít băn khoăn, thắc mắc trong dư luận, thậm chí tỏ ra nghi ngại về tính khách quan cũng như những hệ lụy mà nó đưa lại...?


Mập mờ trong khái niệm "Chất lượng giáo dục cao"
Dự thảo có nêu: "Chất lượng giáo dục cao là chất lượng giáo dục được cam kết cùng với điều kiện thực hiện ở mức độ cao hơn so với mức độ đạt được tại thời điểm cam kết"; hoặc "Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục là các yêu cầu đối với nhà trường để đảm bảo chất lượng giáo dục". Như vậy, không ít người đặt câu hỏi: Vấn đề là các trường, lớp chất lượng cao này học theo chương trình nào? Có một chương trình riêng cho các trường, lớp chất lượng cao này hay vẫn học theo chương trình phổ thông hiện nay? Nếu theo chương trình phổ thông hiện nay thì các trường đạt chuẩn gần như 100% học sinh đều đạt khá giỏi rồi, tốt nghiệp cũng được 100% đấy thôi, thì còn mức nào cao hơn nữa?. Ông Nguyễn Hữu Danh- Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP. Hồ Chí Minh cho rằng: "Nếu có một chương trình riêng cho các trường, lớp chất lượng cao thì khái niệm chất lượng giáo dục được cam kết mà dự thảo đặt ra rất lập lờ. Một khi đã theo chương trình chất lượng cao thì phải thực hiện kết quả theo chương trình yêu cầu, chứ không phải theo cam kết". Đặc biệt, hiện nay, các nước tiên tiến, việc kiểm định đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục đều do các tổ chức đánh giá, kiểm định thực hiện để bảo đảm tính khách quan. Còn theo điều 5 dự thảo lại quy định: "Trường mầm non, phổ thông công lập được phép thực hiện chất lượng giáo dục cao khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, công nhận đã đạt yêu cầu theo quy định về tiêu chuẩn đánh giá nhà trường của Bộ GD&ĐT". Với một quy trình như vậy khi các cơ quan chủ quản các trường vừa là người cho phép vừa là người kiểm tra đánh giá- liệu có tránh khỏi cơ chế xin- cho, có "chạy" kiểm định?


Có biến trường công thành trường tư?
Theo dự thảo, việc ban hành quy định này nhằm: "Khuyến khích các trường phát huy khả năng đầu tư của gia đình học sinh để thực hiện chất lượng giáo dục cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ..."; "Mô hình giáo dục chất lượng cao được thực hiện đối với một số nhóm, lớp hoặc toàn trường. Dù việc thu phí chất lượng cao không nhằm mục tiêu lợi nhuận...". Nhưng ngay ở các nước giàu OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), phần đóng góp của người dân cho giáo dục cũng chỉ khoảng 20% so với ngân sách nhà nước chi cho giáo dục; trong khi ở nước ta tỉ lệ này đã vượt 40%, thậm chí ở TP.HCM, tỉ lệ này là 57%. Mà nhiệm vụ của nền giáo dục được ghi trong Luật Giáo dục tạo điều kiện để ai cũng có cơ hội học hành như nhau, không phân biệt giàu nghèo. Đặc biệt, Giáo dục công là phúc lợi xã hội nên nó phải được phục vụ một cách công bằng cho mọi người dân. Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- Nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: "Thông tư này là chưa ổn, đã sai từ gốc vì vậy không nên áp dụng trong hệ thống giáo duc ở nước ta. Bởi nếu áp dụng thì hệ thống giáo dục sẽ rối loạn, tạo ra nhiều điều bất lợi cho môi trường giáo dục. Với việc thu phí chất lượng cao trong trường công lập sẽ tạo sự mất công bằng trong giáo dục. Chủ trương lấy trường công biến thành trường chất lượng cao để tăng nguồn thu là vô lý, thiếu cơ sở khoa học và đi ngược lại nhiệm vụ của nền giáo dục đất nước".


Tóm lại, trường chất lượng cao hay giáo dục chất lượng cao. Tất cả đều tốt. Vấn đề mà mọi phụ huynh khi bỏ ra khoản tiền không nhỏ để cho con vào học trường "VIP", băn khoăn nhất là "tiền nhiều có đồng nghĩa với chất lượng giáo dục cao" hay rốt cuộc tất cả chỉ là trò "treo đầu dê bán thịt chó", "mập mờ đánh lận con đen".


Theo CL