Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

ĐBSCL:Thiếu trường chuẩn quốc gia


Xây dựng và phát triển trường đạt chuẩn quốc gia (QG) là một trong những mục tiêu và là nhiệm vụ cấp bách của các địa phương ở ĐBSCL. Hiện nay toàn vùng có 6.559 trường nhưng chỉ có khoảng 720 trường đạt chuẩn QG, con số này phản ánh thực tế là số trường chuẩn QG của vùng còn thấp hơn so với tiềm năng và nhu cầu phát triển trong tương lai...


Nỗ lực phát triển trường đạt chuẩn
Theo quyết định của Chính phủ, đến năm 2015 vùng ĐBSCL đạt 190 SV/vạn dân, trong khi thực tế tỉ lệ này hiện mới đạt 120 SV/vạn dân (trung bình cả nước hiện đạt hơn 200 SV/vạn dân). Chỉ còn khoảng 3 năm nữa để đạt số SV/vạn dân theo mục tiêu đặt ra nên đòi hỏi nỗ lực chung trong công tác giáo dục đào tạo của toàn vùng. Trong đó giáo dục phổ thông đóng vai trò nền tảng và hệ thống trường đạt chuẩn QG được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ sẽ cung ứng được nguồn nhân lực có chất lượng cho các trường ĐH, CĐ, TCCN...


Tính đến nay các tỉnh, thành ở ĐBSCL đã có kế hoạch hoặc đã ban hành đề án xây dựng trường chuẩn QG được chia theo giai đoạn đến năm 2015, 2020... Theo đó nguồn kinh phí cho các kế hoạch, đề án này cũng rất lớn vì đa số các trường xây dựng trước đây đã cũ, hầu như phải xây dựng mới hoàn toàn. Theo con số thống kê vào đầu năm học 2012 - 2013, toàn vùng ĐBSCL có 6.559 trường học, trong đó có 720 trường đạt chuẩn QG. Như vậy số trường đạt chuẩn QG của vùng hiện chỉ khoảng 11% trong khi đó nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của vùng trong thời gian tới là rất lớn.


Giờ dạy bằng bài giảng điện tử tại Trường mầm non Bán công Bông (Cao Lãnh - Đồng Tháp) Ảnh: T.L


Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm TP. Cần Thơ giai đoạn 2011 - 2015 thì tỷ lệ trường đạt chuẩn QG cấp học mầm non, mẫu giáo đạt 50%; TH đạt 60%, THCS đạt 50% và THPT đạt 33%. Tỉnh Vĩnh Long đang tập trung xây dựng trường đạt chuẩn QG với thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.


Tỉnh phấn đấu đến năm 2015 sẽ đầu tư xây dựng 43 trường học ở 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới gồm 15 trường mẫu giáo, 20 trường TH, 8 trường THCS đảm bảo đủ tiêu chuẩn quy định đạt chuẩn QG. Tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 106 trường được công nhận đạt chuẩn QG. Trong đó có 12/124 trường mầm non; 69/303 trường TH; 23/107 trường THCS và 2/31 trường THPT.


Tỉnh phấn đấu đến cuối năm học 2012 - 2013 sẽ có thêm khoảng 20 trường học các cấp học sẽ đạt chuẩn QG. Tỉnh Bến Tre có 126/529 trường đạt chuẩn QG, trong đó có 20 trường mầm non, mẫu giáo, 62 trường TH, 38 trường THCS, 5 trường THPT và 1 trường phổ thông nhiều cấp học...


Trường chuẩn quốc gia ở nội ô - không dễ!
Trường THCS Lê Quí Đôn, TP. Vĩnh Long có diện tích khoảng 3.000m2, số lượng HS của trường là 2000. Tính ra mỗi HS chỉ có diện tích 1,5m2, trong khi đó theo quy định trường đạt chuẩn QG ở khu vực thành thị là 6m2/HS. Còn trường TH Hùng Vương nằm trên diện tích đất hẹp, hiện tại trường xây dựng 4 tầng với diện tích 705m2.


Đây là trường điểm, nằm ở trung tâm TP. Vĩnh Long nên số lượng HS khá đông, 20 lớp với 940 HS (trung bình mỗi lớp hơn 40 HS, diện tích chưa tới 1m/HS) nên trường cũng vướng tiêu chí về diện tích... Vấn đề đặt ra khá nan giải là trường đã đạt các tiêu chuẩn khác nhưng chỉ vướng tiêu chí diện tích nên chuyện đạt chuẩn QG phải tạm gác lại để tìm giải pháp...


Theo quy định để đạt chuẩn QG, nhà trường phải đạt 5 tiêu chuẩn: Tổ chức và quản lý; Xây dựng đội ngũ giáo viên; Xây dựng cơ sở vật chất; Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục; Hoạt động và chất lượng giáo dục. Không ít trường đã nỗ lực để đạt chuẩn QG nhưng chỉ vì vướng một tiêu chí mà không thể đạt chuẩn được.


Ngoài khó khăn đặc trưng ở ĐBSCL như vùng trũng, vùng thấp, nền đất yếu nên chi phí đầu tư xây dựng cao hơn so với vùng khác thì vấn đề khó nhất mà các trường gặp phải là xây dựng cơ sở vật chất. Đôi khi đây là vấn đề nan giải cho nhà trường, đặc biệt là các trường ở khu vực nội ô.


Một hiệu trưởng trường THCS ở TP. Vĩnh Long cho biết, nhà trường chỉ còn vướng tiêu chí về sân chơi, bãi tập cho các em HS. Hiện nay đất ở đô thị là đất vàng, chuyện mở rộng diện tích trường xem như vấn đề nan giải, còn chuyện giải tỏa, đến bù càng nan giải hơn.


Qua tìm hiểu có không ít trường ở nội ô cũng đang vướng phải rào cản lớn trong xây dựng trường đạt chuẩn QG là diện tích. Trường diện tích nhỏ có thể xây nâng tầng thì đủ phòng học, phòng chức năng nhưng sân chơi, bãi tập thì không thể làm được... Diện tích nhà trường nhỏ hẹp, không thể mở rộng thêm nhưng số lượng HS ở nội ô thường rất đông nên sẽ gây áp lực không nhỏ cho các trường. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn QG ở các địa phương ĐBSCL trong thời gian qua.


Ông La Công Tâm - Phó GĐ Sở GD& ĐT An Giang cho biết, việc xây dựng trường chuẩn QG ở An Giang gặp khó khăn chủ yếu về cơ sở vật chất và tỉ lệ HS bỏ học. Ở thành phố, thị xã, thị trấn thì gặp khó khăn về diện tích đất để xây dựng trường. Còn ở vùng nông thôn, vùng biên giới ngoài khó khăn về cơ sở vất chất còn gặp khó khăn về chất lượng giáo dục, nhiều trường vùng biên còn phải đối diện với tình trạng HS bỏ học...


Áp lực HS và diện tích của các trường học ở nội ô là vấn đề đặt ra cần tập trung tìm giải pháp trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề này không chỉ riêng của ngành giáo dục mà cần sự chung tay của các cấp, ngành để giải quyết.


Có thể thấy rằng một khi hệ thống trường, lớp được đầu tư, xây dựng, đảm bảo đạt chuẩn sẽ góp phần quan trọng trong phát triển giáo dục đào tạo và đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực của vùng... Đầu tư xây dựng trường cận chuẩn để đạt chuẩn, đặc biệt là xây dựng trường chuẩn QG ở vùng ven để giảm áp lực HS cho các trường nội ô xem như là một trong những giải pháp để các địa phương phát triển vững mạnh hệ thống trường đạt chuẩn QG trong thời gian tới...

 

Theo GD&TĐ