Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dị ứng đầu đời


Hoá chất và bụi bẩn là thủ phạm khiến bé yêu nhà bạn bị mắc dị ứng. 

Vì sao bé dị ứng?

Khi bé tiếp xúc với chất gây dị ứng như sờ tay vào, hít thở, ăn hay bị nhiễm chất đó, cơ thể bé sẽ xem các chất này như là kẻ xâm lăng nguy hiểm và phóng thích hixtamin, cùng các chất hóa học khác để chống lại nó. Các hoá chất này sẽ kích thích cơ thể bé và gây nên các triệu chứng như chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa, và ho. Những triệu chứng này có thể chỉ thoảng qua, nhưng cũng có khi xảy ra liên tục (theo mùa chẳng hạn). Nghiêm trọng nhất là tình trạng sốc quá mẫn, trường hợp khẩn cấp với các biểu hiện như khó thở, sưng tấy, có thể đe dọa tính mạng. 


Có rất nhiều thủ phạm trong môi trường sống gây nên dị ứng. Chiếm đến 85% trường hợp gây dị ứng là bụi. Lông chó, mèo hay các loại ký sinh trùng của các loại động vật này cũng là thủ phạm hay gặp khác. Phấn hoa từ cây, cỏ cũng có thể gây dị ứng cho một số trẻ. Và nấm mốc có trong những nơi ẩm ướt như phòng tắm, tầng hầm, hoặc nơi có không khí ẩm ướt là nguyên nhân đáng sợ khác. Một số trẻ khác còn dị ứng với gối dạ, chăn len, khói thuốc lá, cao su. 

Dị ứng có thể đến từ di truyền. Nếu bạn bị dị ứng thì bé tất nhiên cũng “lĩnh hội” 40-50% dị ứng. Khả năng mắc bệnh của bé tăng tới 75-80% khi bố mẹ đều có cơ địa dị ứng.

Cách phòng tránh 

Trẻ suyễn nhũ nhi dễ mắc dị ứng.
Do cơ địa dễ “sụt sùi” khi bị suyễn, trẻ mắc chứng suyễn nhũ nhi dễ dị ứng khi ăn các thức ăn có chất tanh như hải sản, trứng hoặc gặp thời tiết ẩm, lạnh, giao mùa. Vì vậy bạn cần giữ ấm cho trẻ và hạn chế cho bé ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng.

Bé thường tiếp xúc nhiều nhất với bụi ở phòng ngủ, nơi mà nệm và gối là ẩn hoạ nhiều nhất. Vì thế , mỗi khi ngủ dậy hãy bọc nệm của con trong một vỏ bọc bằng vải dệt kín để đảm bảo bụi không thể xuyên qua được. Hạn chế dùng chăn bông hay chất liệu lông bám bụi. Sử dụng mền thay thế. Tuần một lần, hãy giặt đồ trên giường với nước nóng để diệt hết bụi bẩn. Và nhớ luôn để độ ẩm ở phòng khoảng 120-125 độ F hoặc giữ cho phòng khô thoáng.

Bạn cũng nên tránh chồng chất thú nhồi bông trong phòng bé vì đó chính là tổ của bụi bẩn. Hãy làm sạch đồ chơi, đồ vật yêu thích của con bằng nước nóng hàng tuần và cất giữ chúng ở nơi có máy lạnh suốt đêm để khử bụi.
Đừng quên quét bụi và hút bụi hàng tuần. Lau nhà bằng khăn ẩm. Loại bỏ thảm ra khỏi phòng và thay thế bằng sàn gỗ hay sàn nhựa. 

Ngoài ra, bạn cũng nên nhớ làm sạch hoặc thay thế lưới lọc trong máy điều hoà hàng tháng. Dùng máy điều hoà và máy hút ẩm để làm khô phòng khi trời nồm. Với những biện pháp nhỏ giữ môi trường khô thoáng, bạn sẽ ngăn ngừa được một phần lớn những tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến chất lượng sống của bé.

Theo GDT