Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thất hứa còn 'tét đít' con


Buổi sáng, bố bảo Chíp còi (gần 4 tuổi): ‘Chip ăn hết phở rồi chiều bố cho ra công viên mua bờm công chúa’. Chíp khoái chí: ‘Vâng ạ’ rõ to. Đến chiều thấy bố dắt xe máy, Chíp nhanh nhảu leo lên liền bị bố phát vào tay: ‘Ở nhà, không đi đâu hết’. Xong bố phóng vù xe đi mất làm Chíp lăn xuống đất gào khóc.

Minh Anh (mẹ bé Chíp) chia sẻ: ‘Bố Chíp thất hứa với con gái vì có mấy ông bạn đột xuất rủ đi uống bia”. Hôm đó thấy con gái vừa khóc vừa đòi đi tìm bố, dỗ mãi không được nên Minh Anh “tét” cho con mấy cái vào mông rồi quát tháo om sòm. Bà nội phải ra dỗ cháu rồi trách: “Ai bảo cứ hứa với nó làm gì. Trẻ con nó nhớ dai lắm”.

Bản thân Minh Anh nhiều khi cũng thích “hứa chơi” hoặc hứa này nọ để dụ con ăn hết cơm. Có lần, thấy Chíp đòi ăn sữa chua trước giờ ngủ trưa nên Minh Anh dỗ: “Ngủ dậy rồi mẹ đưa đi mua sữa chua”, Chíp hăm hở nghe lời mẹ ngay. Tuy nhiên đến lúc ngủ dậy, Minh Anh bảo con ngồi xem hoạt hình để mẹ chuẩn bị nấu cơm thì Chíp khóc đòi mua sữa chua. Thế là Chíp bị mẹ mắng và “tét đít” vì cái tội: “Mẹ đang bận mà cứ ‘lèo nhèo’”.

“Lúc ấy mình cũng quên khuấy là đã hứa mua sữa chua cho con. Mãi tới tối mới nhớ ra lại thấy hối hận, xót con nên chạy tới ‘nịnh nọt’: ‘Đi mua đồ với mẹ không Chip’ khiến ‘nàng ta’ hớn hở lắm” – Minh Anh tâm sự.

Cùng tâm trạng có con nhỏ như Minh Anh, Hằng (quận 1, TPHCM) cho biết: “Nhiều khi cu Ken nhà mình bị mẹ ‘uýnh’ oan vì trót hứa với con rồi quên mất”. Bé Ken năm nay lên 3, thông minh, nghịch ngợm. Bình thường Ken khá ngoan, thỉnh thoảng mới đòi mẹ mua bimbim hay bánh, kẹo cho nhưng nếu bị mẹ từ chối, Ken cũng hiếm khi ăn vạ.

Có lần Hằng đón con từ lớp về thì thấy con cứ ngẩn người vì đi qua hàng bán bóng. Cu cậu có vẻ khoái quả bóng có hình con cá heo. Vì không còn tiền lẻ nên Hằng bảo: “Mai có tiền lẻ mẹ mua bóng cho”, Ken ngoan ngoãn leo lên xe để mẹ chở về nhà.

Ngày hôm sau đón con, Hằng quên khuấy lời hứa hôm qua. Cu Ken chạy ào tới hàng bóng đòi mẹ mua thì Hằng nổi cáu: “Đi về, không bóng gì hết” khiến cu Ken ngoác miệng gào khóc rồi ho sặc sụa, mặc mẹ kéo thế nào cũng không chịu về.

“Lúc đó nóng quá, mình vớ được cái que bên vệ đường nên quất cho cu con vài cái vào bắp chân. Tối về nhà thấy chân con còn vằn đỏ mà hối hận, chợt nhớ là tại mình hứa với con mà quên, chứ không phải do con vòi vĩnh” – Hằng kể.

Để “chuộc tội” nên hôm sau, Hằng mua một quả bóng cho con trai, kèm lời xin lỗi và giải thích là hôm qua mẹ thất hứa nên mới cáu với con.

Đừng đánh oan con vì thất hứa

Chuyện cha mẹ hứa với con rồi quên hoặc chuyển sang làm việc khác không phải hiếm gặp. Người lớn có thói quen để tâm tới những việc quan trọng khác thay vì chú ý giữ đúng lời hứa với con. Cộng thêm tâm lý: “Ôi trẻ con mà, làm sao nó nhớ được” hoặc nghĩ các bé sẽ quên cha mẹ hứa gì với mình hôm qua, ban sáng hay lúc nãy… nên chuyện thất hứa với các bé là chuyện thường tình.

Thậm chí nhiều cha mẹ biết là thất hứa với con nhưng vẫn quát mắng, tét đít con mà không chịu nhận lỗi với con. Điều này không phải cách dạy con hiệu quả, bé có thể thấy ấm ức vì bị oan hoặc không hiểu sao cha mẹ lại nổi cáu với mình… Bé còn nhỏ nên cũng chưa thể giải thích rõ là: “Hôm qua mẹ hứa mua bóng cho con” hoặc “Lúc sáng, bố hứa cho con đi công viên” nên chỉ biết phản ứng bằng quấy khóc, ăn vạ khiến cha mẹ càng dễ bực mình.

Bởi thế nên cha mẹ hãy cẩn trọng khi hứa với con. Đừng hứa vu vơ hoặc hứa để dụ bé ngoan… rồi sau đó lại bỏ đấy. Nếu đã hứa với con chuyện gì thì nên để tâm. Một khi vì lý do nào đó mà thất hứa thì cũng nên xin lỗi và giải thích cho bé. Có thể nghĩ cách nào đó để “đền bù” cho bé sau đó. Như vậy cha mẹ mới là tấm gương tốt và cũng là cách giúp bé bớt ăn vạ, ương bướng và ngoan hơn.

Theo Mevabe