Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những điều bất ngờ


Sau lần phát hiện người giúp việc gian dối, tôi buộc phải cho cô ta nghỉ, chờ tìm người mới. Quãng thời gian đó thật sự nan giải. Tôi buộc phải bỏ bớt công việc hùn hạp làm thêm buổi tối, cũng không thể tự do ghé chỗ này chỗ nọ, dành thời gian đón và chăm sóc bọn trẻ vào buổi chiều. Từ những ngày khởi đầu không mong muốn đó, tôi mới phát hiện bao điều bất ngờ.


Dù tôi ở nhà, con trai nhỏ cũng ít gần gũi mẹ. So với những đứa trẻ cùng lứa, bé hay bệnh vặt, chậm lớn và tính tình có phần nóng nảy, thất thường. Đứa con gái lớn thì hay hờn dỗi, mỗi chút mỗi xụ mặt, có việc gì cũng đi méc ba mẹ mà ít biết tự xử lý. Tôi phát hoảng khi thấy con mình có thói quen xem ti vi vào mỗi chiều tan học cho đến tận giờ đi ngủ. Bé học kém, đã lên lớp 2 nhưng đọc vẫn phải đánh vần, làm toán thì thường sai sót. Lâu nay, tôi phó việc học của con cho cô giáo dạy thêm, kèm theo cái phong bì hàng tháng và đôi ba cuộc điện thoại hỏi thăm, tự coi như vậy là đầy đủ. Những chiếc răng đang tuổi thay của con gái mọc ra vô trật tư, hơi thở không mấy thơm tho vì Ôsin ít để ý vệ sinh miệng cho bé.


Buổi sáng, tôi soạn cặp cho con, thấy mình lóng ngóng. Những buổi tối loay hoay dỗ con ngủ, tôi thật sự không biết cả các thói quen của con là như thế nào. Con trai giờ lên bốn mà vẫn phải ngậm ti giả mới chịu nằm yên. Chúng sợ bóng tối, vì Ôsin cũ thường hù dọa để bọn trẻ chịu lên giường, rồi nơm nớp ngủ quên.


Tôi vào bếp rồi ngỡ ngàng nhớ ra, lâu nay hầu như không nấu món gì ngon bổ cho con, chỉ thi thoảng mang về vài thức mua sẵn ngoài đường, hối thúc con ăn, là tưởng tạm yên lòng.


Tôi thành thật thú nhận với chồng những thứ chênh vênh ngay trong mái nhà mình, mà vì mải mê bên ngoài cả hai không nhận ra. Chồng giật mình bảo, ừ lâu lắm rồi hình như cũng không đưa con đi công viên hay đi bơi gì cả, có chăng là đến khu vui chơi rồi mặc con xoay xở với chị giúp việc, còn mình tranh thủ cà phê giải quyết công việc. Để giờ nhìn lại, hai vợ chồng tôi cũng đâu có giàu có hoặc thành công gì đặc biệt, nhưng thời gian và sự quan tâm dành cho gia đình bấy lâu nay hầu như đã vô tâm phó mặc cho người giúp việc.


Biết sai thì phải sửa. Cả hai vợ chồng thống nhất phải "giành" lại con. Bọn nhóc mừng rỡ khi ba mẹ thường xuyên ở nhà, được chăm chút hỏi han, được "chỉ" cho ba mẹ cách làm cái này cái nọ đúng ý như người giúp việc thường làm. Tôi nhận ra, con tôi thích được khen ngợi, khích lệ hơn là bị mẹ quát mắng theo thói quen. Tôi hiểu con gái rất tình cảm và yếu đuối, nhưng tính tình cũng cương quyết, đã nhận làm gì "giúp mẹ" là phải làm cho bằng được.


Bắt đầu là những lời ngọt ngào để dụ con phụ mẹ một tay, như dọn đồ chơi sau khi xả hàng, là tự xúc ăn, là "con gái lớn thật ngoan giỏi nhớ trông em giùm mẹ xíu nhé", là tự lấy sữa uống, là mang quần áo bỏ vào sọt đồ dơ, là xếp gối lại sau khi thức dậy... chẳng hạn.


Nghe thì cực kỳ đơn giản, ai cũng biết. Nhưng có trải qua thời kỳ dài không tự mình... chinh chiến, hầu như vợ chồng tôi phải làm lại từ đầu, làm quen lại với chính con mình, thắp lại những cảm giác bình thường ngay chính trong mái nhà của mình. Những niềm vui be bé mang ý nghĩa thật vô bờ. Nhìn mấy cha con xúm xít quanh chậu hoa và rau nho nhỏ lên mầm, nhìn nét mặt con hớn hở chờ món ăn mẹ nấu, nhìn cảnh nhà sum vầy ấm cúng, nghe giọng con trẻ khoe này kể nọ, thật hạnh phúc vô cùng.


Bây giờ khi không còn quá lệ thuộc vào Ôsin nữa, cả nhà có thể cùng nhau "xử lý" gọn gàng, tôi mới biết sợ khoảng thời gian cả hai vợ chồng cùng "buông tay". Cũng may là chưa quá muộn.


Theo PN