Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thi tuyển vào lớp tăng cuờng tiếng Anh cấp tiểu học: Nên hay không?


Để được vào lớp 1 bán trú có chương trình tăng cường tiếng Anh bậc tiểu học, các bé phải thi. Kỳ thi diễn ra vào tháng 7 vừa qua đã gây dư luận về chuyện học tiếng Anh của học sinh nhỏ tuổi. Năm nay, có đến 21 quận, huyện mở lớp tăng cường tiếng Anh để thu hút học sinh. Năm học 2004-2005 có 7.580 em đi thi nhưng chỉ một nửa số này được tuyển cho 143 lớp, với sĩ số 30 - 35 em/lớp. Thực tế cho thấy, đang có khuynh hướng cho con trẻ học tiếng Anh làu thông hơn tiếng Việt, trong đó có một nguyên nhân khách quan là các cháu được xem phim hoạt hình, hát, múa, nghe kể chuyện... theo kiểu học mà chơi, chơi mà học khi học tiếng Anh. Chương trình học lại mới lạ hơn nhiều. "Chúng tôi sẽ suy nghĩ thêm để có sự giao lưu giữa chương trình tiếng Anh và tiếng Việt, khuyến khích các trường đổi mới phuơng pháp giảng dạy môn tiếng Việt, vì ở cấp mầm non các em học rất vui nhưng khi lên tiểu học thì chương trình và phương pháp giảng dạy chưa phong phú" - bà Nguyễn Hoa Mai, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết. Tuy nhiên, mặc dù các nhà quản lý ngành giáo dục cho rằng đây không phải là thi tuyển vào lớp l, mà chỉ là khảo sát, trắc nghiệm năng khiếu, nhưng nếu trắc nghiệm đúng nghĩa, e rằng số trẻ có năng khiếu bẩm sinh về tiếng Anh không nhiều. Do vậy, các cô, cậu bé vẫn phải ngày đêm đến các lò luyện thi để "trau dồi'' tiếng Anh. Chị Cao Thị Ánh Trúc, nhà ở đường Bàn Cờ, quận 3, than thở: "Tôi cho cháu học luyện thi từ tháng 9 của năm học lớp lá. Học phí 200.000 đồng/tháng, tuần học hai buổi thứ bảy, chủ nhật ở trường L.N.H. Lúc sắp thi, cô giáo có cho đề cương ôn tập, nhưng đề thi năm nay quá khó so với tụi nhỏ". Một số vị hiệu trưởng các trường tiểu học có lớp tăng cường tiếng Anh các quận: 1, 3, 5, 11... cũng cho rằng, ra đề thi năm nay là Sở GD-ĐT TPHCM nên đòi hỏi các em có một chút... nhanh nhạy (?!) Một hiệu trưởng trường mẫu giáo cho rằng: ''Hiện nay có nhiều bé ngay từ mẫu giáo đã được phụ huynh cho tiếp xúc với môn Anh văn. Mình không dạy thì các trung tâm khác cũng dạy''. Trong khi đó, chương trình thi Anh văn dành cho thiếu nhi của Trường Đại học Cambridge (Anh) nhiều năm qua cũng chỉ dành cho trẻ từ 7 đến 12 tuổi. Nghiên cứu của Hội đồng Thi tiếng Anh của ĐH Cambridge cũng cho thấy, lứa tuổi 6 - 12, nhận thức của trẻ về tiếng mẹ đẻ chưa đầy đủ nên trẻ cũng khó tiếp nhận một ngôn ngữ khác. Do vậy, kỳ thi tiếng Anh dành cho học sinh nhỏ tuổi chỉã nên là một "kỳ thi'' không có đậu hay rớt. Tất cả các thí sinh đều nhận được kết quả ghi số điểm đánh giá mức độ bài làm của mình. Nói cách khác kết quả mà thí sinh nhận được nhằm biểu dương những gì các cháu đã đạt được chứ không thể gây cảm giác ức chế, sợ hãi vì những gì không làm được. Chương trình tăng cường tiếng Anh cho học sinh tiểu học quả có đáp ứng nhu cầu của nhiều bậc phụ huynh, nhưng nên chăng bắt đầu từ lớp 2 hoặc lớp 3, khi các em đã có một vốn liếng kha khá về tiếng Việt. Và năng khiếu thực sự của những mầm non sẽ được phát hiện một cách tự nhiên trong các lớp học này qua các tiết học ngoại ngữ chứ không cần phải qua kỳ thi tuyển gây sự căng thẳng cho các em. Hiện nay, gia đình và thầy cô đã cố "nặn ra" năng khiếu cho con em mình bằng cách bắt các cháu chạy đua vào nhiều lớp học thêm, dạy trước chương trình học, và sau đó chen nhau vào cánh cửa hẹp của kỳ thi tuyển được mang tên "khảo sát, trắc nghiệm". Liệu các nhà giáo dục và quản lý giáo dục có biết việc trực tiếp hoặc gián tiếp khuyến khích dạy trước, học trước là trái với quy định, chủ trương của Bộ GD-ĐT. Theo PNCN