Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Để trẻ luôn hào hứng với thức ăn


Ở Úc, cứ 10 vị phụ huynh thì đến 8 người luôn phải lo ngại về thói quen ăn uống của con mình, và 1/3 trong số họ sợ rằng đứa trẻ không ăn đủ lượng cần thiết.


Bạn đã tốn không ít thời gian bóc vỏ, cắt, hấp, nghiền nhừ các thể loại rau củ quả tươi ngon cho bé yêu của mình. Thế nhưng thiên thần nhỏ của bạn lại cương quyết quay mặt đi, nhăn nhó từ chối món ăn mà bạn đã hết lòng chuẩn bị.


Nếu tình trạng này chính là nỗi khổ tâm mà bạn vẫn đang ngày ngày phải đối mặt, thì hãy biết rằng không chỉ có con bạn mới "khó ăn" như vậy. Ở Úc, cứ 10 vị phụ huynh thì đến 8 người luôn phải lo ngại về thói quen ăn uống của con mình, và 1/3 trong số họ sợ rằng đứa trẻ không ăn đủ lượng cần thiết.


Dưới đây là 10 mẹo dễ áp dụng để khuyến khích con bạn sớm chấp nhận những loại thức ăn mới và thích thú với mỗi bữa ăn.


1. Không bỏ cuộc
Khi bé yêu lần đầu tiên từ chối một món ăn mới, điều này không có nghĩa là bé không thích nó. Có thể bạn phải thử cho bé ăn đến lần thứ 10 thì bé mới có dấu hiệu chấp nhận, vì vậy, đừng vội bỏ cuộc.


2. Cho ăn từng món một
Đừng khiến con bạn choáng ngợp với một núi đồ ăn lạ hoắc. Hãy kiên nhẫn và tập cho bé ăn dần dần từng món một.


3. Chọn lúc bé thư giãn
Khi trẻ đang mệt thì sẽ thiếu hào hứng và khó "mở lòng" để đón nhận một thực đơn mới. Vì vậy, đừng bao giờ cho bé ăn thử món mới vào thời điểm cuối ngày.


4. Chú ý nhiệt độ
Cũng như nước tắm của bé, các món ăn luôn phải ở mức nhiệt độ vừa phải. Nếu bé bị bỏng miệng, đương nhiên bé sẽ từ chối việc thử món mới trong một khoảng thời gian dài.


5. Cho bé ăn món có vị nhạt
Bạn có thể thấy món ăn dành cho bé thật nhạt nhẽo, nhưng đừng cố thêm gia vị để khiến chúng đậm đà hơn vì trẻ em thích ăn nhạt.


6. Nên dùng 2 chiếc thìa
Trong khi cho con ăn, hãy cho bé cầm thêm một chiếc thìa. Trẻ luôn thích học cách sử dụng thìa, và trong khi bé mải tìm cách đưa thìa lên miệng thì bạn có thể đút thức ăn vào miệng con một cách dễ dàng hơn và không hề gây sự chú ý nào.


7. Nếu thìa không hiệu quả, cho bé dùng tay
Trẻ em thích được chạm vào đồ vật, vì vậy cho bé tự ăn bằng tay là một cách khá hiệu quả để chúng quen với món ăn. Hãy để cho bé tóm lấy, nắm chặt và chơi với chúng một cách thoải mái. Bạn chỉ cần chú ý thái thức ăn thành miếng đủ lớn để bé có thể nắm chặt được trong tay mình.


8. Cho ăn bằng miếng bé
Nếu bạn đút quá nhiều thức ăn, trẻ sẽ cảm thấy choáng ngợp. Một lượng nhỏ bằng thìa cà phê hay thậm chí chỉ bằng một chút thức ăn quệt lên đầu ngón tay sẽ khiến bé dễ ăn hơn là một thìa thức ăn to đầy ụ.

Cho trẻ ăn từng miếng nhỏ sẽ dễ dàng hơn cho cả mẹ lẫn bé


9. Tuân thủ các quy tắc

Trẻ dưới 5 tuổi dễ mắc nghẹn nên bạn phải tránh các loại hạt. Động vật có vỏ tiềm tàng nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các loại trứng phải được nấu kỹ và chỉ dành cho trẻ trên 12 tháng tuổi. Bạn có thể cho bé ăn cá và các loại hải sản khoảng 2 - 3 lần/tuần. Tuy nhiên, do có lượng thủy ngân khá cao, nên các loại cá mập, cá kiếm, cá cờ chỉ nên ăn cách bữa 2 tuần 1 lần, còn các loại cá rô biển, cá trê thì áp dụng theo thực đơn 1 lần/tuần nếu trong khoảng thời gian đó bạn không cho bé ăn bất cứ loại cá nào khác. Hãy chú ý tìm hiểu kỹ thông tin để nắm được các loại thức ăn cùng định mức an toàn cho con bạn và áp dụng một cách chuẩn xác nhất.


10. Đừng sợ con bị bẩn
Bạn cứ để bé thỏa thích ăn uống, một chút thức ăn dính vào quần áo không đáng lo ngại bằng việc bé chán ăn. Vì vậy, hãy giữ cho bữa ăn của bé cũng như sàn nhà của bạn được gọn gàng và sạch sẽ nhất có thể bằng cách đặt một tấm lót nilon hoặc nhựa ở dưới ghế ăn của con để hứng lấy những thực phẩm rơi vãi.


Đây không chỉ là phương pháp "bát sạch ngon cơm" mà còn là một giải pháp khiến bạn đỡ mệt mỏi khi phải lau dọn nhà cửa sau "trận chiến tập ăn" với thiên thần của mình.


Theo afamily