Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non "Tăng cường Khả năng Sẵn sàng Đi học Cho trẻ Mầm non" (SRPP) là Dự án hỗ trợ thực hiện chương trình của Chính phủ về phổ cập Giáo dục Mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi thông qua việc tập trung cụ thể vào nhu cầu của những trẻ em thiệt thòi nhất và cải thiện mức độ sẵn sàng đi học của trẻ, trong đó đặc biệt chú trọng trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS).
Dự án nhằm "tăng cường khả năng sẵn sàng đi học tiểu học của trẻ em 5 tuổi, đặc biệt cho những trẻ dễ bị tổn thương nhất khi không thành công trong môi trường học tập, thông qua hỗ trợ một số cấu phần lựa chọn trong chương trình GDMN của Việt Nam". Mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua các biện pháp dự kiến sẽ làm tăng số trẻ em đi học mầm non và được thụ hưởng chất lượng giáo dục và chăm sóc tốt hơn. Mục tiêu trung gian là tăng tỷ lệ số trường mầm non được chứng nhận đạt chuẩn kiểm định mức độ 1, mức cơ bản trong hệ thống tiêu chuẩn chất lượng mầm non, và tăng tỷ lệ trẻ đi học mầm non 2 buổi/ngày của trẻ 3-5 tuổi.
Dự án này được cấu trúc thành 2 hợp phần. Hợp phần 1: Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn (95 triệu đô-la Mỹ) sẽ đồng tài trợ cho chương trình mầm non của Chính phủ. Hợp phần này sẽ hỗ trợ các hoạt động tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non thông qua mở rộng việc học 2 buổi/ngày tại trường mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi nâng cao chất lượng các trường mầm non tại các tỉnh thành tham gia đạt chuẩn mức độ 1 theo hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chất lượng mới, và tăng cường năng lực, chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý.
Hợp phần 2 sẽ hỗ trợ việc xây dựng năng lực cần thiết cho việc triển khai và giám sát hiệu quả dự án và đóng góp vào đẩy mạnh phát triển chính sách GDMN(5 triệu đô-la Mỹ), do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thực hiện.
Dự án SRPP nhắm tới đối tượng hưởng lợi là trẻ em trong độ tuổi từ 3-5 tuổi, giúp tập trung nguồn lực và sự quan tâm tới những trường mầm non không đủ khả năng cung cấp các dịch vụ mầm non chất lượng theo nội dung của Chương trình giáo dục mầm non mới cho trẻ em có hoàn cảnh dễ tổn thương nhất. Những trường mầm non này thường nằm trong những khu vực chịu nhiều bất lợi, có tỷ lệ lớn trẻ em Dân tộc thiểu số, trẻ em có bố mẹ ít được đi học và thuộc những hộ gia đình nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương về khả năng sẵn sàng đi học.
Theo GD&TĐ |