Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phát triển năng lực CBQLGD trong thời kỳ mới


Việc phát triển năng lực lãnh đạo và quản lý GD&ĐT cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) trong thời kỳ mới, hiện đã trở thành một nhu cầu cấp thiết.


Các cán bộ quản lý giáo dục quận 1 TP.HCM thảo luận về vai trò của hiệu trưởng trong đổi mới phương pháp dạy và học


Những tồn tại

Đa số CBQLGD có vị trí đảm nhiệm trước khi được bổ nhiệm là giáo viên, hầu hết chưa được đào tạo, bồi dưỡng về lãnh đạo và quản lý trường học trước khi bổ nhiệm; tỷ lệ CBQLGD tham dự các chuyên đề bồi dưỡng về QLGD chưa cao, đặc biệt là CBQL giáo dục mầm non, phổ thông. Đó là một trong những kết quả có được từ cuộc khảo sát thực trạng đội ngũ CBQLGD triển khai quyết định 09, thí điểm đánh giá Hiệu trưởng THPT, THCS theo chuẩn và một số nghiên cứu gần đây.


Cũng theo khảo sát này cho thấy, chất lượng, hiệu quả làm việc của đội ngũ CBQLGD chưa được đánh giá cao, đặc biệt là năng lực xây dựng tầm nhìn chiến lược của CBQLGD (chỉ có 80,8% CBQL trường phổ thông, 77% CBQLGD Mầm non, 76,1% CBQL Phòng, Sở GD được đánh giá là có kế hoạch dài hạn).


Theo PGS.TS. Đặng Thị Thanh Huyền - Học viện Quản lý Giáo dục, trình độ và năng lực của đội ngũ CBQLGD hiện nay chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, tính chuyên nghiệp chưa cao; nhận thức về nội dung và phương pháp quản lý Nhà nước, quản lý chuyên môn nghiệp vụ GD&ĐT còn yếu. Đa số CBQLGD chưa được đào tạo có hệ thống về quản lý, làm việc dựa vào kinh nghiệm cá nhân, tính chuyên nghiệp thấp. Năng lực điều hành, quản lý của một bộ phận CBQLGD còn bất cập trong công tác tham mưu, xây dựng chính sách, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và thực thi công vụ. Kiến thức về pháp luật, về tổ chức bộ máy, về quản lý nhân sự, nhất là về quản lý tài chính còn nhiều hạn chế dẫn đến lúng túng trong thực thi trách nhiệm và thẩm quyền, đặc biệt khi được Nhà nước phân quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Phần lớn CBQLGD còn bị hạn chế về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin.


Xây dựng mới chương trình bồi dưỡng CBQLGD
Thực hiện Chiến lược phát triển GD&ĐT, trong đó đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, các địa phương chú trọng công tác bồi dưỡng CBQLGD. Đặc biệt, là một số chương trình quan trọng được triển khai gần đây như: Chương trình liên kết Việt Nam - Singapore; chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý các trường ĐH, CĐ; các chương trình nâng cao năng lực quản lý của các dự án phát triển GD&ĐT...


Ngày 20/1/2012, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định số 382/QĐ-BGDĐT về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Chương trình mới được thiết kế theo định hướng tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách nhất về lãnh đạo và quản lý GD&ĐT. Bên cạnh nội dung lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn được khái quát hóa cho từng đối tượng người học, cho từng vùng miền, người học còn được yêu cầu phải hoàn thành một đề án đổi mới cho cơ quan, trường học nơi mình đang công tác, dưới dự hỗ trợ, tư vấn, giám sát và đánh giá của các cơ quan quản lý cấp trên thực tiếp của người học. Với chương trình này, học viên sẽ có 8 tuần học tập trung tại cơ sở đào tạo và 3 tuần thực tế, viết thu hoạch/tiểu luận tại địa phương cùng 1 tuần đánh giá và tổng kết khóa học tại cơ sở đào tạo. Chương trình mới chính là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần phát triển năng lực lãnh đạo và quản lý GD&ĐT cho đội ngũ CBQLGD trong thời kỳ mới


Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức hội thảo tập huấn quy mô toàn quốc để triển khai thực hiện Quyết định 382 với những nội dung chính: quán triệt Quyết định số 382/QĐ-BGDĐT; phương pháp tổ chức biên soạn và phát triển tài liệu; cách thức tổ chức bồi dưỡng; các vấn đề liên quan đến công tác bồi dưỡng CBQLGD trong thời gian tới.


Theo GD&TĐ