Bộ GD&ĐT: Tổng kết năm học 2005-2006 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2006 – 2007 Ngày 31-7, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị tổng kết năm học 2005 – 2006 và triển khai nhiệm vụ năm học 2006 – 2007. Hội nghị tập trung những báo cáo của Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình năm học, tổng kết, đánh giá việc thực hiện những nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành trong năm học 2005 - 2006 và xác định nhiệm vụ trọng tâm về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên năm học tới. Chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai, Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng, Thứ trưởng Nguyễn Tấn Phát, Thứ trưởng Nghiệm Đình Vy; cùng đại diện Sở Giáo dục& Đào tạo của 64 tỉnh thành trong cả nước và các đại diện ban ngành chức năng có liên quan.
Đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2005 – 2006 trong giáo dục mầm non, theo báo cáo: Về đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Bộ đã chỉ đạo thực hiện thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới ở 20 tỉnh, thành phố; bước đầu nghiên cứu , xây dựng chuẩn phát triển trẻ lứa tuổi mầm non, thực hiện đổi mới gắn giáo dục mầm non với giáo dục phổ thông. Về mạng lưới trường lớp, thực hiện phổ cập giáo dục, tiếp tục phát triển quy mô. So với năm học trước, năm học 2005 – 2006, cả nước có 11.009 trường mầm non, mẫu giáo (tăng 5,3%), tuy nhiên ở những tỉnh thuộc địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn còn thiếu nhiều trường lớp, phòng học. Số học sinh mầm non tăng mạnh, cả nước có 2.879.000 trẻ (tăng 4,5%). Về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, năm nay có khoảng 160.000 giáo viên mầm non tăng 2,8%, trong đó giáo viên đạt trình độ chuẩn là 83% và trên chuẩn chiếm 10%. Về xây dựng trường lớp học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa tính đến nay, trên cả nước số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là 700 trường, tăng 200 trường so với năm học trước. Đặc biệt, về công tác quản lý giáo dục, công tác thanh tra giáo dục trong năm 2006, Bộ đã soạn thảo trình Chính phủ nhiều đề án quan trọng và đã được Chính phủ phê duyệt trong đó có Đề án phát triển giáo dục mầm non – một đề án quan trọng, quy mô, lớn nhất cho mầm non từ trước đến nay cho giai đoạn mới. Tiếp theo, Bộ cũng đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2006 – 2007, trong đó giáo dục mầm non – với Đề án phát triển giáo dục mầm non 2006 – 2015 cần xây dựng các chương trình, dự án chi tiết để thực hiện đề án này. Báo cáo nhấn mạnh việc tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, đảm bảo an toàn và phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ. Đồng thời, mở rộng việc cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ và tích cực vận động cha mẹ của trẻ trong độ tuổi giáo dục mầm non áp dụng các kiến thức, kỹ năng đã tiếp nhận được. Tiếp tục củng cố mạng lưới trường lớp cơ sở giáo dục mầm non, phấn đấu đến năm học 2006 – 2007, tất cả các xã thuộc địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đều có cơ sở giáo dục mầm non… Tính đến nay, toàn quốc đã thanh toán hết xã trắng về mầm non, số xã khó khăn cũng giảm so với trước. Trong năm học này, có 39 tỉnh thành vượt mức các chỉ tiêu và được Bộ khen, nổi bật là tỉnh Hà Tĩnh đã vượt mức các chỉ tiêu và được Bộ GD&ĐT khen thành tích xuất sắc nhất, dẫn đầu chỉ tiêu giáo dục mầm non. Ngày 01/08/2006, Bộ tiếp tục hội nghị báo cáo tổng kết công tác phổ cập giáo dục giai đoạn I (2001 – 2005) và mục tiêu, giải pháp giai đoạn II (2006 – 2010). Tổng kết đã rút ra những bài học kinh nghiệm quan trọng đã trải nghiệm trong thực tế, đề xuất những giải pháp phù hợp nhất và đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ quan trọng: cả nước đạt chuẩn PCGDTHCS vào năm 2010. Bà Vũ Thị Bích Nguyệt – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh: Để tạo môi trường chuyển biến ban đầu, nếu không thực hiện tốt phổ cập Giáo Dục Mầm non thì sẽ không làm phổ cập được (PCTHCS), trước hết cần phát triển trường lớp bán trú dân nuôi. Cũng theo ông Lê Minh Hồng – Phó Chủ Nhiệm Ủy ban VHGD Thanh Thiếu Niên Nhi Đồng : PCGD tuy đã đạt thành tích nhưng tiến độ chậm, độ bền vững chưa cao…Một trong những giải pháp ông nêu lên đó là cần làm tốt công tác điều tra số lượng trẻ đến lớp, từ đó có phương án vận động trẻ đến trường lớp, đặc biệt trẻ em mẫu giáo 5 tuổi vào lớp 1. Nếu làm tốt công tác này sẽ tạo tiền đề, chống trẻ bỏ học giữa chừng. Tường Vân ( mamnon.com ) |