Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phép thuật của ngôn ngữ


Mỗi khi thấy cậu con trai giận dữ ai đó bởi không được như ý, bà mẹ lại đố con: "Đố con biết chú bé nói gì mà mọi việc lại thay đổi như phép màu. Chú bé ấy đòi: "Mở cửa ra!", không ai mở cả, mọi người ngồi yên nhìn chú bé với con mắt ác cảm. Mẹ chú bé đã gọi con lại, thì thầm vào tai câu gì đó, chú bé ra nói đúng như thế, mọi người làm ngay. Đố con biết mẹ chú bé đã nói câu gì?".


Cậu con trai trả lời: "Con biết rồi. Câu đó là: "Xin làm ơn mở cửa cho con!" chứ gì! Nghĩa là phải lễ độ chứ gì. Nhưng lúc đó con đang bực mình, không muốn lễ độ thì sao?". "Thì không ai mở cửa. Đơn giản thế thôi".
Bà xã tôi bảo đó là sức mạnh của ngôn ngữ. Vấn đề là ai biết vận dụng sức mạnh đó cho mục đích của mình.


Lời ăn tiếng nói trong nhà cũng vậy. Sao cứ phải để cho nhau phải quát tháo lên? Sao cứ phải để cho nhau "tổng kết" và "khái quát" kiểu: "Ông chỉ được cái vô tích sự!", "Đàn bà có khác", "Cô ăn xài thì giỏi lắm", "Đàn ông gì mà xoàng"... Cách nói năng kiểu lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau xưa các cụ dạy bây giờ ít ai nhớ đến lắm. Cho là cổ điển xưa rồi, thời đại tân tiến, ở cơ quan công sở mà bạn bè gọi nhau: "Chồng ơi, hôm nay đi ăn cơm căn-tin với vợ nhé. Để cho thằng Vũ khùng đi với con Hương già đi". Công sở mà ăn nói nghe phát ớn. Gọi nhau bằng vợ chồng, ba má, thằng nọ con kia cho "thân mật và ngắn gọn"; chỉ khi nào sắp đánh nhau, phê bình nhau đến nơi đến chốn mới dùng chữ "anh, chị". Gọi long trọng vậy tức là đã có dấu hiệu chuẩn bị đánh nhau, vào trận sống mái rồi.


Bà xã tôi suy nghĩ một lúc rồi nói: "Thiên hạ bây giờ ưa tổng kết kiểu "mấy chữ vàng". Thí dụ: Nhà mặt phố, bố làm to - đó là tiêu chuẩn chọn chồng, chứ chẳng phải kiểu đoàn kết hòa bình phát triển gì". Con trai tôi góp chuyện ngay: "Thì con học trong kỹ năng nghề nghiệp người ta dạy mà ba mẹ!. Dạy cách trả lời phỏng vấn khi công ty gặp khủng hoảng, bị báo chí tấn công. Nguyên tắc là chọn chuẩn bị lấy "cái lô cốt" là vài vấn đề, vài từ ngữ cốt lõi rồi cứ thế mà xài, đừng đi xa lô cốt, đừng để rơi trúng vào vấn đề". Bà xã tôi cười: "Thế thì giống ba mày rồi. Lý sự giỏi lắm, không bao giờ nhận khuyết điểm".


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Mà có khi nói đùa vui lại có tác dụng hơn cả quát tháo. Những câu ngộ nghĩnh của cu Tí khiến cả nhà cười bò. Chuẩn bị đi ăn cưới, cu Tí bốn tuổi đòi xịt nước hoa vào đầu, cổ, rồi đưa cả hai nách ra xin chút nước hoa giống người lớn. Mẹ cu Tí đùa hỏi: "Thế có xịt vào đít không?", cu Tí nói không. "Tại sao?". "Tại vì... chỗ đó người ta không ngửi!". Cả nhà được trận cười nghiêng ngả. Thấy đáng yêu và ngộ nghĩnh làm sao.


Cách nói quan trọng vậy cho nên được chú ý lắm. Bi đi thực tập ở xa viết mail về cho ba mẹ, kể nhiều chuyện hay ho ở xứ xa lạ. Cậu biết ba mẹ thích những thông tin gì, nên cho mọi người no nê những thông tin đó. Còn việc quan trọng nhất, coi như mục đích của lá thư thì cậu đưa vào phần "tái bút": À quên, ba mẹ nhớ gửi thêm tiền cho con vì số tiền bữa trước con đã xài hết cho việc đi cắm trại rồi...


Xem ra vẫn có nhiều nhà tâm lý biết sử dụng phép thuật của ngôn ngữ làm lợi cho mình, đạt được mục đích, trong khi đó vẫn còn rất nhiều những lời thô thiển, quát mắng, quy kết lẫn nhau. Thì ra thiên hạ đều là những phù thủy ngôn ngữ cả rồi. Biến chúng thành phép thuật...


Theo PN