Hấp thụ thường xuyên những thực phẩm chứa nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp sớm ở trẻ. Vì vậy, hãy tập cho trẻ ăn nhạt từ nhỏ.
Hầu hết mỗi người đều ăn nhiều muối hơn so với nhu cầu của mình. Trong đó, thực phẩm chỉ chứa khoảng 10% số lượng muối mà chúng ta ăn. Trong quá trình nấu nướng, lượng muối sẽ được thêm vào thức ăn khoảng 5-10%. Còn hơn 75% lượng muối còn lại chủ yếu được thêm vào trong quá trình chế biến tại các công ty thực phẩm. Ngày nay, do cuộc sống hiện đại nên nhiều gia đình cho con ăn những thực phẩm ăn nhanh, đồ đóng hộp. Do đó, dễ hình thành thói quen thích ăn mặn ở trẻ.
Dưới đây là một vài cách giúp các mẹ cân bằng muối cho trẻ:
Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn
Những thức ăn được chế biến và đóng hộp sẵn tại các cửa hàng hay siêu thị như thịt hộp, pa-tê, cá hộp, đậu đóng hộp thường mặn hơn so với vị giác của bé. Vì vậy, nên tránh cho bé ăn quá nhiều.
Nên chế biến thức ăn ở nhà để kiểm soát được lượng muối mà bé hấp thụ. Trong quá trình nêm gia vị vào thức ăn cho bé, hãy nhớ rằng khi bạn cảm thấy vừa ăn đối với mình thì bé sẽ cảm thấy mặn. Do vậy, hãy cố gắng nêm nhạt hoặc nêm rất ít muối để thức ăn vừa miệng với bé. Bé dưới 1 tuổi thì hoàn toàn không nên nêm muối vào thức ăn dặm của con.
Chọn phô-mai cho bé
Phô-mai là một trong những món ăn yêu thích của nhiều bé. Phô-mai giúp bổ sung chất béo, can-xi và chất đạm rất tốt cho trẻ. Tuy nhiên, đây cũng là loại thực phẩm chứa khá nhiều muối. Do đó, nếu bạn muốn cho bé ăn phô-mai, hãy tìm những loại có chứa ít muối bằng cách đọc kỹ thành phần dinh dưỡng có chứa trong sản phẩm.
Đối với trẻ từ 1-2 tuổi, bạn nên chọn những loại phô-mai không chứa muối để tránh gây ảnh hưởng đến thận của bé.
Đối với trẻ từ 3-10 tuổi là lứa tuổi trẻ đang mọc và thay răng, bạn nên chọn cho con loại phô-mai không đường. Đây có thể xem là món ăn cho bé thưởng thức vào bữa phụ.
Nên ăn nhiều rau
Rau quả tươi thường có vị rất nhạt, lại giàu các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất nên rất tốt cho trẻ. Bạn có thể hấp hoặc luộc rau sẽ giúp cho trẻ có thể hấp thu được toàn bộ chất dinh dưỡng có trong rau quả cũng như hương vị tự nhiên của chúng.
Khi cho bé ăn, bạn không cần phải chấm mắm hay tương. Trong quá trình luộc rau, bạn có thể cho một chút muối vào nước, vừa có tác dụng làm xanh rau, lại đều vị, bé ăn ngon miệng hơn.
Theo Sức Khỏe