Để hoàn thành mục tiêu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, trong thời gian qua, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ rõ những khó khăn, hạn chế nhất định, nhất là về cơ sở vật chất, từ đó gây ra những hệ lụy như hạn chế việc huy động trẻ dưới 5 tuổi đến lớp, gây thiệt thòi cho nhiều học sinh trong độ tuổi đến trường.
Theo số liệu thống kê, toàn huyện Krông Nô hiện có 12 trường mầm non với gần 3.500 cháu. Trong năm học 2012-2013, toàn huyện có tổng số 116 phòng học thì có đến 27 phòng học tạm và phòng học mượn. Trong đó, 100% phòng học mượn là nhà văn hóa thôn nên không hề được trang trí, trang bị các thiết bị học phục vụ cho học tập và hoạt động vui chơi tối thiểu.
Không những vậy, hàng năm, nhu cầu học sinh đến tuổi ra lớp ở các địa phương ngày càng tăng, nhưng hệ thống cơ sở vật chất lại thiếu và ngày càng xuống cấp nên dẫn đến thiếu phòng học. Cũng chính vì vậy, nhiều lớp học phải chịu tình trạng có sĩ số học sinh vượt quá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong khi hệ thống cơ sở vật chất trường lớp học còn nhiều thiếu thốn nhưng để kịp thời hoàn thành "Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015", những năm học gần đây, nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện đã thực hiện biện pháp giảm, thậm chí là ngừng huy động trẻ dưới 5 tuổi ra lớp, và như vậy đã vô hình chung đánh mất quyền lợi của nhiều học sinh trong độ tuổi đi học trên địa bàn.
Việc đầu tư về cơ sở vật chấ là cần thiết nhằm đảm bảo điều kiện học tập cho tất cả trẻ trong độ tuổi đến trường
Trường mầm non Hoa Ban ở xã Nâm N'dir là một điển hình. Từ nhiều năm nay, nhà trường được coi là một trong những "điểm nóng" về việc có tỷ lệ học sinh cao, thường mỗi lớp dao động từ 45 đến 50 trẻ. Để khắc phục tình trạng trên và hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, từ năm học 2010-2011 Trường mầm non Hoa Ban đã tận dụng 6 hội trường thôn để mở thêm lớp học, tuy nhiên vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Chính vì vậy, nhà trường đã phải tiến hành việc giảm huy động học sinh đến lớp tại các khối mầm và chồi. Chỉ tính riêng trong năm học 2012- 2013, nhà trường đã phải "nhắm mắt" loại trên 60 hồ sơ dưới 5 tuổi đăng kí nhập học, đồng thời tăng tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp lên 90%.
Cô giáo Hồ Thị Phúc Mai, hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Vì không đủ phòng học nên nhà trường phải hạn chế nhận học sinh dưới 5 tuổi vào học. Khi nói lý do thì có nhiều phụ huynh hiểu được và thông cảm nhưng cũng có người không hiểu và cho rằng nhà trường phân biệt nên cũng rất khó khăn. Chúng tôi cũng mong có đủ phòng học để nhận tất cả trẻ đến trường nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em và cũng để duy trì nề nếp huy động trẻ 5 tuổi đến lớp những năm sau". Điều đáng nói là vì thiếu phòng học nên một số trường không nhận trẻ dưới 5 tuổi, trong khi đó, ở các địa phương này hệ thống trường mầm non dân lập vẫn chưa phát triển cũng như hình thành các nhóm trẻ gia đình nên nhiều phụ huynh đã phải chọn giải pháp tự trông con tại nhà.
Chị Nguyễn Thị Thúy ở xã Quảng Phú cho biết: "Con tôi năm nay được 3 tuổi nên tôi muốn đưa con đến trường để được học và vui chơi với bạn bè cùng trang lứa cho mạnh dạn. Nhưng khi xin nhập học, nhà trường nói không nhận vì không đủ phòng học nên tôi cũng rất buồn. Không biết sang năm xin nhập học nữa nhà trường có nhận không?!" Đáng ngại hơn là nhiều điểm dân cư có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng lại không có điểm trường mầm non làm cho hầu hết trẻ không được làm quen với tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
Theo thầy giáo Phan Văn Hoài, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi ở xã Quảng Phú , "Hầu hết trẻ ở đây khi bước vào học lớp một đều không được học qua lớp mẫu giáo nên cũng rất khó khăn cho nhà trường trong việc giảng dạy. Điển hình như các em dân tộc thiểu số vì không được làm quen với tiếng Việt trước nên hạn chế rất nhiều trong giao tiếp cũng như tiếp thu bài vở".
Có thể nói, việc ưu tiên huy động trẻ 5 tuổi ra lớp trên địa bàn thời gian qua đã giúp địa phương giữ ổn định tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp ở mức trên 97%, nhưng kèm với đó là tỷ lệ huy động trẻ dưới 5 tuổi giảm mạnh. Nếu như trong năm học trước, tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 4 tuổi của toàn huyện chỉ đạt 76% thì trong năm học 2012- 2013, con số này đã giảm xuống chỉ còn 40%.
Ông Nguyễn Xuân Danh, Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Krông Nô cho biết: "Mặc dù hàng năm địa phương cũng đã chú trọng đầu tư để giảm tải bình quân 60 phòng học ba ca và phục vụ phòng học 2 buổi/ngày cũng như xóa các phòng học tạm và mượn. Nhưng do nhu cầu học sinh ngày càng tăng nên không thể đáp ứng hết được, trong khi đó ngân sách đầu tư của tỉnh mỗi năm bình quân là 7 tỷ đồng nên cũng không đáp ứng được nhu cầu thiếu phòng học ở địa phương".
Thực tế cho thấy, tỷ lệ học sinh ra lớp ở cấp học mầm non trong toàn huyện gia tăng nhanh chóng, cộng với đó là áp lực hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi đã khiến nhiều trường mầm non ở huyện Krông Nô, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa không đủ khả năng nhận trẻ dưới 5 tuổi nhập học. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc huy động cũng như chất lượng của việc phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi của những năm tiếp theo cũng như ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh ở các cấp học sau.
Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của các em học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững thì việc các ngành chức năng và chính quyền địa phương phải nhanh chóng tìm được phương án mở rộng quy mô trường, lớp học là điều cần thiết và cấp bách.
Theo GD&TĐ