Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Quy định trẻ được học vượt lớp Đừng ép quả non chín sớm


Trong Dự thảo điều chỉnh điều lệ trường tiểu học do Bộ GDĐT công bố mới đây, có một quy định đang gây chú ý của dư luận. Đó là "học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học".


Các bậc phụ huynh cần suy nghĩ chín chắn trước khi quyết định có cho con em mình đi học sớm hay không. Ảnh: Giang Huy


Nếu sớm được phê duyệt, quy định này sẽ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận phụ huynh cho rằng con mình đang "ngồi nhầm lớp". Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia cho rằng, phụ huynh nên bình tĩnh xem xét thay vì kỳ vọng cho con em mình sẽ học "vượt thời gian".


Cửa mở cho trẻ muốn học "nhảy cóc"
Cho con đi học lớp 1 sớm trước tuổi đã từng diễn ra khá nhiều và chấm dứt vào khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Bộ GDĐT quy định cứng về độ tuổi vào lớp 1. Tuy nhiên, tháng 8 mới đây khi Bộ GDĐT đưa ra dự thảo sửa đổi điều lệ trường tiểu học thì nhiều người lại lầm tưởng sẽ được quyền cho con đi học sớm, thay vì đúng 6 tuổi được vào lớp 1 như hiện nay.


Một hiệu trưởng trường tiểu học ở HN cho biết, sau khi dự thảo trên được công bố, trước khi khai giảng năm học mới, một số phụ huynh có con mới 5 tuổi đã tới trường để hỏi về thủ tục "học vượt lớp" cho con. Theo những phụ huynh này, sở dĩ họ muốn cho con đi học sớm là do con em của họ đều đã đọc thành thạo không cần đánh vần, có bé mới 5 tuổi đã biết cộng trừ có nhớ trong phạm vi 100, thuộc bảng cửu chương... hơn cả chương trình của HS lớp 2.


Trước thông tin về việc trẻ có thể đi học trước 6 tuổi, ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Tiểu học Bộ GDĐT - cho biết, đây là do phụ huynh hiểu sai nội dung dự thảo sửa đổi điều lệ trường tiểu học trong khi bộ đang lấy ý kiến. Theo ông Thành, quan điểm của bộ vẫn là trẻ phải đủ 6 tuổi (tính theo năm sinh) mới được vào lớp 1.


"Nguyên tắc trẻ em 5 tuổi học mầm non, 6 tuổi vào lớp 1, cần được duy trì vì trẻ cần được chơi, cần được phát triển, không học sớm, không học nhiều". Riêng trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em trong diện hộ đói nghèo theo quy định của Nhà nước, trẻ em ở nước ngoài về nước có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi 7 - 9 tuổi.


Mặc dù Luật Giáo dục quy định trẻ 6 tuổi vào lớp 1 là bất di bất dịch, nhưng ông Thành cho biết, luật cũng có điều kiện mở với học sinh có phát triển hơn về thể chất, tinh thần có thể học sớm hơn, học vượt lớp trong phạm vi cấp học - mà theo cách nói thông dụng là học "nhảy cóc". Theo đó, cha mẹ hoặc người đỡ đầu cần có đơn đề nghị với nhà trường.


Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: Các đại diện của ban giám hiệu và ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách đội. Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng sẽ quyết định.


Không dễ cho trẻ
Việc học vượt lớp của trẻ, dù không phải đại trà, nhưng cũng không còn quá lạ lùng ở Việt Nam. Cách đây 7 năm, dư luận từng xôn xao về việc cậu bé Hoàng Thân quê ở Tuyên Quang có thành tích "học 2 ngày lên 3 lớp". Năm 2005, khi mới 5 tuổi, Hoàng Thân đã đoạt giải trong cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh - thiếu niên nhi đồng toàn quốc.

 

Thứ trưởng Bộ GDĐT khi đó là bà Đặng Huỳnh Mai đã đặc cách cho Thân vào học sớm lớp 1. Nhưng chỉ sau 1 ngày học, cô giáo đã xin cho em lên lớp 2. Cô giáo lớp 2 lại xin đặc cách cho em lên lớp 3. Cuối cùng, gia đình đã xin cho em học lớp 2 vì sợ mới ở tuổi lên 5, Thân đã phải học cùng các anh chị học lớp 3 thì quá chênh lệch.


Bây giờ Hoàng Thân đang là học sinh cấp 2 ở Trường Tiểu học Đại Kim. Những năm qua, em vẫn luôn là học sinh giỏi xuất sắc, đặc biệt giỏi về toán, tin học và Anh văn. Em cũng giành được nhiều giải thưởng về sáng tạo, nhiều lần được học bổng Vừ A Dính...


Tuy nhiên, xét ở góc độ khác thì em cũng phải chịu một số thiệt thòi nhất định. Tuy kém 2 tuổi, Thân vẫn phải học cùng chương trình giáo dục thể chất với các bạn. Bạn bè của em đều lớn hơn em về tuổi đời, nên cũng có chênh lệch nhất định về tâm sinh lý...


Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải - Trung tâm Tiềm năng con người, không phải cứ sớm biết đọc, biết viết là trở thành thần đồng. Hiện tượng một cá nhân có khả năng nào đó phát triển hơn người không phải đến bây giờ mới xuất hiện.


Lịch sử VN có ghi lại câu chuyện Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khi chưa đầy tuổi được bố bế ra đầu làng đã nói: "Mặt trời mọc đằng đông". Nguyễn Hiền đời Trần, dù tuổi còn rất nhỏ nhưng đã có khả năng thuộc tất cả kinh, sách mà về nguyên tắc chỉ người lớn mới có thể hiểu được. Nhờ thế mà ông đã đỗ Trạng nguyên khi chỉ mới 12 tuổi.

 

Trên thế giới cũng ghi nhận không ít hiện tượng trẻ nhỏ làm toán nhanh như máy, biết tới 4 - 5 ngoại ngữ. Nhiều trường hợp học sinh tiểu học đã có thể khai căn tới hàng chục số. Như vậy khả năng tự nhiên biết đọc chữ là khả năng lạ nhưng không phải cá biệt. Nhưng sự thông minh đó đã tới mức phải "học trước, học vượt" hay chưa thì phải có sự đánh giá kỹ càng chứ không thể dựa vào mong muốn chủ quan của phụ huynh.


Theo nhiều nhà khoa học, với một trẻ thông minh, hoàn toàn có nhiều cách để nâng cao trình độ. Chạy trước 1 - 2 năm "học vượt" không phải là quá dài để phụ huynh đánh đổi tuổi thơ của con mình. Nếu muốn, phụ huynh có thể tạo những kênh khác để trẻ vươn lên chứ không chỉ trông chờ vào việc học vượt tuổi.


"Phụ huynh Việt Nam hay mắc bệnh ảo tưởng"
Đây là nhận xét của GS Phạm Minh Hạc - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục, nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT (ảnh). Liên quan đến độ tuổi đến trường của trẻ, GS Phạm Minh Hạc cũng cho rằng 6 tuổi là độ tuổi hợp lý để trẻ bắt đầu việc học chữ.


Nhiều phụ huynh có nguyện vọng cho con đi học sớm, từ 5 tuổi. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
- Không nên cho trẻ đi học sớm như thế. Trên thế giới không có nước nào quy định trẻ đi học từ 5 tuổi cả, mà hầu hết bắt đầu từ 6 tuổi. Vấn đề là phải chú trọng cho trẻ phát triển thể lực và các năng khiếu về văn nghệ, thể thao trước khi cho các em học văn hóa.


Ở Pháp có lý thuyết hình thành từ lâu là ở tiểu học học ít thôi, chủ yếu là nuôi và luyện tập những thứ khác nhiều hơn. Lên bậc THCS thì phát triển hai mặt tương đương nhau. Lên bậc THPT học nhiều hơn một chút. Còn đã lên tới đại học là phải học rất nhiều. Trong khi đó ở Việt Nam thì ngược lại. Tiểu học, phổ thông học quá nhiều, trong khi đại học học như chơi.


Ngay cả vấn đề học ngoại ngữ cũng thế, Việt Nam đang đi ngược lại xu thế chung. Đành rằng học ngoại ngữ từ nhỏ là tốt, nhưng nghiên cứu khoa học cho thấy nên dành ít nhất 2 năm đầu tiểu học để các em nắm vững ngữ pháp tiếng mẹ đẻ rồi học ngoại ngữ cũng chưa muộn. Như trẻ em ở Bắc Âu được học tới 4 ngoại ngữ trong nhà trường, nhưng cũng không học sớm như trẻ em Việt Nam. Các môn văn hóa đến lớp 12 đều học nhẹ hơn mình.


Một nghiên cứu, thống kê khác cũng cho thấy những em học sớm, tốt nghiệp đại học sớm ở lứa tuổi 13, 14 sau này thường chỉ là những người không quá xuất sắc. Trong khi đó nhiều nhà khoa học vĩ đại của thế giới đều có quá trình học tập ở phổ thông theo quy trình bình thường. Thậm chí, như Anhxtanh, đến 10 tuổi mới bắt đầu đi học. Còn ở Việt Nam, ngay cả việc đưa dạy chữ, dạy số vào lớp mầm non 5 tuổi để học sinh làm quen trước cũng là không đúng.


Nhưng tâm lý phụ huynh thường muốn con mình biết nhiều, biết sớm, không thua kém bạn bè. Học sớm, học nhiều cũng là một cách để phụ huynh đạt được mong muốn này.


- Nước ta có truyền thống hiếu học, chăm sóc con tốt, nhưng phụ huynh hay mắc hai loại bệnh: Ảo tưởng và ngưỡng vọng quá sớm ở con cái. Việc cho con học sớm, học nhiều vừa tốn tiền, mà nguy hiểm hơn là trẻ không phát triển bình thường.


- Xin cảm ơn ông
Hạnh Ngân thực hiện


GS-TS Trần Ngọc Thêm: "Mở rộng cửa cho trẻ vào lớp một là điều nên làm". "Lâu nay, trò giỏi cứ phải học chung với trò kém, rất thiệt thòi, có khi ảnh hưởng đến cả cuộc đời về sau này. Cho nên, việc mở rộng cửa cho trẻ vào lớp 1 sớm hơn là điều nên làm. Việc ở ta quy định cứ đúng 6 tuổi mới được vào lớp 1 là quá cứng, trong khi các nước khác linh hoạt hơn rất nhiều. Trong quá trình mới thực hiện, có thể, phụ huynh nào cũng sẽ tìm cách cho con mình học sớm, vì ở nước mình tất cả đều chạy theo bệnh thành tích và phong trào. Quan trọng là mỗi người phải biết tư duy, biết độc lập khi ra quyết định cho con mình học sớm hay không". M.T


Cô Võ Thị Hồng Hạnh - Trường Tiểu học Trương Định - TPHCM: Đừng bắt trẻ "chín ép" nhưng cũng đừng tước cơ hội. Tôi cho rằng trẻ em ngày nay nếu được nuôi dạy ở môi trường đầy đủ, chăm sóc tốt thì những gì thể hiện khách quan qua tư duy, lời nói và hành động cũng như thể lực của trẻ tốt hơn. Hay ông bà ta vẫn quen gọi những bé như vậy là "lanh" hơn. Tuy nhiên, cần phải đánh giá chính xác rằng việc "lanh" như vậy có đáp ứng tốt việc học sớm hay lại rơi vào tình trạng bắt trẻ "chín ép"? Song, ngược lại với những trường hợp trẻ có tố chất phát triển nhỉnh hơn đa số trẻ cùng tuổi thì rất nên cho trẻ có cơ hội được phát triển tốt hơn. Chính vì vậy, rất cần có một hội đồng chuyên môn (làm việc phải trung thực, chính xác) để xác định việc này.T.Uyên


TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý - Khoa học giáo dục Hà Nội: Phụ huynh sĩ diện, con gặp nguy hiểm. Với điều kiện hiện nay, các trường học khó có thể có một chương trình riêng cho những học sinh có năng khiếu vượt trội ở một lĩnh vực nào đó. Sẽ rất nguy hiểm nếu phụ huynh không thực sự đánh giá đúng năng lực của con mình khi quyết định cho con học sớm, vượt cấp. Sẽ rất nguy hiểm cho trẻ nếu chỉ vì sĩ diện muốn con mình hơn con người khác mà cho con học vượt, dù thực tế con mình có vượt trội nhưng chưa đến mức để học sớm. Điều này sẽ dễ dẫn đến sang chấn tâm lý cho trẻ.H.NG


Thầy Nguyễn Văn Hoàng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Lâm, Q.6 (TPHCM):
Trễ 1-2 năm còn có lý hơn là sớm 1 năm. Nếu nói trẻ 4-5 tuổi biết đọc, biết viết là trí tuệ phát triển sớm thì "thần đồng" ở Việt Nam đếm sao cho xuể? Theo quy luật phát triển tất yếu của mỗi con người, trẻ 4-5 tuổi khi được gia đình chăm sóc tốt thì việc biết đọc, biết viết là đương nhiên. Nhưng tâm lý của phụ huynh khi có con như vậy thì cho là con mình giỏi, thông minh hơn người và nghĩ ngay đến việc cho con đi học sớm kẻo lại "phí tài năng". Thực tế, trẻ biết đọc, biết viết do được chăm sóc và chỉ dạy là ngoại cảnh tác động chứ không phải do tố chất bẩm sinh. Nhiều nước trên thế giới, có thể chấp nhận trẻ đi học muộn 1-2 năm chứ hiếm có ai khuyến khích trẻ học sớm 1 năm. Vì trẻ cần được vui chơi, việc đi học quá sớm sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm, sinh lý của trẻ.

 

Nhà giáo Hoàng Thị Hồng Hải - nguyên Trưởng phòng GD Q.Tân Bình (TPHCM): Đừng nhầm lẫn để rồi vắt kiệt sức của trẻ! Cha mẹ khi thấy con mình đọc được, viết được hoặc có những biểu hiện khác bạn bè cùng tuổi đã nghĩ ngay rằng trí tuệ con mình phát triển vượt trội. Một đứa trẻ nếu sử dụng đầu óc quá sớm sẽ làm cho trí tuệ bị vắt kiệt, lão hóa sớm. Sự thông minh, trí tuệ của trẻ cần được sử dụng đúng lúc chứ không phải lúc mới 4-5 tuổi. Tôi luôn ủng hộ độ tuổi bắt đầu vào lớp 1 là 6 tuổi và ưu tiên cho trẻ được vui chơi, đừng bắt trẻ phải gồng mình lên mà học vì mong muốn chủ quan của phụ huynh. Nếu điều lệ trẻ dưới 6 tuổi có thể chất tốt, trí tuệ phát triển sớm sẽ vào lớp 1 vẫn được áp dụng thì Bộ GDĐT nên có văn bản quy định rõ ràng thế nào là trẻ có thể chất tốt, thế nào là trẻ có trí tuệ phát triển sớm, ai sẽ là người quyết định các tiêu chuẩn đó. Lê Tuyết


Theo Lao Động