Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

THÍ ĐIỂM DẠY TIẾNG ANH BẬC MẦM NON: Đem trẻ làm thí nghiệm!


Giảng dạy tự phát tiếng Anh ở bậc mầm non, nếu không có chương trình và giảng dạy một cách khoa học sẽ phản tác dụng.


Lấy lý do xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, nhiều trường mầm non (MN) tại TPHCM đã đưa môn tiếng Anh vào giảng dạy dưới các hình thức ngoại khóa và học năng khiếu.


Tuy nhiên, với hình thức giảng dạy tự phát (do các trường tự hợp đồng với các trung tâm ngoại ngữ) cùng với giáo trình và giáo viên (GV) chưa có chuẩn mực cụ thể, nhiều phụ huynh không biết việc học như vậy có hiệu quả, nhất là khi trẻ quá nhỏ.


Thí điểm 2 tháng rồi thôi
Tháng 10-2011, Sở GD-ĐT TPHCM đồng ý cho Công ty TNHH Dịch vụ giáo dục Poly (Hàn Quốc) đưa chương trình tiếng Anh vào giảng dạy thí điểm tại 4 trường MN, gồm: Trường MN TP, Trường MN Bé Ngoan (quận 1), Trường MN Tuổi Thơ 7 (quận 3) và Trường MN Vàng Anh (quận 5), trong đó mỗi trường chọn ngẫu nhiên 30 đến 40 trẻ chia làm 2 lớp gồm tiếng Anh lớp chồi và tiếng Anh lớp lá.


Đại diện phía Poly cho biết sau 2 tháng dạy thí điểm (cuối tháng 12-2011), dựa trên những đóng góp từ phía GV và hội đồng chuyên môn của các trường, họ sẽ đưa chương trình về chỉnh sửa cho phù hợp và nhân rộng ra nhiều trường tại TPHCM. Tuy nhiên, thực tế phía Poly chỉ thí điểm 2 tháng rồi thôi khiến nhiều phụ huynh hoang mang.


Chị H.M, phụ huynh có trẻ học tại một trường tổ chức dạy thí điểm, cho biết: "Nghe giới thiệu về chương trình, tôi rất hào hứng vì có cơ hội để cháu làm quen với tiếng Anh nhưng băn khoăn không biết chương trình đã được thẩm định chưa và vì sao chỉ thí điểm 2 tháng rồi thôi luôn? Làm như vậy không khác gì mang trẻ làm thí nghiệm, thất bại rồi phủi tay. Hiện tôi chẳng biết phải cho trẻ học tiếp theo chương trình nào. Nếu học chương trình khác, liệu có mâu thuẫn với chương trình của Poly?".


Ở bậc mầm non, vui chơi là hoạt động chủ đạo. Trong ảnh: Một lớp học tại Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 (quận 3 - TPHCM). Ảnh: TẤN THẠNH


Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng Phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: "Qua những buổi dự giờ, chúng tôi thấy chương trình của Poly là được, thật ra họ tôn trọng mình nên mới thông qua sở, nếu họ không thông qua mà tự hợp đồng với trường thì chúng tôi cũng đành chịu vì đây không phải là chương trình chính quy. Lâu nay, các chương trình được áp dụng ở mỗi trường khác nhau nên sở không kiểm soát hết".


Từ trước, việc giảng dạy tiếng Anh tại các trường MN vẫn theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Bà Đặng Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường MN Măng Non 1 (quận 10), cho biết trường hợp đồng với CIC tổ chức dạy ngoại khóa, chủ yếu là để trẻ làm quen với mặt chữ, cách phát âm và các hoạt động vui chơi.


Về góc độ chuyên môn, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Phòng GD-ĐT quận 3, lý giải: "Việc chọn chương trình căn cứ vào việc trung tâm đó phải được cấp phép, GV phù hợp. Nếu thấy GV cứng nhắc quá thì chúng tôi đề nghị thay". Tuy nhiên, một lãnh đạo phòng GD-ĐT thừa nhận việc thẩm định chương trình và đánh giá hiệu quả dạy tiếng Anh ở các trường MN lâu nay vẫn còn bỏ ngỏ.


Lấy chương trình khác thí điểm
Về việc có nhân rộng thí điểm thêm nhiều trường và lấy chương trình nào để thí điểm dạy tiếng Anh, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết vẫn chưa có chỉ đạo nên chưa thể trả lời. Trong khi đó, thông tin từ các quận, huyện cho biết bắt đầu từ năm học này, sở đã tổ chức thí điểm chương trình tiếng Anh chung cho các quận, huyện và lấy chương trình Cambridge của Hội đồng Anh làm chương trình chính thức.


Một số quận, huyện chẳng hạn quận 3 sẽ lấy Trường MN Tuổi Thơ 7 làm thí điểm, quận 12 là trường MN Sơn Ca 6. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Thơ, nguyên hiệu trưởng Trường MN Sơn Ca 6, băn khoăn: "Nếu dạy ở lớp lá thì được, còn lứa tuổi nhỏ hơn thì sớm quá".


Đánh giá về chương trình này, bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, cho biết: "Tại quận 5, hiện đã có 3 trường đăng ký gồm Trường MN Họa Mi 2, Trường MN Họa Mi 3 và Trường MN Vàng Anh nhưng có thí điểm hay không vẫn phải chờ cuộc họp với các phụ huynh. Nếu phụ huynh đồng ý mới tổ chức.


Nếu thí điểm, thì lớp chỉ có 25 em, chủ yếu để trẻ làm quen với mặt chữ và vẫn theo hình thức học năng khiếu. Trước đây, chương trình của Cambridge của Hội đồng Anh đã áp dụng tại một số trường ở quận 5 như Trường Tiểu học Minh Đạo và THCS Hồng Bàng được phụ huynh khen là tốt, chương trình nhẹ nhàng, GV phát âm chuẩn nên chúng tôi yên tâm".


Quá sớm
Theo TS Võ Văn Nam, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, dù với bất cứ lý do nào thì các chương trình dạy tiếng Anh của nước ngoài du nhập Việt Nam cũng không nằm ngoài mục đích kinh doanh hơn là giáo dục.


Chưa kể việc đưa tiếng Anh vào giảng dạy từ bậc MN là cách làm áp đặt, chương trình lại quá nặng. Không có cách tư duy, phát triển nào tốt nhất bằng việc trước hết phải dạy cho trẻ hiểu tiếng Việt thuần thục.


Nếu ép trẻ học ngoại ngữ sớm trong khi tiếng mẹ đẻ còn chưa hiểu hết thì về lâu về dài, trẻ sẽ không suy nghĩ theo truyền thống văn hóa Việt. Nếu áp dụng cẩu thả, không những đứa trẻ sẽ mụ mị đi mà còn thui chột sự sáng tạo về sau.


Nhiều chuyên gia giáo dục cũng đồng quan điểm rằng ở bậc MN thì vui chơi là hoạt động chủ đạo, thông qua đó để trẻ phát triển và hình thành nhân cách. Ở lứa tuổi này, trẻ tiếp thu rất nhanh nhưng dạy sai thì sẽ phản tác dụng.


Theo NLĐ