Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Táo bón ở bé dưới một tuổi


Táo bón có lẽ là vấn đề rắc rối hay gặp nhất và gây nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh có con dưới một tuổi.

Bình thường, khi thức ăn đã tiêu hoá đi dọc theo ruột, các chất dinh dưỡng và nước được hấp thu, chất thải sẽ trở thành phân. Để phân mềm, cần hội đủ hai điều kiện là lượng nước nằm lại trong phần chất thải vừa đủ và các cơ của ruột già và trực tràng co giãn để đẩy phân dọc theo ruột ra ngoài. Sự rối loạn một trong hai cơ chế này (quá ít nước hoặc nhu động ruột kém) đều có thể gây táo bón.

Dấu hiệu bé bị táo bón

Cảnh giác với lồng ruột

Hiện tượng lồng ruột (một đoạn ruột chui vào đoạn ruột khác) khiến ruột bị tắc. Bệnh hay xảy ra ở bé trai 5-10 tháng tuổi. Bé đột nhiên đau bụng, co chân lên tận ngực. Triệu chứng này thuyên giảm rồi lại xuất hiện trở lại, tần suất ngày càng lớn hơn. Bé có thể đi ngoài ra máu lẫn nhầy, nôn, bụng chướng căng. Cần đưa đi khám bác sĩ ngay.
Một khi phân mềm, không rắn, không gây chảy máu hậu môn thì không gọi là táo bón. Vì vậy, không nên vội vàng kết luận bé bị táo bón nếu đến ngày thứ hai, thứ ba bé chưa đi ngoài, tránh các can thiệp không cần thiết.

Thông thường, bé sơ sinh đi ngoài vài lần mỗi ngày, phân mềm, sền sệt, nhất là ở bé bú mẹ. Bé bú bình thường đi ngoài ít lần hơn, phân cứng hơn và sẫm màu hơn. Khi bắt đầu ăn dặm, phân sẽ có khuôn hơn và số lần ít hơn.

Trong sữa mẹ có các chất nhuận tràng nên nếu mẹ có chế độ ăn hợp lý, nhiều nước và nhiều chất xơ thì các bé ít khi bị táo bón. Trái lại, các bé dùng sữa công thức thường gặp phải vấn đề rắc rối này hơn.

Việc đánh giá tình trạng táo bón được dựa trên tính chất phân chứ không phải số lần đi ngoài. Táo bón được coi là hiện tượng đi ngoài phân cứng và không thường xuyên. Nhưng như thế nào là không thường xuyên? Hãy xem xét các ví dụ sau:

- Bé Nấm thường đi ngoài đều đặn vào các buổi chiều, phân mềm. Bỗng nhiên 3 ngày mà bé không đi tiêu. Khi ấy, bé được coi là đi ngoài không thường xuyên.

- Bé Bông đi tiêu thất thường. Khi thì 2 ngày bé đi một lần, lúc lại 3 ngày... và phân luôn mềm. Trong trường hợp này, phải 7 ngày không đi tiêu thì mới nói bé đi ngoài không thường xuyên.

 

Nhận biết thói quen vệ sinh của bé

Đó là cách tốt nhất để xác định bé đi ngoài có thường xuyên hay không. Bạn có thể ghi chép hoặc đánh dấu vào một cuốn lịch để tiện theo dõi. Việc này giúp bạn khỏi lo lắng quá nếu tới ngày thứ ba vẫn chưa thấy con đi tiêu. Có thể bé sẽ đi ngoài phân bình thường vào ngày thứ tư.

Ở độ tuổi 3-4 tháng, các bé thường tự điều chỉnh lịch trình đi ngoài. Sẽ không có gì lạ nếu bé trước đó vẫn đi ngoài bình thường, nay dừng lại vài ngày không đi. Những thay đổi này cũng thường xuất hiện ở độ tuổi 6 tháng, khi bắt đầu cho bé ăn dặm. Nếu thấy bé ăn ngủ bình thường, không quấy khóc, không nôn, bụng mềm thì cần tiếp tục theo dõi. Hãy kiên trì, chú ý theo dõi các biểu hiện bất thường ở bé. Có thể bé phải mất cả tuần để trở lại lịch trình bình thường.

Trong lúc chờ đợi, hãy áp dụng các biện pháp hỗ trợ. Khi bé đi ngoài trở lại, hãy so sánh các tiêu chí sau để xem bé thực sự bị táo bón hay đang điều chỉnh lịch trình. Nếu bạn trả lời "có" cho những câu hỏi dưới đây, hãy bắt tay vào điều trị táo bón cho bé:

• Phân bé cứng, có nhiều cục nhỏ như phân dê?

• Lịch đi ngoài của bé đột nhiên thay đổi? Bé đột ngột không đi ngoài không có lý do gì?

• Phân có lẫn vệt máu bên ngoài, biểu hiện của rách hậu môn?

• Bé quấy khóc bất thường? Bé thôi quấy sau khi đi ngoài rất nhiều phân?

Theo Mevabe