Theo đánh giá của ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) tỉnh Ðồng Tháp, mạng lưới trường lớp trong tỉnh được mở rộng, phát huy có hiệu quả các mô hình nhóm, lớp cộng đồng góp phần phổ cập về giáo dục mầm non, đáp ứng phần lớn nhu cầu gửi trẻ của người dân.
Các cháu Trường mầm non Sen Hồng, thị xã Sa Ðéc (Ðồng Tháp). Ảnh: PHÚ THUẬN
Tuy nhiên, thực tế nhu cầu bảo đảm cơ sở vật chất vẫn đang là một rào cản trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non của tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tỉnh Ðồng Tháp ngành học mầm non toàn tỉnh hiện có 172 trường, bao gồm: hai nhà trẻ, 120 trường mẫu giáo, 50 trường mầm non. Trong đó, mới chỉ có mười trường đạt chuẩn quốc gia, 32 trường có quyết định thành lập nhưng chưa có cơ sở riêng. Trong tổng số 1.666 phòng học của bậc học mầm non hiện đang hoạt động có 477 phòng kiên cố, 587 phòng bán kiên cố, 183 phòng tạm, 419 phòng học nhờ. Toàn tỉnh hiện có 358 điểm trường chưa có nhà vệ sinh hoặc chưa bảo đảm đủ số lượng nhà vệ sinh. Theo Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Trần Thanh Liêm, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai xây dựng cơ sở vật chất cho các trường mầm non theo kế hoạch ở Ðồng Tháp hiện nay là nhu cầu về vốn. Do thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nên chương trình kiên cố hóa trường học dự kiến giai đoạn 2013-2015 đang tạm dừng. Trong khi đó, phần lớn số lượng phòng học xây dựng thuộc kế hoạch phát triển giáo dục mầm non năm tuổi đều nằm trong chương trình này. Nguồn vốn ngân sách của địa phương có hạn nên việc đối ứng thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2008-2012 và hỗ trợ có mục tiêu về cho cấp huyện gặp khó khăn. Vốn chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định 2406 của Thủ tướng Chính phủ; dự án tăng cường cơ sở vật chất cho trường học các cấp không còn, chỉ còn dự án hỗ trợ vùng khó khăn, đồng thời nguồn vốn phân bổ cũng có hạn...
Ðến các địa phương trong tỉnh Ðồng Tháp đều dễ dàng nhận thấy tình trạng khó khăn về cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non. Tại huyện Lai Vung, theo Phó Phòng GD và ÐT Hoàng Kim Cúc, toàn huyện chỉ có 2/12 xã, thị trấn là có cơ sở riêng, không phải học nhờ nhưng cũng là xây dựng từ lâu. Trong số 14 trường mầm non của huyện, đến nay vẫn còn 13 phòng học tạm và 40 phòng học nhờ, mượn. Tương tự huyện Lai Vung, trong tổng số 138 phòng học hiện có của 16 trường mầm non toàn huyện Tam Nông thì chỉ có 15 phòng kiên cố, 35 phòng học nhờ và thiếu 44 công trình vệ sinh so với quy định. Ngay tại TP Cao Lãnh, cơ sở vật chất cho ngành học mầm non cũng chưa bảo đảm so với yêu cầu, khi vẫn còn 21 phòng phải học nhờ.
Theo Phó Giám đốc Trần Thanh Liêm, để giải quyết những vướng mắc của ngành học mầm non, Sở GD và ÐT Ðồng Tháp đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện từ nay đến năm 2015: Tập trung đầu tư cho ngành học mầm non thông qua chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên; lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và các nguồn kinh phí khác; xây dựng cơ sở vật chất các trường mầm non công lập theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa; ưu tiên thành lập và xây dựng mới các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng nông thôn, các xã đặc biệt khó khăn, các xã miền biên giới, vùng sâu, vùng xa và các xã, phường có mức sống thấp của thành phố, thị xã trong tỉnh. Mặt khác, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngành học mầm non đủ về số lượng, bảo đảm về năng lực. Sở GD và ÐT sẽ phối hợp cùng Sở Nội vụ và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh giải quyết dứt điểm các vấn đề bất cập trong tuyển dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngành mầm non; khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia đa đạng hóa loại hình trường lớp mầm non.
Ðáng chú ý, tỉnh Ðồng Tháp sẽ tập trung lồng ghép sử dụng các nguồn vốn để xây dựng 444 phòng học với 28.460 m2 diện tích khu chức năng của giai đoạn hai (2013-2015); xây dựng ít nhất một trường mầm non trọng điểm của tỉnh tại thị xã Sa Ðéc với quy mô hiện đại để tạo điểm nhấn cho ngành học mầm non; giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện công tác đền bù, đầu tư xây dựng nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị dạy học theo quy định của Bộ GD và ÐT bằng nhiều hình thức. Kêu gọi các lực lượng xã hội tham gia việc huy động học sinh đến lớp và đóng góp công sức, tiền của để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cũng như hỗ trợ công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chăm sóc giáo dục trẻ và lợi ích của việc đưa trẻ đến trường mầm non, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong tỉnh.
Theo Nhân Dân