GDMN ở nước ngoài: Phương pháp dạy học kích thích não phải của trẻ Não bộ có 4 phần chính: cầu não, tiểu não, hành não và tuỷ não.Cầu não là phần lớn nhất, được chia làm 2 phần là bán cầu não phải (não phải) và bán cầu não trái (não trái). Não trái có vai trò chỉ huy các mặt nói, viết, tính toán, tư duy logic, tư duy trừu tượng và phán đoán.Còn não phải chủ đạo về các mặt như kỹ năng khéo léo, mỹ thuật, âm nhạc, tình cảm, lòng say mê, óc thẩm mỹ. Do đa số nhân loại thuận tay phải nên rất nhiều thông tin liên tiếp đưa đến não trái (trung khu chỉ huy sự vận động của các chi bên phải là não trái) và tăng cường phát triển công năng của nó.Vì vậy, não trái còn được gọi là “bán cầu ưu thế”, còn bán cầu não phải nhận được ít thông tin hơn nên gọi là “bán cầu yếu thế”. Dù não trái là nơi tiếp nhận thông tin chủ yếu nhưng khi dữ liệu nhập vào phải sau một khoảng thời gian nhất định nó mới cập nhật được. Ở não phải thì thông tin được xử lý đồng thời, nghĩa là não phải rất có ích trong việc hiểu nhanh và nhớ nhanh. Thế nhưng, hầu hết các nền giáo dục và các bậc phụ huynh đều chỉ nhấn mạnh vào các môn toán học, ngôn ngữ, khoa học logic và phân tích. Đồng thời ít chú trọng đến các môn nghệ thuật, âm nhạc và các hoạt động sáng tạo do não phải điều khiển. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bộ não của các thiên tài có khả năng tự tổ chức khác thường. Một trong những điều khác thường đó là khả năng vận dụng và phối hợp cả hai bán cầu não cùng lúc tốt hơn người thường. Do đó, muốn khai thác được nhiều hơn tiềm lực của não, chúng ta phải coi trọng việc khai thác công năng của bán cầu não phải. Ông Shichida Makato- một nhà giáo dục mầm non Nhật Bản đã đưa ra một số phương pháp nhằm hướng dẫn việc sử dụng não phải của trẻ nhỏ. Theo ông, việc rèn luyện khả năng sử dụng não phải ngay từ bé sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện hơn, thông minh hơn và là một bước quan trọng để trở thành thiên tài. Tại các lớp học thử nghiệm của Shichida Makato, các giáo viên sẽ không cố trình bày kiến thức dưới dạng các nguyên tắc. Thay vào đó, họ cung cấp cho bon trẻ một lô các dữ liệu thô. Lý do chính như trên đã trình bày là vì khi các dữ liệu xuất hiện quá nhanh, não trái không thể hiểu ngay được để chuyển chúng thành ngôn ngữ. Chúng sẽ từ bỏ việc tiếp nhận và nghỉ ngơi, đồng thời cho phép não phải có cơ hội nắm bắt thông tin. Sau khi não phải hiểu được dữ liệu, vỏ não có thể tự thiết lập hệ thống và đường dẫn cho chính nó. Tại một lớp thí điểm khác, giáo viên tung ra hàng tá tấm thiệp trong 1hay 2 phút. Bọn trẻ sẽ nhìn chằm chằm vào những tấm thiệp khi giáo viên rải xung quanh chúng. Theo Shichida, việc ném các tấm thiệp theo cách này sẽ kích hoạt khả năng vốn có của não phải. Khi não phải được kích hoạt, học sinh có thể ghi nhớ một lượng thông tin lớn nhanh chóng và dễ dàng. Phương pháp thứ 3 bao gồm những dạng bài tập luyện trí nhớ. Chương trình giảng dạy của Shichida bao gồm các trò chơi nhằm dạy cách “tưởng tượng bằng đường dẫn thị giác” (direct visual imaging), cách đọc tốc độ và cách liên tưởng bằng trí nhớ. Trong lớp, giáo viên đặt 10 tấm thiệp có nét phác họa đơn giản khác nhau đối diện bảng . Các cô bé, cậu bé sau đó sẽ nối mỗi tấm thiệp với một câu chuyện, sáng tạo ra một bức tranh khác dễ ghi nhớ trong đầu. Shichida nói rằng với bài tập này “bọn trẻ không cần những kết nối bằng lời, chúng có thể dễ dàng nhớ một lúc 40-50 tầm thiệp.Với nhiều đứa thậm chí 100 tấm thiệp cũng không thành vấn đề gì” Các nhà chuyên môn cũng khuyến khích các bậc phu huynh để con em mình sử dụng tay thuận của bé, cho dù đó là tay trái (để não phải được phát triển). Ngoài ra, các môn học nghệ thuật như hội hoạ, âm nhạc cũng giúp kích hoạt não phải. Thanh Hà (www.mamnon.com) Theo yêu cầu một số Sinh viên và Giáo viên mầm non, từ hôm nay www.mamnon.com sẽ đưa thêm thông tin về các chương trình giảng dạy của nước ngoài để cung cấp thêm thông tin về giáo dục ở các nước đến với các bạn. |