Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tìm niềm vui từ bữa ăn của bé


Cùng tham khảo những câu hỏi thường gặp nhất tại các bệnh viện nhi, phòng mạch nhé!


Theo nhiều bác sĩ, những câu hỏi của các ông bố, bà mẹ lui tới phòng khám luôn xoay quanh việc cho bé ăn.


Người thân và bạn bè luôn khuyên họ cho bé ăn những gì, như thế nào... nhưng lắm lúc những lời khuyên đó lại khá mâu thuẫn khiến bạn không biết phải nghe theo ai.


Các cuốn sách về nuôi dạy con cũng có thể lặp đi lặp lại một thông tin hoặc có quá nhiều thông tin cho bạn lựa chọn. Vì vậy, cách "chắc ăn" nhất là tìm đến lời khuyên của bác sĩ. Nhưng nếu bạn quá bận rộn, hãy cùng tham khảo những câu hỏi thường gặp nhất tại các phòng mạch.


Hỏi: Khi nào thì bé có thể ăn thức ăn rắn?
Lỗi thường gặp nhất trong vấn đề này là cho bé ăn thức ăn rắn quá sớm. Bé thật sự chưa thể làm quen với thức ăn rắn cho đến tháng thứ 4 hoặc 6. Nếu bạn cho bé ăn thức ăn rắn quá sớm, bé sẽ dễ mắc nghẹn hoặc khó tiêu vì bao tử bé vẫn chưa phát triển hoàn toàn. Ngoài ra, bé còn dễ bị chàm hoặc bị dị ứng thực phẩm khi lớn lên.


Nếu gia đình bạn có tiền sử bị dị ứng thực phẩm, bạn nên chờ đến tháng thứ 6 và đến gặp bác sĩ nhi để biết chính xác thực phẩm nào cần tránh cho bé. Bạn có thể bắt đầu với các loại trái cây, vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa giảm thiểu tỉ lệ dị ứng thực phẩm hoặc mắc nghẹn.


Lỗi thường gặp nhất trong vấn đề này là cho bé ăn thức ăn rắn quá sớm. (Ảnh minh họa).


Hỏi: Bé chỉ ăn một loại thức ăn duy nhất và cự tuyệt tất cả các món ăn khác. Phải làm sao đây?
Đây là tình trạng thường thấy ở trẻ em. Những lúc thế này bạn không nên "đấu tranh" trực tiếp với bé mà hãy kiên nhẫn tìm "kế sách".


Sự sáng tạo cũng đồng nghĩa với những gì ngộ nghĩnh, thú vị như rừng bông cải xanh, cà rốt hoặc rau củ quả được cắt theo nhiều hình dáng khác nhau, xếp hình mặt người bằng thức ăn trên đĩa...


Ngoài ra, các bé cũng rất thích những món ăn có nước chấm để "tiện" việc nghịch phá của mình. Bạn có thể cho thêm những món này vào thực đơn và giám sát bé kỹ hơn để tránh dọn dẹp "bãi chiến trường" vài phút sau đó.


Nếu bé vẫn không chịu ăn bất cứ món nào khác, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn về các loại kẹo vitamin để đảm bảo bé vẫn hấp thu được những chất dinh dưỡng cần thiết.


Hỏi: Bé luôn đòi ăn những món ăn của người lớn, có nên chiều theo ý muốn của bé không?
Điều này còn tùy vào sự phát triển của bé và những gì bạn đang có trên bàn ăn. Thông thường, bé chỉ có thể ăn những món bạn ăn thường ngày khi đã trên 1 tuổi. Hãy bắt đầu với những thức ăn mềm và dễ nhai như khoai tây nghiền, gà xé hoặc cơm nát.


Nếu bé bị nghẹn hoặc nhợn khi ăn, hãy đợi một tháng trước khi thử nghiệm lần nữa. Khi cho bé ăn, bạn nên cắt thức ăn thật nhỏ hoặc nghiền chúng ra để bé dễ nuốt và tiêu hóa. Nếu bạn nấu mì hoặc nui, hãy chịu khó luộc lâu hơn thường ngày để cọng mì và nui mềm hơn.


Hãy khoan cho bé ăn những loại bánh snack vì chúng khó tan trong nước miếng, khiến bé dễ bị mắc nghẹn.


Hỏi: Có nên cho bé nhai kẹo vitamin?
Có thể có và có thể không. Đa số các bé tròn một tuổi đều đã có thể ăn được hầu hết các món ăn nên không nhất thiết cần đến kẹo vitamin. Tuy nhiên, nếu bé gặp khó khăn trong việc hấp thu dinh dưỡng từ thực phẩm, có lẽ bạn nên dùng đến kẹo vitamin.


Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên mỗi lọ vitamin để đảm bảo bé không dùng quá liều lượng cho độ tuổi, dễ gặp tác dụng phụ.


Nếu bé dưới hai tuổi, bạn có thể cho bé dùng vitamin dạng nước. Hãy tìm những loại vitamin có chứa canxi vì bé thường không nạp đủ lượng canxi cần thiết từ thức ăn hàng ngày.


Hỏi: Nhiều người cho rằng bé hơi gầy. Có nên "vỗ béo" bé?
Nhiều người thích được nhìn thấy bé mũm mĩm, đặc biệt là ông bà, nhưng không phải lúc nào điều đó cũng tốt. Số cân nặng dư thừa đó sẽ đem lại cho bé nhiều vấn đề về sau, điển hình là bệnh béo phì, kéo theo những bệnh khác về tim mạch.


Dĩ nhiên, nếu bé quá gầy, bạn có thể đến gặp bác sĩ để khám tổng quát và được chẩn đoán bệnh. Nhưng nếu bé vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường thì bạn không nên quá lo về những con số trên chiếc cân.


Ngoài ra, để bé phát triển khỏe mạnh và giữ được cân nặng đều đều, hãy tập cho bé thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ nhỏ. Nếu bé không ăn hết được khẩu phần ăn của mình, đừng ép bé. Hãy "lắng nghe" cơ thể của bé.


Hỏi: Bé không chịu để bố hay mẹ đút ăn nhưng lại làm mọi thứ rối tung lên khi ăn. Phải làm sao đây?
Lời khuyên cho bạn là nên tìm một miếng trải thật to, đủ rộng cho bé tha hồ "bày trò". Tuy bạn sẽ rất mệt mỏi khi dọn dẹp "bãi chiến trường" bé để lại nhưng bạn nên mừng là bé đang trong giai đoạn thử nghiệm sự sáng tạo.


Thay vì quá lo lắng và cảm thấy phiền vì bé làm dơ nhà, hãy tận hưởng những khoảnh khắc bé tập tành cầm muỗng tự múc ăn. Bạn nên để bé ngồi trong ghế riêng của bé thay vì ngồi chung trên bàn ăn và vì ít ra ghế ăn của em bé sẽ giữ bé yên ở một chỗ. Nếu bé ngồi cùng bàn ăn, bé sẽ có cơ hội chọc phá những thứ khác trên bàn khiến bạn càng mệt mỏi và bực dọc hơn.


Thực phẩm an toàn cho bé
Bột ngũ cốc, bột gạo: Bột ăn dặm là thực phẩm hoàn hảo cho giai đoạn tập ăn thức ăn rắn. Các loại ngũ cốc này được làm từ gạo, kê, lúa mạch, mầm lúa mì... kết hợp với vị sữa, đào, lê, chuối... để có mùi vị đa dạng. Ngoài ra, bánh ăn dặm cũng là lựa chọn cho bạn.


Rau củ: Một số loại rau củ như cà rốt, khoai lang, bí đỏ và một số loại rau rất "lành" cho bé tập ăn dặm. Rau củ cho bé mới ăn dặm cần được nấu thật chín đến khi mềm nhừ để bé tiêu hóa tốt. Có thể dùng nước luộc rau củ để chế biến món ăn cho bé.


Trái cây: Chuối, đu đủ, bơ, xoài, táo, lê là những loại trái cây an toàn, bổ dưỡng cho bé tập ăn dặm. Tùy độ cứng của trái cây có thể cho bé ăn trực tiếp hoặc hấp chín rồi mới nghiền nhuyễn cho bé thưởng thức.


Theo Mẹ yêu bé