Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đưa con đi học


Ngày đầu tiên chở con đến lớp mẫu giáo, con mới hơn hai tuổi. Trao con cho cô, tôi vừa quay mặt đi đã nghe con khóc òa "mẹ ơi mẹ...".


Mẹ nào cũng bịn rịn, lấp ló bên cửa phòng học, các con ở trong khóc gào ỏm tỏi, cô giáo ra sức động viên: "Mẹ về đi, về đi... để cho trẻ khỏi khóc". Đưa con đi học mà ra khỏi cổng trường, tôi vừa đi vừa chảy nước mắt, cả ngày nôn nao, cồn cào gan ruột, chỉ muốn chạy về đón con... Những ngày ấy đã khởi đầu cho một hành trình vạn dặm trong đời những người làm cha làm mẹ: hành trình đưa đón con.


Ảnh chỉ mang tính minh họa. Phùng Huy


Nắng thì đội nón trùm khăn, mưa thì mặc áo mưa lội nước, kẹt đường thì len lách chờ đợi, cả nhà cùng nhau hít khói bụi, miễn sao đưa con đi học được đúng giờ. Con vô lớp giờ chính khóa, cha mẹ mới bắt đầu chợ búa hay xuôi ngược đi làm. Con vào lớp học thêm, thì cha mẹ tiếp tục "đứng đường" chờ đợi.


Ai đã trải qua những ngày tháng đưa đón con ở thành phố đông đúc này mới hiểu biết bao cái khó, cái khổ không tên. Con học lớp 3, lớp 4, thôi thì ráng đưa đón con thêm năm lớp 5, để con tập trung vào học ôn thi cuối cấp. Đến khi con thi vô lớp 6, đậu vô một trường "top" ở xa lơ xa lắc, cha mẹ lại tiếp tục con đường đưa đón con...


Việc phân công đưa đón con trong một gia đình ở thành phố cũng là điều không hề đơn giản. Thậm chí hơn một năm trời, tôi đã phải tự động xin nghỉ làm, chuyển sang nghề xe ôm đưa đón con, khi con vừa phải học chính khóa vừa phải học thêm ở những nơi cách xa nhau. Thời gian khít khao, con đói, về tối, đường xa... là những điều khiến người mẹ không thể yên lòng giao con cho người khác.


Hồi đầu, gia đình tôi phân công mẹ đưa con đi buổi sáng, bố đón con giờ tan học. Nhưng chỉ được một năm, những tin nhắn "anh bận, em đón con giúp..." trở thành nỗi ám ảnh của tôi mỗi buổi chiều, khi đã về gần đến nhà bỗng bị gọi giật quay lại đón con, thấy con mình đứng một mình ngơ ngác trước cổng trường sâm sẩm tối... Tôi quyết định chuyển cháu bé hơn về học gần nhà, và đăng ký cho cháu lớn đi xe đưa rước của trường, chỉ đi một chiều buổi sáng. Buổi chiều đón cháu xong thì về lo cơm nước. Nhưng cũng có những buổi cháu đi học thêm, cả nhà đành tự thu xếp, giờ cha con ăn tối ở nhà, mẹ còn phải đứng chờ con gái đâu đó trước cổng một trung tâm luyện thi, mặt mũi dài ra, vêu vao vì đợi chờ mệt mỏi...


Giải pháp nào cho việc đưa đón con cũng tiềm ẩn những rủi ro: xe ôm thì thiếu tin cậy, đôi khi lỡ cuốc xe con mình cũng phải chờ, người giúp việc thường không đúng giờ giấc, xe đưa rước đi quá sớm và về quá trễ, thời gian không linh hoạt lại không thể đưa con tới chỗ học thêm, bố đón thì bố hay quên, mẹ đón thì cả nhà kẹt cơm nước, sức mẹ cũng chẳng còn bao nhiêu để bươn chải cùng con từ nơi này sang nơi khác mỗi buổi chiều... Thành ra, bài toán "đưa con đi học" hầu như chỉ có một kinh nghiệm là... ráng! Ráng đến khi sắp nhỏ lớn lớn chút, có thể tự đi đến trường. Cũng bởi cái "ráng" này mà nhiều cô cậu vô đại học rồi vẫn ngồi sau lưng mẹ tới trường, nhiều bà mẹ không thể yên tâm khi con tự đi học.


Ai đó thật đúng khi bảo phải để trẻ tự lập, đừng lo lắng quá nhiều, hãy để trẻ tự lớn khôn... Nhưng những khi đứng chờ con tan lớp học thêm lúc 9g tối, nhìn chung quanh bao nhiêu bà mẹ nhẫn nại đứng chờ, tôi hiểu mình đang qua một trải nghiệm không hề nhỏ. Trên những chặng đường nuôi con khôn lớn, có những giờ đằng đẵng buồn, mệt, đói, nôn nao đứng chờ đưa đón con...


Theo PN