Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cho bé ăn bánh Trung thu hợp lý


Nói chung, bánh Trung thu luôn ngọt và béo. Vì vậy, bánh Trung thu đem đến rất nhiều năng lượng; với bé béo phì là một mối nguy lớn.


Thành phần dinh dưỡng của bánh Trung thu
Nếu trước đây chỉ có bánh dẻo và bánh nướng nhân thập cẩm, thì bây giờ các loại bánh Trung thu cực kỳ đa dạng (bánh gà quay, lạp xưởng, vi cá, bào ngư, nấm đông cô, hải sâm, trứng, đến bánh khoai môn, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, hạt sen, sữa dừa, rau câu, táo tàu, mứt bí, hạt dưa, hạt điều, vừng...). Trong bánh chứa rất nhiều đường, trừ một vài loại dành cho người ăn kiêng.


Nếu chỉ tính sơ sơ, trong một cái bánh dẻo nhân đậu xanh một trứng chứa 807kcal (năng lượng bằng 2 bát bún chả (bún thịt nướng) gồm 11g đạm, 11,5g chất béo, 158g bột đường. Còn trong một cái bánh nướng 250g thập cẩm 2 trứng cung cấp 1095kcal (năng lượng bằng 2 bát phở) gồm 33g đạm, 46,6g béo và 104g bột đường.


Lượng bột đường của một cái bánh dẻo gần bằng 4 bát cơm, còn bánh nướng bằng 2,5 bát cơm, lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh, gây tăng đường huyết nhanh. Nếu ăn quá nhiều, ở bé béo phì hoặc bé rối loạn dung nạp glucose có thể gây ra tiểu đường.


Còn ở bé lười ăn, khi ăn một miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm bé mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính và càng làm bé chán ăn, thêm suy dinh dưỡng. Lượng đường quá cao, ở dạng đường mía sucrose cũng là nguy cơ gây sâu răng ở bé.


Chất béo trong bánh Trung thu gây nhiều tác hại: Ngoại trừ chất béo trong hạt dưa, hạt điều, vừng là còn có chút axit béo không no có lợi, còn lại chất béo trong bánh Trung thu toàn là từ thịt mỡ, gà, dừa...là loại béo no gây nhiều tác hại. Như vậy lượng béo của bánh dẻo bằng lượng béo của một bát phở bò, còn của bánh nướng tương đương ăn hết 50ml dầu ăn hay lượng béo trong 3 bát phở gà.


Cẩn thận với ngộ độc chất đạm trong bánh Trung thu: Lượng chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật, nếu bảo quản không tốt thì dễ gây ra ngộ độc. Các sơn hào hải vị bỏ vào bánh không đủ để cung cấp những dưỡng chất đặc biệt mà chủ yếu để làm phong phú hương vị của bánh. Các vitamin trong bánh Trung thu không nhiều lắm, đồng thời qua chế biến và bảo quản cũng sẽ hao hụt đáng kể.


Cách chọn và cho bé ăn bánh Trung thu
Trước hết là phải chọn loại bánh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từ chế biến và bảo quản phải tốt. Do bản thân bánh chưa khá nhiều loại thực phẩm phối trộn lại, nếu không đảm bảo vệ sinh lúc chế biến thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.


Khâu bảo quản cũng khá quan trọng, có nhiều loại dù còn date vẫn bị hỏng nếu bảo quản không tốt, để phơi ngoài ánh nắng mặt trời...


Các hóa chất dùng để bảo quản thực phẩm cũng không có lợi cho sức khỏe của bé. Vì vậy, những loại ít sử dụng chất bảo quản sẽ là lựa chọn an toàn hơn. Nên mua những loại thật mới và của những nhà sản xuất uy tín để tránh nguy cơ đã bị nhiễm nấm, vi khuẩn hoặc tình trạng oxi hóa các chất béo, đạm trong thành phần chế biến.


Không cần thiết phải chọn những loại bánh thật đắt tiền, thật to, thật lạ vì loại này chủ yếu để dành cho người lớn biếu nhau. Các bé chỉ cần những loại bánh nhỏ, đơn giản, có loại nhân đậu, nhân khoai, nhân sen, có loại thập cẩm để thay đổi khẩu vị.


Ăn bánh gây khó tiêu do nhiều chất béo, chất đạm động vật. Vì vậy chỉ cho bé ăn một miếng góc tám sau cữ ăn cơm là đủ. Ăn xong nhớ nhắc bé súc miệng ngay để không sâu răng, đặc biệt là với bánh dẻo sẽ dính chặt vào răng gây sâu răng nhiều hơn.


Với bé béo phì, nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày và nhớ trừ bớt khẩu phần ăn nếu ăn bánh. Nếu ăn ½ bánh dẻo hoặc 1/3 cái bánh nướng thì trong ngày phải bớt đi khoảng một bát cơm và lượng thức ăn tương ứng của bát cơm đó; đồng thời, tăng lượng rau củ để kéo bớt chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh. Còn nếu không giảm phần cơm thì nhớ đi bộ thêm ½ tiếng để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa.


Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Hậu (khoa Dinh dưỡng)
Theo  Bệnh viện Nhi Đồng 2