Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, trong năm học mới 2012 - 2013, tất cả các cấp học từ mầm non, tiểu học, trung học và đại học sẽ được học về giáo dục tài nguyên môi trường, biển, hải đảo.
Các cấp học mở rộng giáo dục chính khóa và tuyên truyền ngoại khóa cho học sinh về tiềm năng biển, đảo và nhiệm vụ của các thế hệ công dân Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa..
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các trường cập nhật kiến thức biển, đảo vào bài giảng "Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia" thuộc lớp 11.
Đối với các trường ĐH, CĐ, học viện..., cần cập nhật kiến thức "biển, đại dương và chủ quyền biển, đảo Việt Nam" vào bài giảng "Xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia" trong giáo trình giáo dục quốc phòng - an ninh tập 1. Mở rộng giáo dục chính khóa và ngoại khóa về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cho dù chưa đến thời điểm khai giảng năm học mới, nhưng các nội dung giáo dục tài nguyên môi trường, biển, hải đảo đã được nhiều trường ngoài công lập đưa vào chương trình học. Đối với trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm, trong chương trình học tháng 8, học sinh lớp 5 đã được học cảm thụ văn học về quần đảo Trường Sa.
Một giờ học vẽ với đề tài Biển đảo quê hương.
GS Nguyễn Quang Ngọc, Viện Việt Nam và khoa học phát triển cho biết, sách giáo khoa (SGK) lịch sử hiện nay đang thiếu một nội dung quan trọng mang tính thời sự hiện nay là sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cùng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông.
Còn theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, không thể chờ đến năm 2015, khi chúng ta đổi mới chương trình SGK thì mới đưa nội dung về chủ quyền trên biển Đông của nước ta vào giảng dạy, mà việc này cần phải làm ngay trong năm học tới.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: "Việc dạy về chủ quyền biển, đảo đã được đưa vào SGK môn địa lý. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua nội dung này cũng có trong đề thi môn địa và được sự hưởng ứng của dư luận xã hội. Tuy nhiên, do thời điểm viết SGK vấn đề này chưa đặt ra yêu cầu bức thiết như hiện nay nên dù đã dạy nhưng chưa đủ. Trước mắt chắc chắn sẽ phải bổ sung vào những môn học phù hợp, trong đó có môn lịch sử".
Theo VnMedia