Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Các hoạt động vui chơi 0-3 tháng


Vui chơi là rất quan trọng với các bé, bởi đó là cách bé tìm hiểu về môi trường xung quanh và phát triển các kỹ năng vận động thể chất cũng như nhận thức xã hội. Ở giai đoạn 0-3 tháng, bé còn quá nhỏ nhưng không có nghĩa là bé không biết vui chơi. Những hoạt động nhẹ nhàng, kích thích thị giác, thính giác... sẽ giúp bé phát triển.

Phát triển thính giác

Một trong những cách dễ nhất để kích thích thính giác cho bé là bật cho bé đồ chơi hay băng (đĩa) âm nhạc để nghe. Ở giai đoạn này, khả năng nghe của bé đã khá tốt và bé cũng yêu thích khi được lắng nghe giọng nói của mẹ. Bé chăm chú mỗi khi thấy mẹ lên cao giọng và các đồ chơi như tiếng chuông leng keng hay tiếng lục lạc lách cách.


Khuôn mặt mẹ

Nhìn vào khuôn mặt cha mẹ là một hoạt động hấp dẫn cho bé dưới 3 tháng tuổi. Bé bị thu hút tự nhiên vào khuôn mặt người đối diện, nét mặt và nhất là đôi mắt. Ở giai đoạn này, bé có thể nhìn thấy sự tương phản của ánh sáng và bóng tối tốt hơn so với màu sắc khác. Đó là lý do bé đặc biệt chăm chú vào những người có mái tóc đen hoặc đeo kính đen.

Hãy cúi sát mặt khi bạn trò chuyện với con, khoảng cách tốt nhất là 20-25cm. Đồng thời, hãy gật - lắc đầu và biến hóa nét mặt mỗi khi trò chuyện vì bé sẽ thích các khuôn mặt nhiều biểu cảm hơn là những khuôn mặt ít biểu cảm.

Những đồ vật chuyển động

Bé thích thú với những đồ vật chuyển động được nhưng cũng thích các thứ có màu tương phản, nhìn đẹp mắt như màu đen và trắng. Bé cũng thích được nhìn thấy ánh sáng nhưng không thích ánh sáng chói. Vì thế, bé thích những thứ dịu màu như ánh đèn nhạt từ đồ chơi hoặc đồ chơi gắn cũi, phát nhạc và phát ánh sáng di chuyển trên trần nhà. Bé cũng quan tâm tới những đồ chơi có hình dạng giống khuôn mặt người.

Đồ chơi chạm vào được

Một loại đồ chơi khác mà bé cũng thích đó là đồ chơi có thể chạm vào. Khoảng 6 tuần tuổi, bé có thể đã biết đá, vẫy tay mỗi khi bé phấn khích. Hoặc nếu thấy một món đồ chơi gần đó, bé cũng có thể dùng tay, chân cố đá (chạm) vào.

Ban đầu bé chạm vào đồ chơi không nhằm mục đích gì cả vì bé chỉ thích được sờ (chạm) vào và thấy thú vị vì được khám phá như thế. Điều này giúp bé bắt đầu hiểu nguyên nhân - hệ quả, tức là dùng tay (chân) tạo ra một hoạt động nào đó.

Chơi với đôi tay

Khoảng 10 tuần tuổi, bé bắt đầu biết hua tay và thích thú quan sát đôi tay của mình. Thậm chí, đôi tay còn trở thành một món đồ chơi yêu thích của bé khi bé nắm hoặc co - duỗi, mút tay...

Theo Mevabe