Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé bị nhiễm trùng uốn ván sơ sinh


Ngày 2/8, bác sĩ Phan Tứ Quý (Trưởng Khoa Cấp cứu hồi sức và Chống độc trẻ em, bệnh viện Nhiệt Đới TP HCM) cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận một ca cấp cứu sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván trong tình trạng nguy kịch.


Bệnh nhi tên Nguyễn Phước Hộ (25 ngày tuổi, ở ấp Tân An, xã Tân Hòa, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) sinh tại trạm xá xã. Sau đó 3 ngày xuất viện về nhà, sức khỏe bé vẫn bình thường. Nhưng được khoảng 2 tuần thì bé bỏ bú, lưỡi trắng, sốt cao nên được đưa đến bệnh viện huyện. Sau đó, bé được chuyển đến bệnh viện tỉnh điều trị 9 ngày vẫn không bớt, thậm chí nặng hơn, nên được chuyển lên TP HCM.

Nguyên nhân do mẹ của bé không đi tiêm phòng uốn ván khi mang thai nên bây giờ bé mới bị như vậy.

Bác sĩ Quý cho biết, hiện khoa đang điều trị cấp cứu 2 bé bị nhiễm trùng uốn ván sơ sinh. Bé Hộ tuy bị nhiễm trùng uốn ván sơ sinh nhưng do sinh trong trạm xá được vô trùng nên thời gian ủ bệnh, khởi phát lâu hơn so với ca đẻ ở nhà và cắt rốn bằng dao lam như trường hợp bé sơ sinh còn lại (phải thở máy gần cả tháng nay).

Cũng theo bác sĩ Tứ, các thai phụ phải tiêm phòng uốn ván. Sau 10 năm nên tiêm nhắc lại. Khi đi sinh, nên đến các cơ sở y tế để được chăm sóc vệ sinh rốn an toàn nhất.

Nếu lỡ đẻ rơi ở nhà thì phải xử lý, chăm sóc vệ sinh rốn tốt bằng các dung dịch sát khuẩn như cồn iode (povidive, betadine...). Khi bé có dấu hiệu bất thường về rốn hay bé bỏ bú, khóc nhưng không há miệng được (cứng hàm) thì phải đến bác sĩ khám ngay để được phát hiện bệnh sớm.

Nếu để bị nhiễm trùng, sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong.

Theo Phunuonline