Bà xã tôi hỏi thăm rồi khen chị bạn: "Con gái chị tuyệt thật. Hôm bữa để ý thấy trong buổi sinh nhật mẹ, đã thật sự là một cô gái rồi. Đâu còn là con bé xíu dạo nào dắt đến chơi, giờ đã cao nhỏng lên, thành là một "chân dài" hấp dẫn với cách ăn mặc rất model. Con bé chơi dương cầm hay lắm rồi hả? Mẹ được nhờ việc gì chưa?"
Chị bạn vui vẻ thừa nhận, cái gì con mình cũng rành cả. Lớn lắm rồi. Nhưng mà... gay lắm. Hỏi "gay" gì, hay là bị... đồng tính, chị bạn nói: "Không phải món đó. Gay ở đây là gay go ấy. Chúng nó bây giờ không biết chờ đợi, không biết chịu đựng, hơi một chút là... phát điên! Không bằng lòng với chính mình, làm cho cha mẹ lo lắng. Rất hay bực mình, dễ nổi cáu".
Thì đấy. Toàn những khẩu hiệu kiểu "yêu là không... chờ đợi", "ước mơ là không chờ đợi". Cái gì cũng phải... ngay lập tức. Mà giống như cây trái, đến độ nào đủ chuyển hóa mới chín ngon lành. Đằng này khoa học làm cho nó chín ép. Rồi phun rồi xịt biến đổi gien. Cây trái bây giờ cũng không được phép... chờ đợi. Phải chín ngay. Thế cho nên ăn vào mới độc và không ngon. Bây giờ làm gì còn... chín cây! Sờ vào trái xoài thấy nóng rẫy vì ủ khí. Sống là không chờ đợi. Đó là triết lý. Vậy mà cha mẹ nhét vào đầu con chữ nhẫn, làm sao chúng chịu.
Câu chuyện của hai người bạn xoay quanh việc đi tìm nguyên nhân, thử lý giải. Bà bạn thì nói: Thông tin nhiều quá, thông tin tấn công thần kinh, làm cho đầu óc con người lúc nào cũng nóng. Bà xã tôi cho rằng tại đô thị hóa làm giảm sức khỏe. Nghe nói đâu có tới 50% loài người bây giờ là dân thành thị cả rồi. Mà ai cũng biết, đô thị hóa sẽ nhanh chóng tạo ra nhiều khu ổ chuột. Lấy đâu ra không gian xanh bây giờ. Có người còn nói bây giờ sắp có... hai loài người. Một loài nghèo khó, còn loài kia có điều kiện sang giàu, tiện nghi, dùng công nghệ sinh học để tăng tuổi thọ, hưởng nền giáo dục cao, sống sung túc, hưởng hết mọi thứ hay ho của thời đại. Phát triển tạo ra những mâu thuẫn đối kháng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nghe các bà nói chuyện cứ ngỡ là các bà đang ở trong cuộc... hội thảo khoa học! Toàn những câu chuyện vĩ mô nhức đầu. Nhưng suy đi tính lại, tất cả đều bắt nguồn từ thực tế những đứa con kỳ lạ ở trong nhà. Đầu tiên có thể quan sát được là giờ giấc sinh hoạt của chúng. Thường thức khuya nghe nhạc, bám vi tính đến hai giờ sáng mới đi ngủ. Cho nên buổi sáng bắt đầu có khi là 9, 10 giờ. Không ăn sáng. Bởi lúc đó mới ra ngoài, ăn trưa luôn. Thế chúng không đi làm đi học gì à? Có chứ. Đi học thì cúp cua, dễ lắm. Còn đi làm? Có nhiều công việc ca kíp đâu cần đến sớm. Bằng chứng là cứ ra đường mà xem. Giờ làm việc rồi đường phố vẫn đông đặc. Nếu đi làm đúng giờ thì chỉ đông lúc đi làm và lúc về thôi chứ. Đằng này lúc nào cũng đông.
"Thế hệ... khùng" của các bà ấy (nói lén với nhau, chứ đừng để chúng nghe thấy mà tự ái) - họ rất tự tin và năng động. Phải tin tưởng ở thế hệ trẻ. Đúng rồi. Nhưng với cậu ấm cô chiêu trong các gia đình ở đô thị thì các bà mẹ... chưa tin lắm. Là bởi các cậu ấm cô chiêu này chưa làm ra tiền, nhưng tiêu tiền lại rất ác liệt. Làm gì có khái niệm tiết kiệm, khi mà giá cả các đồ hiệu đều làm các bậc cha mẹ chóng mặt. Rồi các đồ dùng điện tử không chỉ dừng ở laptop với máy ảnh đồ xịn, mà là "ai phôn", "ai pot" đủ các loại tân kỳ.
"Tôi có một giấc mơ...", bài hát ấy bây giờ có nhiều nghĩa lắm. Không biết có ai như vị thi sĩ của thế kỷ trước đi đo "giấc mơ con đè nát cuộc đời con" - bây giờ mọi giấc mơ đều lớn lao cả. Chỉ có điều muốn làm cho ước mơ trở thành hiện thực phải giỏi nhiều thứ lắm, phải trang bị cho mình nhiều kỹ năng lắm. Vậy mà một kỹ năng tự nhiên để sống bình thường, họ vẫn chưa có, vẫn đang tốn tiền cha mẹ để đi học.
Không biết các con mình giỏi hay dốt nữa. Người thì cho rằng con cái chúng ta giỏi thật, người lại nói rằng con cái chưa biết... sống, còn đang học từ cách cư xử hội nhập với xung quanh, để đến trường đừng đánh bạn rồi quay phim.
Chẳng hiểu phải "đánh giá chất lượng" thế nào cho đúng. Bởi bây giờ cũng có người thật và giả giống như hàng hóa chúng ta đang xài vậy. Thông minh tài giỏi, nhưng lại thiếu nhiều thứ cơ bản, sống thiếu cân bằng vậy không "khùng" thì là gì?
Theo PN