Các em bé thường có nhiều cách thể hiện khác nhau về các loại thực phẩm mà chúng đang ăn, đó có thể là một cái nhăn mặt, ngậm chặt miệng hoặc phun thức ăn ra khắp phòng, qua đó cha mẹ có thể nhận biết được trẻ cảm nhận như thế nào về thức ăn.
Trẻ làm quen sớm với rau trái sẽ có thói quen và sở thích ăn uống lành mạnh hơn về sau. Ảnh: Inmagine.
Nhưng một nghiên cứu mới đây đã cho thấy rằng những đứa trẻ vài tháng tuổi nếu được tiếp xúc sớm với một số loại trái cây và rau quả thì về sau trẻ không chỉ có khả năng ăn được rau quả mà còn thực sự thích ăn chúng.
Tại sao phải cho trẻ làm quen từ rất sớm?
Theo một nghiên cứu được thực hiện trên 45 trẻ từ 4 đến 8 tháng tuổi ở Philadelphia, các chuyên gia cho biết trẻ sẽ ăn được nhiều đậu hơn nếu trước đó trẻ đã được tập ăn một ít rau quả. Tương tự như vậy đối với những bé đang bú sữa mẹ, nếu người mẹ ăn nhiều đào thì bé sẽ ăn được nhiều rau quả hơn những đứa trẻ khác.
Trong sữa mẹ luôn phảng phất một phần hương vị của các thực phẩm mà người mẹ dùng, để các bé "thưởng thức". Nếu muốn bé yêu thích những thực phẩm như rau và trái cây thì người mẹ cần ăn chúng thường xuyên hơn để trẻ "quen" với mùi vị các dạng thực phẩm như vậy. Các chuyên gia nói thêm rằng khi cai sữa cho bé, bạn nên cho bé ăn lặp lại nhiều lần những thực phẩm ấy để thiết lập cho bé một sở thích thực sự.
Các chuyên gia cũng cảnh báo các bậc cha mẹ không nên vội cất thức ăn khi nhìn thấy bé tỏ thái độ chán ghét. Sự nhăn mặt hay chu miệng khó chịu của bé chỉ là một phản ứng tự nhiên để bé làm quen với những mùi vị mới, chứ không hẳn là dấu hiệu cho thấy bé không thích những món ăn ấy.
Các chuyên gia nói rằng, thay vì dựa vào biểu hiện có vẻ phản đối trên gương mặt trẻ, người mẹ nên để ý đến việc em bé của bạn sẵn sàng như thế nào trong việc ăn uống.
Nếu trong thời kỳ cho con bú, các bà mẹ ăn một chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng thì cũng đừng quên cố gắng tận hưởng hương vị các món ăn thật lâu trước khi nuốt chúng. Đó chính là cách giúp con bạn có thể phát triển một khẩu vị mới đối với những món ăn bổ dưỡng. Nhưng nếu bạn ăn một chế độ thực phẩm không đảm bảo dinh dưỡng trong khi cho con bú thì chắc chắn rằng em bé của bạn cũng sẽ "khoái khẩu" những món ăn không tốt cho sức khỏe kiểu như vậy.
Làm quen như thế nào?
Cho dù bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ hoặc sữa bột, bạn có thể bắt đầu cho bé làm quen với các thức ăn đặc khi bé 6 tháng tuổi. Trước đây, không ít phụ nữ cho con ăn thức ăn thô khi bé vừa 4 tháng nhưng các nhà khoa học thuộc Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyên rằng nên đợi đến khi trẻ được 6 tháng tuổi, bởi cho bé ăn thức ăn thô quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng thức ăn, nhưng tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập cho bé ăn dặm dù là ở độ tuổi nào đi chăng nữa.
Sau đây là một số bí quyết để bạn có thể giúp bé bước đầu làm quen với những thực phẩm đặc, nhất là đối với các loại rau và trái cây:
• Hãy bắt đầu với một lượng nhỏ bột ngũ cốc trộn với sữa mẹ hoặc sữa bột.
• Sử dụng muỗng cho bé khi ăn và đừng cho trẻ uống ngũ cốc bằng bình.
• Nếu con bạn đẩy thực phẩm ra đầu lưỡi và có vẻ từ chối, bạn hãy cố thử lại lần nữa trong khoảng 1 tuần sau đó, bởi thời điểm đầu có thể bé chưa sẵn sàng đón nhận những hương vị mới.
• Đợi đến khi em bé ăn được bột ngũ cốc, bạn hãy tiếp tục cho bé thử những thực phẩm đặc khác.
• Bắt đầu cho bé dùng những thực phẩm như trái cây hoặc rau xay nhuyễn mịn. Đợi khoảng 1 tuần để xem những phản ứng dị ứng có thể xảy ra trước khi cho bé thử những món khác.
• Đừng cho bé ăn những thực phẩm hỗn hợp (kiểu như lê, đào hoặc cà rốt, đậu Hà Lan) nếu bạn chưa cho bé dùng thử qua từng loại trong ít nhất 1 tuần.
Đợi đến khi:
+ Trẻ được 6 tháng thì có thể cho dùng nước trái cây nhưng không vượt quá 120ml/ ngày
+ Trẻ 9 tháng có thể cho ăn các loại thịt xay nhuyễn; thức ăn dạng miếng hay cuốn
+ Trẻ 1 tuổi có thể thưởng thức trứng, sữa bò, nước trái cây và mật ong
+ Trẻ 2 tuổi có thể được cung cấp đậu phộng, hạt, hoặc hải sản (trừ trường hợp trong gia đình bạn có người bị dị ứng với dạng thực phẩm này)
Trên tất cả, bạn hãy kiên nhẫn đáp ứng nhiều loại rau quả, thực phẩm khác nhau để trẻ thay đổi khẩu vị và trở nên yêu thích những món ăn mới, thậm chí có thể cố nhét thức ăn vào miệng trẻ. Các bé thường có vẻ thích trái cây và rau cải ngọt (như cà rốt, khoai lang), nhưng bạn cũng đừng quên cho trẻ trải nghiệm nhiều loại rau quả khác.
Nguồn: Webtretho (tổng hợp).