Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chương XVI: Những buổi họp với trẻ Mầm Non


Đó là khoảng thời gian diễn ra buổi họp lớp ở trường mẫu giáo ABC. Những đứa trẻ ổn định chỗ ngồi quanh một vòng tròn, trong khi anh Scott, giáo viên của trường đang dẫn dắt buổi họp lớp đó. "Dường như chúng ta đang có một vấn đề trên sân trường, đó là có một số bạn ném những mảnh gỗ vào người khác. Có bạn nào có điều gì để nói về vấn đề này không, hoặc là có bạn nào đưa ra được một gợi ý, để chúng ta có thể giải quyết được vấn đề này nhỉ?"

Cậu bé Girard 5 tuổi giơ tay. "Bất kỳ ai ném mảnh gỗ vào người khác sẽ bị phạt!" - cậu bé nói. Bé Natalie 4 tuổi giơ tay, và khi được gọi lên, cô bé đề nghị rằng: "Chúng ta sẽ không có thêm bất kỳ một mảnh gỗ nào nữa, thay vào đó là kính."


Giáo viên nhìn về phía Cristina 3 tuổi, cô bé có bàn tay nhỏ nhắn vẫn đang kiên trì giơ cao, và anh gọi cô bé. Cristina nói với một nụ cười tươi sáng. "Đoán cái gì cơ ạ?"

Anh Scott hỏi lại "Cái gì vậy Cristina?"

"Ngày hôm nay con đã có chuối trong món ngũ cốc của mình."

"Ừm..., món đó chắc hẳn là có vị rất ngon." - Scott cười và cảm ơn Cristina đã cho ý kiến. Sau đó anh hỏi bọn trẻ thêm những gợi ý nữa về vấn đề ném mảnh gỗ vào người khác. Mặc dù Cristina rõ ràng là chẳng nghĩ gì về vấn đề các mảnh gỗ, nhưng cô bé vẫn là một thành viên có giá trị ở trong nhóm.

Khi những đứa trẻ đủ lớn để tham gia các hoạt động trong nhóm tính cực hay nhóm vòng tròn (thường là khoảng 3 tuổi rưỡi), thì chúng đã sẵn sàng để tham gia vào những buổi họp lớp. Tổ chức các buổi họp lớp là một cách tuyệt vời để giúp trẻ học hỏi sự hợp tác, sự đóng góp, và những kỹ năng giải quyết vấn đề. Lớp học này đã nhất trí rằng họ sẽ không ném đi bất kỳ một mảnh gỗ nào thêm nữa - đây là một gợi ý chưa bao giờ được thực hiện khi giáo viên đề nghị, nhưng nó đã rất hiệu quả khi được đề nghị bởi một học sinh nhỏ, và được cả lớp nhất trí.

 

Một buổi họp lớp là gì?

Những buổi họp lớp thì lớn hơn những buổi họp giải quyết vấn đề trong nhóm. Trong một buổi họp lớp, những đứa trẻ tập trung lại để giúp đỡ nhau, động viên nhau, học hỏi các kỹ năng giao tiếp, tập trung vào các giải pháp, và phát triển sự phán xét một cách khôn ngoan. Cho đến nay, hiệu quả lớn nhất của các buổi họp lớp cho dù ở bất kỳ độ tuổi nào, là tạo ra cảm giác về quyền sở hữu. Bởi vì nhu cầu muốn có quyền sở hữu nằm ở đúng trung tâm của những hành vi có mục tiêu sai lầm, điều này nghĩa là nếu nêu ra được nhu cầu đó sẽ có được hiệu quả lâu dài, có tác dụng lớn nhất đến hành vi cư xử của mỗi đứa trẻ trong nhóm.

Các buổi họp lớp tạo ra rất nhiều cơ hội để học hỏi và nâng cao các kỹ năng. Chúng giúp thu được những kỹ năng xã hội, và thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ. Chúng cũng giúp phát triển đức tính có trách nhiệm với cá nhân và với nhóm. Tổ chức những buổi họp lớp cũng là trao quyền cho những đứa trẻ nhỏ, với những thái độ tích cực của người lớn về khả năng và tầm quan trọng của chính trẻ. Những thái độ tích cực không chỉ giúp hình thành nên hành vi tích cực mà còn tạo nên lòng tự trọng.

Trong chương này, chúng tôi sẽ đưa ra các cách bạn có thể sử dụng để bắt đầu những buổi họp lớp ở trường. Nếu muốn có sự tham khảo, thảo luận rộng hơn về các buổi họp lớp, bạn hãy xem cuốn Positive Discipline in the Classroom của tác giả Jane Nelsen và Lynn Lott, NXB Three Rivers, 2000.

Độ tuổi nào là quá nhỏ?

Bạn có thể đang nghĩ rằng "Tôi có thể thấy giá trị của những buổi họp lớp dành cho những đứa trẻ học tiểu học, nhưng đối với những đứa trẻ học mẫu giáo thì không, chúng quá nhỏ?" Sự thực không phải như vậy - những đứa trẻ từ 3 tuổi rưỡi trở lên đã có thể cùng nhau làm việc trong những buổi họp lớp. Thậm chí, những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn có thể bắt đầu phát triển những thái độ tích cực khi tham gia họp lớp. Những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn có thể học hỏi từ những đứa lớn, và những đứa trẻ lớn hơn có thể học được cách để xem xét và kết luận, về các nhu cầu của những đứa trẻ nhỏ tuổi. Những đứa bé mới 3 tuổi như Cristina tất nhiên sẽ có những đóng góp khác so với những đứa trẻ lớn hơn. Vì vậy, có một giá trị đích thực trong việc bao gồm cả những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn trong buổi họp. Giá trị lớn nhất được tạo nên trong buổi họp là giúp cho trẻ có được cảm giác về quyền sở hữu.

Ngay cả trong trường hợp toàn bộ lớp của bạn chỉ bao gồm những đứa trẻ 2 tuổi hay 3 tuổi, thì cả lớp vẫn có thể cùng nhau tham gia vào các buổi họp lớp. Người giáo viên sẽ có vai trò làm gương cho các em bé khi không có những đứa bé lớn tuổi hơn; người giáo viên có thể cần phải đưa ra hầu hết những gợi ý để giải quyết vấn đề, và giúp những đứa trẻ học lựa chọn các giải pháp đưa ra. Ngay cả những em bé chập chững biết đi cũng có thể tham gia vào buổi họp lớp, mặc dù mục đích chính của những buổi họp chỉ đơn giản là lên kế hoạch một buổi đi chơi hay một hoạt động vui nhộn. Hãy xem xét để phát triển những kỹ năng xã hội và ngôn ngữ cho trẻ. Điều này sẽ giúp bạn biết được bạn nên đặt hi vọng ở mức nào.

Cho đến khi những đứa trẻ được 4 tuổi, khi tham gia họp lớp chúng sẽ học được những yếu tố của buổi họp. Ví dụ, giáo viên có thể dạy cho trẻ biết được khái niệm của việc giúp đỡ người khác, thông qua việc tìm một ai đó để giúp đỡ. Trong chương 10, chúng tôi đã đưa ra một ví dụ về những đứa trẻ đã giúp đỡ một người chuyên đi bắt nạt người khác, để giúp cậu bé chuyển hướng hành vi cư xử sai của mình. Những đứa trẻ từ 4 tuổi trở lên học hỏi rất nhanh về ý tưởng giải quyết vấn đề - và rất giỏi đưa ra ý tưởng giải quyết vấn đề, khi được dạy các kỹ năng và tạo cho cơ hội để thực hành.

Các yếu tố tạo nên thành công cho những buổi họp lớp

Có 4 mục tiêu chính dành cho những buổi họp lớp của trẻ mẫu giáo. Liệt kê những yếu tố này bằng một cột biểu đồ được tô màu sắc sáng rõ, có thể tạo ra được một cuộc họp ổn định và giúp trẻ tập trung chú ý. Một khi bạn lập ra được các biểu đồ đó, những đứa trẻ mẫu giáo sẽ nhanh chóng muốn chạy tới buổi họp. Những đứa trẻ thích được gọi tham gia buổi họp, thích được nêu tên trong buổi họp, và muốn có người hỏi để đưa ra ý kiến giải quyết vấn đề, và kết thúc buổi họp.

4 yếu tố tạo nên thành công cho buổi họp lớp

- Đưa ra lời khen và sự đánh giá cao
- Trao quyền cho những đứa trẻ để giúp đỡ lẫn nhau
- Giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng đến lớp
- Lên kế hoạch cho những hoạt động sẽ diễn ra

Những lời khen và sự đánh giá cao

Độ tuổi của những đứa trẻ có ảnh hưởng đến những lời khen mà trẻ nói ra. Những đứa trẻ 4, 5 tuổi có thể nói những điều đại loại như "Con đánh giá cao việc Jane là bạn con," hoặc là "Con khen ngợi Eddie vì cậu ấy đã chơi trò mặc quần áo cùng con." Bạn có thể thậm chí nghe được một tình huống là "Cô ấy đã đẩy con ra khỏi cái đu!" (Ồ, những đứa trẻ vẫn chưa đưa ra được một lời khen hoàn chỉnh!)

Những đứa trẻ 3 tuổi luôn luôn không hiểu được khái niệm của những lời khen. Chúng có thể nói rằng "Con yêu mẹ của con," "Tớ có một con gấu Teddy ở nhà," hoặc là "Tớ có bánh pizza cho bữa tối đấy." Những đứa trẻ nhỏ này thường nói bất cứ điều gì trong ý nghĩ của chúng, nhưng những người giáo viên có thể mỉm cười và cảm ơn vì đã đưa ra bình luận. Khái niệm về cảm giác được đóng góp cũng gần giống như vậy.

Giáo viên có thể hỏi một vài câu hỏi trợ giúp để hướng dẫn trẻ học được cách đưa ra lời khen là thế nào. Ví dụ như: "Con thích điều gì ở trường chúng ta?" hoặc là "Ngày hôm nay có ai đã giúp con cảm thấy vui không?" Người giáo viên có thể làm mẫu cho trẻ về việc đưa ra lời khen: "Cô rất muốn khen ngợi tất cả các con, về việc ngày hôm qua các con đã làm một cái bánh ngon tuyệt. Và cô đã rất vui khi mọi chiếc bàn đã được lau và dọn sạch sẽ, sau khi chúng ta trộn bột bánh xong." "Madison, cô khen ngợi con để cho cô và các bạn giúp con giải quyết vấn đề con không thích bữa ăn trưa. Cô đánh giá cao về những ý kiến của con, bởi vì cô có thể áp dụng một số ý tưởng đó."

"Cô yêu con, nhưng..." - bạn đã từng nghe thấy câu nói đó trước đây: Lời khen đơn giản là khởi đầu sự phê bình. "Con đã làm rất tốt, nhưng ..." "Cảm ơn con vì đã tự nhặt đồ chơi của con, nhưng ..." Những đứa trẻ cũng sẽ nói những câu tương tự thế này. "Con đánh giá cao việc Maggie chơi với con và không đẩy con ra." Những lời khen như vậy giống như là những cái đuôi cá sấu quất về phía chúng ta để đánh gục chúng ta. Những đứa trẻ thậm chí có thể phát triển một "sự chùn bước vì lời khen." Chúng học được rằng bất cứ khi nào người lớn nói một điều gì đó tốt đẹp, điều này có nghĩa là theo ngay sau nó chắc chắn là một điều gì đó không mấy tốt đẹp. Khi những đứa trẻ đã nghĩ như vậy, thì cho dù là những lời động viên chân thành hay đánh giá cao thực sự của bạn, cũng sẽ không còn tác dụng nữa.

Làm mẫu để nói cho người khác biết rằng bạn đánh giá cao điều mà họ làm, có thể là sự thực hành tuyệt vời cho tất cả chúng ta. Hãy chỉ cười, cảm ơn, và đánh giá cao thôi; hãy tìm một khoảng thời gian khác để đưa ra gợi ý có ích. Những đứa trẻ sẽ học hỏi từ hình mẫu là bạn.

Giúp đỡ lẫn nhau

Phần tiếp theo của buổi họp lớp là giúp đỡ lẫn nhau. Đây là một cơ hội để cho những đứa trẻ đề nghị được giúp đỡ một vấn đề nào đó.

Đó là một buổi sáng thứ 3 tại trường mẫu giáo Hill Harbor. Lớp học của những đứa trẻ nhỏ 3, 4 tuổi, bắt đầu buổi họp lớp với giáo viên của chúng là anh Silk. Anh hỏi rằng liệu hôm nay có ai cần sự giúp đỡ của cả lớp không.

Cậu bé Matthias giơ tay và nói, "Con không thể thức dậy vào buổi sáng." Những đứa trẻ đưa ra rất nhiều ý kiến giúp đỡ khác nhau: "Đi ngủ sớm hơn đi." "Dù sao chăng nữa, chỉ là: Hãy dậy đi!" "Đi đến trường trong bộ đồ ngủ đi." Anh Silk quay về phía Matthias. "Con nghĩ có ý kiến nào trong số những ý kiến này giúp được con không, hay là cả lớp sẽ đưa ra thêm ý kiến khác nữa?" Matthias dừng lại để cân nhắc, sau đó cậu bé quyết định cậu sẽ "Dù sao thì hãy dậy đi."


Tiếp theo, cậu bé Julian giơ tay lên và nói rằng cậu cần giúp đỡ, bởi vì "Mẹ của con không có đủ tiền." Sau khi đồng cảm với Julian, các bạn nhỏ khác cũng nói rằng chúng cũng gặp phải vấn đề đó. Những người bạn của Julian đang háo hức muốn giúp cậu. Một vài bạn đề nghị đưa tiền cho Julian. Brandon gợi ý rằng Julian có thể làm một số công việc để kiếm tiền. Crytal nói, "Mẹ của tớ sẽ giúp cậu." Devon gợi ý rằng, "Mẹ của bạn có thể kiếm một công việc kiếm được nhiều tiền hơn."

Khi cuộc thảo luận này kết thúc, có thể là mẹ của Julian sẽ không có thêm tiền, nhưng Julian đã có sự lo lắng chân thành về tiền, và sự lo lắng của cậu đã được đối xử theo cách tôn trọng. Cậu bé cũng đã học được rằng những người bạn cùng lớp đều quan tâm đến nhu cầu của cậu, và một số bạn cũng chia sẻ những lo lắng giống cậu. Giúp đỡ lẫn nhau có thể trở thành một phần có sức mạnh rất lớn trong buổi họp lớp.

Những bậc phụ huynh có thể được mời tham gia họp lớp. Việc nhìn thấy cánh tay của con họ giơ lên để phát biểu, có thể khuyến khích các bậc phụ huynh cũng tạo nên những buổi họp tương tự ở nhà.

Em bé của tuần

Một chương trình đặc biệt để tuyên dương trẻ nhỏ ở một trường mẫu giáo có tên là "Em bé của tuần". Sẽ có một "Em bé của tuần" được xoay vòng lần lượt, và mọi đứa trẻ trong lớp sẽ được chọn ít nhất một lần trong năm.

Giáo viên sẽ mang ra một tờ giấy lớn và những bút màu. Trên đầu tờ giấy, giáo viên sẽ viết tên của học sinh đó. Sau đó mỗi bạn lần lượt sẽ nói về điều mà bạn ấy thích hay đánh giá cao bạn đó, trong khi đó cô giáo sẽ viết những lời bình đó lên giấy: "Con thích bạn ấy bởi vì bạn ấy là bạn của con." "Bạn ấy chơi với con." "Bạn ấy có một đôi mắt sáng lấp lánh." (Wow!) "Bạn ấy nhảy giống như là Tiger vậy."

Nếu như các bạn nhỏ dường như không biết nói thế nào, giáo viên có thể đưa ra một vài hướng dẫn bằng việc hỏi các câu hỏi như. "Ai muốn nói là Maureen có thể đến dự bữa tiệc sinh nhật của mình nhỉ?" "Ai nhớ đã chơi cùng với Maureen ở nơi chơi trò mặc quần áo tuần này nhỉ?" Giáo viên cũng có thể thêm vào những lời bình thể hiện sự đánh giá cao "Em bé của tuần", và làm mẫu đưa ra lời khen cho những bạn nhỏ. Nếu như có một số trẻ vẫn gặp vấn đề về việc nghĩ ra điều gì để nói (hoặc là có một chút xấu hổ), thì giáo viên có thể hỏi rằng "Có bạn nào muốn viết tên lên giấy giống như là những người bạn của Maureen không?"

Khi tất cả các bạn nhỏ đã kết thúc xong một vòng, giáo viên sẽ cuộn tờ giấy vào và buộc chặt vào một dải băng đẹp. Một học sinh nhỏ khác sẽ được chọn để đại diện đưa tờ giấy cuộn đó cho Maureen. Buổi họp lớp kết thúc với một bài hát, có thể là "dành cho bạn - một người bạn tốt và thú vị." Đó không phải là một cách tồi để bắt đầu một ngày của một em bé đúng không? Được là "Em bé của tuần" có thể là một cách đối xử rất đặc biệt cho mọi đứa trẻ - nhưng hãy nhớ phải tập trung vào việc tạo ra cảm giác về quyền sở hữu. Rất dễ dàng để chuyển ý nghĩa của sự động viên thành sự tán dương, điều này dạy cho những đứa trẻ bài học không tốt - phải phụ thuộc vào sự đánh giá của người khác.

Một người giáo viên đã xem chương trình này trong thời gian thực tập ở một trường của Mỹ, đã mang chương trình này về áp dụng tại lớp học của cô ở Châu Á, đặt lại tên là "Ngôi sao của tuần". Ở đất nước của cô, các gia đình không được tham gia vào các hoạt động của trường ngoại trừ những sự kiện quyên góp tiền, nhưng các gia đình đó đã đáp lại với niềm thích thú và tò mò, khi cô đề nghị tổ chức chương trình "Ngôi sao của tuần".


Một tuần nọ có một phụ huynh của một bạn nhỏ không có nhiều hiểu biết, và là người mà các giáo viên có xu hướng không coi trọng, đã tham gia chương trình "Ngôi sao của tuần" của con trai mình. Anh ta và con trai mình đã cùng nhau dựng lên một ngôi nhà nhỏ rất công phu, ngôi nhà này được tạo ra hoàn toàn bằng tăm tre và ống hút nhựa. Sản phẩm này là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Thấy được niềm tự hào của người đàn ông này và tình yêu với con trai, những người giáo viên đã cảm thấy mình thật kém cỏi trước tài năng của anh, và số lượng thời gian công sức anh đã dành cho con trai. Thái độ của những người giáo viên về gia đình đó đã thay đổi: tham gia vào chương trình "Ngôi sao của tuần" đã đánh thức lòng trắc ẩn của họ. Một cảm giác về sự tôn trọng nhau giữa giáo viên và gia đình của các học sinh nhỏ đã bắt đầu phát triển. Thực tế, tác phẩm tuyệt vời đó đã được trưng bày trong suốt cả học kỳ đó. Đôi khi những ý tưởng nhỏ thôi có thể dẫn đến những thay đổi phi thường. Bằng cách mời cả những đứa trẻ và người lớn cùng nhau đóng góp, sẽ làm cho các buổi họp lớp tạo nên được những gắn kết như vậy.

Giải quyết các vấn đề

Có thể bạn sẽ thấy thật ngạc nhiên, nhưng những đứa trẻ thật sự có khả năng sáng tạo đáng kể khi giải quyết vấn đề. Vào một buổi chiều, một thông báo sau đã xuất hiện tại trường mẫu giáo Mountain View: Chiều thứ 5 này chúng tôi sẽ mở một quầy nướng bánh nhỏ. Chúng tôi đang học để thành người có trách nhiệm, bằng việc thay thế một cuốn sách thư viện bị rách. Chúng tôi sẽ nướng bánh ở trường và bán bánh với giá 25 cent mỗi cái. Các bạn nhỏ sẽ muốn kiếm 25 cent ở nhà bằng cách làm một công việc đặc biệt. Ý tưởng bán bánh xuất phát từ cuộc thảo luận họp lớp của chúng tôi về việc sách bị phá hỏng. Chúng tôi cũng đã thảo luận và đưa ra cách làm thế nào để cầm sách, và làm thế nào để lật mở các trang sách ở đúng cạnh."

Buổi họp tuần tiếp theo, các bạn học sinh nhỏ đã chuẩn bị một vài mẻ bánh trong suốt thời gian học, học hỏi những kỹ năng mới (và có một khoảng thời gian tuyệt vời). Vào thứ 5, buổi bán bánh đã diễn ra, và đã thành công đến nỗi sau khi trừ đi chi phí làm nguyên liệu bánh, các bạn nhỏ đó đã kiếm không chỉ đủ tiền để thay thế quyển sách bị hỏng, mà còn mua được quyển sách mới khác. Chúng đã dành thời gian của buổi họp tiếp theo để thảo luận về loại sách mới nào chúng muốn mua cho lớp học.

Hãy tưởng tượng, nếu như người giáo viên của lớp đó đã la mắng những đứa trẻ, và lấy đi những đặc quyền, thì cơ hội để học hỏi và thực hành những kỹ năng sống vô cùng quan trọng này, chắc sẽ bị bỏ lỡ.

Những buổi họp lớp cũng có thể tạo nên những cơ hội thật sự giá trị để học hỏi các kỹ năng xã hội.

Hãy đặt vấn đề đó vào chương trình buổi họp

Một chương trình họp lớp là một loạt các chủ đề được viết ra trong một quyển sổ chương trình họp lớp hoặc là được dán lên tường nơi mà tất cả mọi người nhìn thấy. Những đứa trẻ và người lớn có thể liệt kê những điều họ muốn thảo luận tại buổi họp tới. Ngoài việc cung cấp một loạt các vấn đề để thảo luận, một chương trình họp lớp cũng có thể như là một phương tiện làm dịu bớt cơn nóng.

Khi Jon đang đi huỳnh huỵnh trong cơn tức giận để nói với giáo viên rằng, "Parker vừa mới giết chết một con gián," người giáo viên có thể chia sẻ cho sự lo lắng của cậu bé và nói rằng "những loài côn trùng nên được đối xử thế nào" sẽ tạo nên một chủ đề rất hay cho buổi họp lớp của họ. Cô ấy hỏi Jon liệu cậu bé có muốn đặt vấn đề đó vào buổi họp lớp không. Cậu bé rất sẵn lòng đồng ý, họ cùng nhau viết "những con gián" lên chương trình họp lớp tới, sau đó Jon viết tên của cậu vào đó. Nếu Jon còn quá nhỏ, giáo viên có thể viết tên Jon và chủ đề cho cậu bé. Hoặc là cô giáo có thể khuyến khích Jon vẽ một bức tranh con gián và cô giáo đánh dấu tên Jon lên đó hoặc là Jon tự đánh dấu. Để Jon tham gia vào một số việc là thể hiện lòng tôn trọng và tạo ra cho Jon có được cảm giác có tính trách nhiệm và sự ảnh hưởng.

Khi đến lúc để giải quyết vấn đề, người giáo viên sẽ nhìn vào bảng chương trình họp lớp và hỏi Jon giải thích vấn đề về những con gián cho những bạn khác. Bởi vì Jon cảm thấy được lắng nghe khi cậu bé tức giận và vấn đề được đặt vào chương trình họp lớp, bây giờ cậu bé có thể thảo luận vấn đề một cách bình tĩnh. Giáo viên của Jon sẽ quan sát để thấy rằng cả lớp đang tập trung vào việc đối xử với những con côn trùng - không phải tập trung vào người đã giết con gián hoặc là cậu bé đó phải bị trừng phạt thế nào.


Vào một buổi sáng, trong buổi họp lớp, cô bé Candace 4 tuổi đã nói rằng một bạn nhỏ khác đã gọi bạn cô bé là Dylan bằng một cái tên xấu. Giáo viên đã hỏi Dylan liệu đây có phải là vấn đề mà cậu muốn cả lớp thảo luận không. (Điều này hết sức quan trọng, vì những đứa trẻ học được tính có trách nhiệm đối với chính những nhu cầu của mình). Sau khi Dylan nói về câu chuyện của mình, giáo viên đã hỏi liệu có còn ai nữa đã từng bị gọi bằng những cái tên xấu. Cô giáo hỏi, "Điều đó làm cho các con cảm thấy thế nào?" Một cuộc thảo luận sống động đã diễn ra sau đó, và những đứa trẻ đã nhất trí rằng điều đó gây tổn thương cho người bị gọi tên xấu. Sau đó họ đã cùng nhau giải quyết vấn đề bằng cách liệt kê một loạt những giải pháp khả thi.

"Có lẽ người đang gọi tên xấu có thể tự kiểm soát lại mình." "Tránh ra." "Hãy nói: Đừng nói câu đó!" "Nhờ giáo viên giúp đỡ." "Nói cho những người gọi tên xấu rằng bạn không thích như vậy." "Yêu cầu họ đến ngồi ở chỗ bình tĩnh lại." "Hãy nói: Dừng!" "Tất cả các bạn sẽ đều tránh xa, và thảo luận điều đó ở buổi họp lớp."

Những gợi ý trên dường như là tương tự nhau, nhưng tất cả đều được tôn trọng và được ghi lại. Dylan và các bạn cùng lớp bây giờ có thể thảo luận về những kết quả có thể xảy ra cho mỗi lựa chọn (với một vài giúp đỡ nhẹ nhàng từ giáo viên), và đưa ra quyết định chọn các cách để họ có thể đáp lại khi bị gọi tên xấu vào lần sau. Hãy nhớ rằng, trẻ mẫu giáo vẫn đang rèn luyện những kỹ năng xã hội; những gợi ý giống như là "hãy gọi lại cậu ấy bằng một tên tồi tệ", hoặc là "đấm cậu ta đi", sẽ giúp tạo thêm những cơ hội để trẻ học về việc lựa chọn đưa ra được những sự đáp lại khác phù hợp hơn.

Lên kế hoạch cho những hoạt động sẽ diễn ra

Khi những đứa trẻ nhỏ được hỏi về những hoạt động vui nhộn chúng có thể tham gia trong một nhóm, thì không phải tất cả những ý kiến đưa ra sẽ được thực hiện: "Tất cả chúng ta có thể đi tới Disneyland." "Chúng ta sẽ đi ra bãi biển." (mà không bao giờ nghĩ rằng đang có tuyết bên ngoài.) "Chúng ta có thể đi một chuyến máy bay. Bố của tớ sẽ đưa chúng ta đi cùng." Một khi những đứa trẻ bắt đầu đưa ra những gợi ý sẽ không xảy ra, chúng có xu hướng chùn bước. Vì vậy sẽ rất có ích nếu giáo viên hướng dẫn trẻ đưa ra những ý tưởng về các hoạt động vui nhộn hay ngoài trời có thể thực hiện.

Có hàng chục các ý tưởng khác nhau. Những chuyến đi tới sở cảnh sát, trung tâm chữa cháy, sở thú, và công viên, có thể là những chuyến đi khả thi, phụ thuộc vào chương trình của bạn. Hãy nhớ rằng một chuyến đi ra ngoài có thể là một cơ hội tuyệt vời để khơi gợi những đứa trẻ giải quyết những vấn đề. Hãy hỏi trẻ những vấn đề nào trẻ gặp phải trong lần đi ra ngoài gần đây nhất, hoặc là trẻ nghĩ ra một số các quy định trẻ nên thực hiện là gì. Nếu như những đứa trẻ không thể nghĩ ra điều gì, giáo viên có thể gợi ý, ví dụ như là những mong muốn khi đi ngang qua đường, việc xô đẩy nhau, chạy vòng quanh, nên lắng nghe yên lặng và tôn trọng khi trưởng bộ phận cứu hỏa nói chuyện. Sau đó, những đứa trẻ sẽ động não suy nghĩ để tìm ra giải pháp. Những đứa trẻ sẽ sẵn lòng làm theo các quy định khi chúng có tham gia vào việc đưa ra các quy định.

Nhiều hoạt động vui chơi diễn ra ngay cũng có thể được lên kế hoạch. Các đồ ăn như kem và bắp rang bơ thì dễ dàng cung cấp, và đối với những đứa trẻ thì nó thật vui nhộn. Nếu như có liên quan đến chi phí về tiền, thì những đứa trẻ có thể thực hiện những kế hoạch để đóng góp vào tiền quỹ. Trẻ có thể kiếm được tiền ở nhà thông qua các công việc đặc biệt, hoặc là làm việc tại trường như là một nhóm. Một nhóm những đứa trẻ đã quyết định bán khoai tây nướng vào cuối ngày cho những bậc cha mẹ đang mệt và đói. Cái mùi hương của món khoai tây nướng thật là tuyệt vời, khi những bậc phụ huynh bước vào trường để đón con. Và thật là thừa khi nói với các phụ huynh rằng, việc đi quyên góp để gây quỹ tạo ra sự thành công vang dội.

Lớp học có thể lập ra một mục tiêu, như là cả lớp sẽ có một bữa tiệc pizza, khi tất cả các giá và đồ chơi đã được lau sạch. Giáo viên có thể cung cấp giá đỡ, những miếng vải thấm nước, và những bạn học sinh nhỏ có thể giúp lau dọn. Trường mẫu giáo có thể tạo nên ngày lau dọn sàn thường xuyên, mà ngày hôm đó đồ đạc được lau sạch sẽ, và có đủ những miếng vải thấm nước cho tất cả học sinh. Những đứa trẻ rất thích chơi với nước, được đào tạo và có những sở thích xã hội, và tất cả đều quây quần trong một hoạt động. Hãy nhớ rằng để trẻ tham gia vào việc lập kế hoạch cho một hoạt động, cho dù là ở môn nghệ thuật, nấu ăn, hay vui chơi, sẽ làm cho hoạt động đó diễn ra thành công hơn. Khi những đứa trẻ được mời tham gia, được cảm thấy có năng lực và sáng tạo, chúng hầu hết đều luôn luôn đáp lại bằng sự nhiệt tình.

Mamnon.com