Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phỏng ở trẻ em: Làm gì để giúp trẻ (Phần 3)


Khoa Phỏng BV Nhi đồng I rất chú trọng công tác chống nhiễm khuẩn. Phòng ốc luôn được lau chùi kỹ lưỡng. Trẻ em được cách ly hoàn toàn với người nhà. Khi cần tiếp xúc, người nhà phải mặc áo choàng, rửa tay sạch. BS Nguyễn Bảo Tường cho biết: Các bệnh nhân phỏng nặng sẽ được các BS lọc bỏ phần mô bị cháy hay bị hoại tử và tiến hành ghép da càng sớm càng tốt. Nếu để lâu, vết thương hở rất dễ nhiễm trùng hoặc co rút vết sẹo. Mặt khác, chúng ta không chỉ cứu sống đứa trẻ, làm lành vết thương nhanh nhất, các BS còn phải giúp trẻ tái hoà nhập về mặt chức năng và tính thẩm mỹ. Các bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy da đầu để ghép. Đây là nguồn cho da rất quý, vì không để lại sẹo, đảm bảo chức năng thẩm mỹ. Trung bình phải ghép sáu lần, mỗi lần ghép tối đa 15%. Da đầu được lấy cách nhau mười ngày. Khi ghép, sẽ ưu tiên ghép theo thứ tự: vùng mặt, cổ, ngực, bụng, tay, chân. Ngoài ra, các BS còn dùng kỹ thuật xoay vạt da để che vùng khuyết da, giấu sẹo theo nếp gấp tự nhiên. Ở những nơi vừa ghép da hoặc chưa được ghép da, các BS sẽ sử dụng màng sinh học (một chất như keo trong, đắp dính, tự bong) hoặc gạc để không cho vi trùng xâm nhập và giữ ẩm cho da. Giảm số lần thay băng. Theo dõi vết mổ cũng như kiểm soát lành vết thương mà không gây đau đớn, chảy máu cho bệnh nhân khi thay băng. Màng sinh học của nước ngoài hiện có giá khoảng 15.000-85.000đ/100cm2. Giá gạc: 46.000đ/120cm2. Vật lý trị liệu, một phương pháp hỗ trợ bệnh nhân phỏng Tại Khoa Phỏng của BV Nhi đồng I, vật lý trị liệu (VLTL) đóng một vai trò quan trọng trong việc phục hồi chức năng và thẩm mỹ, nâng đỡ tương lai của một đứa trẻ bị phỏng. Các bác sĩ của Khoa VLTL có mặt tại Khoa Phỏng từ khi đứa trẻ mới nhập viện. Trẻ bị phỏng miệng sẽ được các bác sĩ VLTL mang găng kéo giãn khoé mép để tránh co rút. Nếu bị phỏng chân sau khi ghép da, trẻ sẽ được các bác sĩ tập nẹp, hướng dẫn tập cử động các cơ còn lại. Trẻ nào bị thương ở mặt sẽ được cho đeo mặt nạ để tránh bị sẹo lồi sau này. Đặc biệt ở phần mi mắt, do mi mắt co rút lại, các lông mi sẽ có khuynh hướng chĩa ra hoặc chĩa vô trong mắt (mi quặm). Vì vậy, các bác sĩ VLTL dùng bông mềm để uốn lông mi theo chiều tự nhiên cho các em. Các thao tác VLTL ở những ngày đầu sẽ do các BS đảm trách, sau đó được "chuyển giao công nghệ" cho người nhà các em. Bài, ảnh: Vân Điển (VNN)