Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đằng sau tấm biển chất lượng cao: Gặp họa ở trường “quốc tế”


Nhiều phụ huynh có điều kiện ở Hà Nội muốn gửi con vào những trường mầm non quốc tế với mong muốn về một môi trường nuôi dạy chất lượng cao.


Không phải trường mầm non "quốc tế" nào cũng có chất lượng nuôi dạy cao - Ảnh minh họa: N.Thắng


Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đã phải đắng cay nhận ra rằng, số tiền bỏ ra không tương xứng với chất lượng như lời quảng cáo.


Sự việc trường mầm non quốc tế, nằm trong hệ thống trường quốc tế của Canada mang tên Maple Bear (171 Bà Triệu, Hà Nội), dù thu học phí hàng chục triệu đồng/tháng, nhưng cho học sinh ăn cơm hộp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thức ăn kém chất lượng... đã gây nên một làn sóng phẫn nộ của dư luận. Qua đấu tranh, các phụ huynh mới phát hiện ra, mỗi tháng nhà trường thu mỗi cháu 12 triệu đồng, nhưng chỉ trả tiền thức ăn cho nhà cung cấp 48.400 đồng/ngày.


Nhiều phụ huynh bức xúc: "Trường mầm non công lập chỉ đóng tiền học khoảng 600.000 đồng/tháng, tiền ăn chỉ 25.000 đồng/ngày nhưng có bếp riêng, đảm bảo vệ sinh. Chúng tôi đóng cả chục triệu đồng mong muốn cho con được học trong môi trường quốc tế, không ngờ bữa ăn chính (20.000 đồng) không bằng một suất cơm bụi, đã thế còn bẩn thỉu, nhếch nhác".


Tại Hà Nội, hàng loạt trường mầm non gắn mác "quốc tế", "song ngữ", hoặc tùy tiện gắn tên "tây" và mác quốc tế lũ lượt ra đời như: SeasameGarden, Mầm non quốc tế Kid's Garden, Blue Star, Mẫu giáo quốc tế Cherie Hearts, Color House... Tuy nhiên, chất lượng "quốc tế" đến đâu thì không ai thẩm định và không được công bố rõ ràng.


Phụ huynh của hệ thống trường Kinder World phản ánh với phóng viên Thanh Niên, dù là trường quốc tế, thu học phí hàng chục nghìn USD/năm nhưng vào mùa hè các cháu vẫn phải đóng tiền để đi học... bơi.


Khó kiểm soát chất lượng

Tuy học phí thu ở các trường có yếu tố nước ngoài rất cao nhưng việc đảm bảo chất lượng chỉ là cam kết của cơ sở đào tạo. Việc kiểm soát, công nhận chất lượng theo chức năng của các cấp quản lý lại rất hạn hẹp.


Tây Hồ là quận tập trung nhiều trường có yếu tố nước ngoài nhất Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ cho biết: Toàn quận có 5 trường có yếu tố nước ngoài, có trường do UBND quận, có trường do Sở GD-ĐT cấp phép. "Những trường sở cho phép hoạt động hầu như không sinh hoạt chuyên môn với phòng giáo dục, chúng tôi muốn kiểm tra thì phải báo trước họ mới tiếp chứ không thực hiện đột xuất được, có khi phải có cơ quan an ninh đi cùng thì họ mới cho vào trường để kiểm tra", bà Thanh nói.


Bà Thanh cũng thông tin, vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành đã phạt một trường 15 triệu đồng vì để giáo viên nước ngoài dạy khi chưa có giấy phép lao động.


Theo đánh giá của Sở GD-ĐT Hà Nội, việc thuê giáo viên nước ngoài ở các trường quốc tế hiện nay gặp nhiều bất cập, hiện có 34 người nước ngoài chưa có giấy phép hoạt động, một số không có chuyên môn về giáo dục mầm non.


Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng, việc các trường mầm non quảng cáo là trường song ngữ thực ra cũng chỉ là tự xưng. Toàn thành phố hiện nay không có trường mầm non song ngữ nào được cấp phép hoạt động. Hà Nội mới chỉ có trường song ngữ từ cấp THCS trở lên. Cấp tiểu học chưa có loại hình trường này.


Hà Nội có 25 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập có yếu tố nước ngoài do UBND quận, huyện ra quyết định thành lập; 7 trường có vốn liên doanh với nước ngoài. Ngoài ra còn có một số cơ sở có 100% vốn nước ngoài thuộc các công ty trách nhiệm hữu hạn... Thành phố cũng chưa có quy định quản lý nào đối với những trường có yếu tố nước ngoài.


Theo Thanh Niên